Những mỹ nhân thông minh kiệt xuất trong cung đình Việt

Bằng trí tuệ của mình, họ vượt qua phận nữ giới để có những đóng góp quan trọng cho sự tồn vong của các vương triều phong kiến trong lịch sử Việt Nam.

Ỷ Lan và hai lần thay vua trị quốc

Nguyên phi – Hoàng thái hậu Ỷ Lan (1044–1117) là vợ vua Lý Thánh Tông trong lịch sử Việt Nam.

Tên gọi Ỷ Lan của bà có nguồn gốc từ một giai thoại nổi tiếng. Theo đó, vào một sáng mùa xuân, vua Lý Thánh Tông ngự giá đến trang Thổ Lỗi, thấy một thôn nữ xinh đẹp điềm nhiên hái dâu bên cạnh gốc lan. Vua lấy làm lạ, cho người gạn hỏi. Thấy người con gái đối đáp thông minh, cử chỉ đoan trang dịu dàng, vua bèn mời về cung làm phi.

Trong cung, Ỷ Lan không màng trau chuốt nhan sắc, chiếm tình cảm của vua mà chỉ quan tâm đến các công việc trong triều đình. Bà miệt mài đọc sách và chỉ trong một thời gian ngắn đã khiến mọi người kinh ngạc trước sự hiểu biết uyên thâm về nhiều lĩnh vực. Bà được triều thần rất khâm phục, tin tưởng và được vua phong làm Nguyên phi.

Năm 1069, Lý Thánh Tông cùng Lý Thường Kiệt đưa quân đi đánh Chiêm Thành, trao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan. Cũng năm ấy, nước Đại Việt có lụt lớn, mùa màng thất bát, nhiều nơi sinh loạn lạc. Nhưng nhờ có kế sách trị nước đúng đắn của Ỷ Lan, nạn đói đã được đẩy lùi, các vụ dấy loạn cũng được dẹp yên.

Năm 1072, vua Lý Thánh Tông đột ngột qua đời, hoàng thái tử Lý Càn Đức mới 7 tuổi lên nối ngôi, niên hiệu là Lý Nhân Tông. Ỷ Lan được tôn làm Hoàng thái phi, rồi Hoàng thái hậu. Một lần nữa, bà lại gánh vác nhiệm vụ điều hành cả quốc gia, cùng tể tướng Lý Thường Kiệt đánh quân Tống xâm lược.

 

Trong thời gian nhiếp chính, Ỷ Lan đã có những đóng góp quan trọng cho cơ nghiệp nhà Lý. Bà đã chăm lo việc mở mang dân trí, thi cử học hành, ban hành nhiều chính sách tiến bộ như chuộc nô tỳ, tha cung nữ, giảm tô thuế, cấm giết trâu bò.

Là người rất am hiểu và hâm mộ đạo Phật, Ỷ Lan cũng là người có công xây dựng hàng trăm ngôi chùa. Chính nhờ câu chuyện giữa bà và các vị sư thời Lý , đến nay người ta mới biết được gốc tích sự truyền bá đạo Phật vào Việt Nam.

Hoàng hậu Trần Thị Dung và kế “vườn không nhà trống”

Trần Thị Dung (?-1259) là hoàng hậu cuối cùng của triều Lý. Bà là vợ vua Lý Huệ Tông và là mẹ của Lý Chiêu Hoàng, nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ xâm lược vào năm 1258 của nhà Trần, bà đã lập nên công trạng rất lớn bằng tài tổ chức khéo léo của mình.

Bà chính là người đã chỉ đạo thực hiện mưu kế “vườn không nhà trống” ở kinh thành Thăng Long do nhà Trần định sẵn trong thời điểm quân đội nhà Trần đang rút khỏi Bình Lệ Nguyên sau các cuộc đụng độ không cân sức với quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy. Việc thực hiện thành công kế “vườn không nhà trống” đã giúp các các vương tôn, quý tộc nhà Trần được bảo vệ, đồng thời gây ra vô vàn khó khăn cho quân Mông Cổ khi chúng tiến vào Thăng Long..

