Những đột phá của loài người sau đại dịch 'Cái chết đen'

Nhiều người cho rằng, chính sự đau thương mà bệnh dịch hạch mang lại đã kết thúc một thế giới và mở ra cánh cửa thế giới mới tốt đẹp hơn.

Theo Listverse, không ai nghĩ rằng loại vi khuẩn Yersinia pestis nhỏ bé trong ruột bọ chét bị nhiễm bệnh có thể gây ra một cơn đại dịch chấn động hành tinh. Nhân loại từng chứng kiến căn bệnh dịch hạch khủng khiếp nhất lịch sử loài người với cái tên “Cái chết đen” xảy ra vào thế kỷ 14 mà đỉnh điểm là ở châu Âu gây ra cái chết của khoảng 75-200 triệu người.

Bất chấp những hậu quả nặng nề ấy, châu Âu cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên với những đột phá lớn lao.

Những cải tiến về sức khỏe

Khi cùng đối diện với bệnh tật, biến thể gene đặc biệt giúp một số người chống lại nhiễm trùng tốt hơn so với những người không có biến thể này. Họ cũng có xu hướng sinh con khỏe mạnh và đề kháng tốt hơn hẳn. Quá trình này được gọi là lựa chọn tích cực.

Những đột phá của loài người sau đại dịch 'Cái chết đen'

Các nghiên cứu gần đây nhận thấy rằng con cháu của những người châu Âu sống sót sau đại dịch đã có cải tiến về gene giúp họ gia tăng khả năng kháng bệnh. Điều đó có thể giải thích cho việc người châu Âu có hệ thống miễn dịch cao hơn so với khu vực khác.

Đại dịch “Cái chết đen” có thể được coi là một thử thách của quá trình chọn lọc tự nhiên nhằm loại bỏ các bộ gene miễn dịch kém. Các nhà khoa học khi phân tích bộ xương còn sót lại của những người chết sau đại dịch tại một nhà thờ ở London tiết lộ rằng, người nào sống sót khi đại dịch đi qua có nguy cơ chết thấp hơn rất nhiều dù ở bất kỳ độ tuổi nào so với những người đã không thể bước qua cánh cửa hẹp của “Cái chết đen”.

Trước đại dịch, chỉ có 10% dân số sống qua tuổi 70; sau bệnh dịch, con số này đã tăng lên 20%. Yếu tố “trời phú” về gene kết hợp với chế độ ăn uống tốt khiến những ai nếu đã qua được “cửa ải” đại dịch sẽ sống khá lâu, tương tự một câu ngạn ngữ nói: “Cái gì không giết chết được bạn sẽ làm cho bạn mạnh mẽ hơn”.

Xuất hiện ngành công nghiệp nước hoa


Các nhà khoa cho rằng một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh dịch hạch bùng phát dữ dội là hơi độc. Do đó, họ đã sử dụng các loại thảo mộc thơm để làm sạch không khí. Trước dịch hạch, con người đã có một lịch sử lâu dài của việc sử dụng nước hoa nhưng chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, sau đại dịch nó đã trở thành cả một ngành công nghiệp phát triển rực rỡ.

Người ta thường đeo bên mình những chiếc túi đựng cây đinh hương khô hay các loại thảo mộc, xạ hương, cây lô hội, long não và nước hoa hồng. Ngoài ra, một loại nước hoa được yêu thích bậc nhất là loại tạo nên từ hỗn hợp hoa oải hương và rượu có tên Eau de la Reine de Hongrie, được cho là tiền thân của thương hiệu nước hoa lâu đời Eau de Cologne. Mùi hương của nó không chỉ xua đi uế khí mà còn tạo ra cảm giác tinh thần nhẹ nhõm, được an ủi và khích lệ.

Những đột phá của loài người sau đại dịch 'Cái chết đen'

Khu vực miền Nam nước Pháp, nơi trồng các loại thảo mộc và hoa, trở nên nổi tiếng và được coi là xứ sở của ngành công nghiệp sản xuất nước hoa. Thời đó, người ta “tẩy chay” việc tắm rửa vì tin rằng hành động này làm các lỗ chân lông trên cơ thể giãn ra, tạo điều kiện cho khí hôi đi vào. Trong suốt thế kỷ sau đó, người ta dùng nước hoa để che giấu mùi cơ thể thay vì tắm. Điều này như một biện pháp bảo vệ ngăn chặn đại dịch quay trở lại rồi dần dần phát triển thành một thói quen trong tầng lớp thượng lưu.

Những cải tiến vượt bậc về bệnh viện


Trước khi đại dịch xảy ra, bệnh viện đơn giản chỉ là nơi mà các bệnh nhân bị cô lập vì người ta sợ họ sẽ lây nhiễm sang người khác. Một người bệnh nặng khi bước vào bệnh viện thời này cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ không còn có cơ hội cứu chữa. Tất cả những gì bệnh viện có thể làm là thực hiện lễ cầu siêu cho họ. Trên thực tế, bệnh viện chăm sóc tâm hồn người bệnh trước khi sang thế giới bên kia nhiều hơn là cứu chữa vì họ coi bệnh tật là một hình phạt cho tội lỗi.

Thật vậy, bệnh viện của hàng trăm năm trước giống một tổ chức tôn giáo mà “phác đồ điều trị” là xưng tội và cầu nguyện. Bệnh viện không có bác sĩ hay y tá mà được điều hành bởi cha xứ và các sơ, thuốc chữa trị là hỗn hợp từ các loại thảo dược. Bệnh viện còn có chức năng như nhà tình thương, là nơi trú ngụ của các góa phụ và trẻ mồ côi. Từ “bệnh viện” có nghĩa gốc xuất phát từ nghĩa “mến khách” trong tiếng La Tinh.

Những đột phá của loài người sau đại dịch 'Cái chết đen'

Khi đại dịch bệnh hoành hành đã có sự chuyển đổi rõ rệt và vượt bậc trong lĩnh vực điều trị. Với rất nhiều người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này, bệnh viện đã buộc phải từ bỏ nhiều chức năng để tập trung vào việc chăm sóc, chữa trị bệnh nhân. Đồng thời đã có những thay đổi quan trọng đi vào lịch sử ngành y.

Y học không còn là lý thuyết mà trở nên thực tế hơn. Giải phẫu đã trở thành một phần của chương trình y tế đi vào các trường đại học. Hàng loạt các bệnh viện chuyên khoa đã xuất hiện.

Sự lên ngôi của tác phẩm hài, tâm lý

Vào thời Trung cổ, hệ thống tôn giáo lên án tất cả các thú vui chơi giải trí như hành động của “ma quỷ”. Tuy nhiên, kể từ đại dịch, nhiều người bắt đầu chú ý đến sức mạnh điều trị của tiếng cười. Vào thời kỳ đó, những người trong vùng bệnh được kê một "toa thuốc” rằng: “Ai muốn giữ cho mình khỏe mạnh và chiến đấu chống lại cái chết của bệnh dịch hạch thì nên chạy trốn sự tức giận và xóa tan nỗi buồn, phải sống vui vẻ hơn”.

Những đột phá của loài người sau đại dịch 'Cái chết đen'

“The Decameron” của Giovanni Boccaccio được coi là tác phẩm đầu tiên về văn học hài, tâm lý ở Châu Âu.  Nó được viết vào năm 1352 bao gồm 100 câu chuyện về tình yêu nam nữ của một nhóm người đã thoát khỏi dịch bệnh “Cái chết đen”.

“The Decameron” lồng ghép vấn đề tôn giáo và tình yêu vào những câu chuyện của mình. Sau này, Geoffrey Chaucer sử dụng nó như là nguồn cảm hứng cho tác phẩm The Canterbury Tales. Nó đã hình thành một cuộc cách mạng thể loại này. Trong thế kỷ 20, các tác phẩm James Joyce và Ernest Hemingway cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều của The Decameron.

Sự phát triển của ngành xây dựng, kiến trúc

Sự khan hiếm các thợ xây có tay nghề sau đại dịch bắt buộc kiến trúc sư phải lên ý tưởng cho các thiết kế đơn giản. Nhà thờ Anh là một ví dụ điển hình. Nhà thờ được chuyển từ ý định trang trí khoa trương theo bản thiết kế với phong cách Gothic sang Perpendicular Gothic ít phô trương, nhấn mạnh vào các đường thẳng đứng.

Những đột phá của loài người sau đại dịch 'Cái chết đen'

Kiến trúc mới cũng chú trọng đến không gian riêng tư của mỗi người. Điều này bắt nguồn từ suy nghĩ chính sự thoải mái trong tiếp xúc là chất xúc tác khiến bệnh dịch hạch lan truyền với tốc độ siêu tốc. Trước đây, nhà ở của người dân được xây theo kiểu nhà một gian với chiếc lò sưởi đặt giữa phòng, vừa là nơi ở, nơi tiếp khách… Đó là chưa kể những người nghèo sống trong ngôi nhà gỗ hôi hám, bẩn thỉu, mái lợp bằng lá cây, là môi trường sống lý tưởng cho chuột và các loại sâu bọ khác.

Cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15, nhà được xây với các bức tường chia phòng, sạch sẽ và thoải mái hơn. Lâu đài Bodiam thậm chí còn có nhà vệ sinh riêng trong mỗi phòng.

Theo Trí Thức

Tin tức mới nhất