Khi cuộc phản công của quân Trần diễn ra, Trần Thị Dung đã đôn đốc quân sĩ thực hiện rất tốt việc tích trữ và vận chuyển lương thảo, tạo điều kiện thuận lợi cho quân Đại Việt đánh đuổi hoàn toàn đạo quân Mông Cổ hùng mạnh bậc nhất thế giới thời bấy giờ.

Bà đã được vua Trần Thái Tông là Linh Từ quốc mẫu. Tại tỉnh Thái Bình ngày nay còn nhiều địa điểm, địa danh ghi dấu các công trạng của bà.

Sử gia Ngô Sĩ Liên đã viết về bà như sau: “Dường như phẩm chất năng động ở Trần Thị Dung khiến bà không thể lui vào hậu cung sau cái chết của Huệ Tông như hành động theo đạo thường thấy của người phụ nữ thời phong kiến. Bà tham gia chính sự và còn góp tay chống ngoại xâm. Những công lao với nước Đại Việt của bà được người đời sau ghi nhận”.

10 kế trị quốc của ái phi Nguyễn Thị Bích Châu

Nguyễn Thị Bích Châu (1356? – 1377) là con gái của vị quan họ Nguyễn dưới triều Trần. Bà đẹp người, đẹp nết lại thông thạo sách vở, văn từ nên được tuyển vào cung từ năm 16 tuổi. Vua Trần Duệ Tông rất đỗi yêu quý Bích Châu, phong bà là ái phi.

Sau một thời gian ngắn ở chốn hoàng cung, Bích Châu đã nhìn thấy sự rối ren và khủng hoảng của chính sự đất nước. Bà đã chú tâm soạn thảo bản điều trần có nhan đề “Kê minh thập sách” dâng vua, đại ý mượn tiếng gà gáy sáng để thức tỉnh nhà vua với 10 kế sách trị nước an dân. Nhứng kế sách đó có nội dung như sau:

1 - Bền gốc nước trị kẻ bạo tàn cho lòng dân được yên.

2 - Giữ đúng quy định, xoá bỏ phiền nhiễu thì triều cương không rối.

3 - Trị kẻ lạm quyền tránh hoạ ngầm cho nước.

4 - Đuổi hết bọn tham nhũng cho dân đủ sống.

5 - Chấn chỉnh học hành, lễ nghĩa cho sáng tỏ đất trời.

6 - Mong nghe được lời nói thẳng, mở rộng cửa ngôn luận như mở rộng cửa thành.

7 - Chọn quân thì nhằm vào dũng lực, không nhằm vào vóc dạng cao lớn.

8 - Chọn tướng thì nhằm vào tài thao lược không nhằm vào thế gia

9 - Vũ khí cần sắc bén không cần trang trí sặc sỡ.

10 - Tập trận thì cần chỉnh tề, chặt chẽ chứ không phải giở trò múa may cho đẹp mắt.

Xem xong Kê minh thập sách của ái phi Bích Châu, nhà vua thốt lên: “Không ngờ ái phi lại thông tuệ đến thế? May cho trong cung của trẫm xuất hiện một bậc Từ Phi”. (Từ Phi là vợ vua Đường Thái Tông bên Trung Quốc, nổi tiếng uyên bác).

Nhưng bản điều trần đó không được vua quan tâm và rơi vào quên lãng.

Năm 1376, quân Chiêm Thành thường xuyên kéo sang gây hấn Đại Việt. Vua Trần Duệ Tông giận dữ xuống chiếu ngự giá thân chinh đi dẹp giặc. Bích Châu lo lắng dâng biểu khuyên can nhưng vua không nghe, đành xin đi theo vua ra chiến địa.

Theo sử tích, bà đã dâng mình cho thần biển để đoàn chiến thuyền của vua vượt qua được bão tố. Dù thoát khỏi cơn bão mạnh, nhưng rốt cục quân nhà Trần đã thảm bại, bản thân vua Trần Duệ Tông chết tức tưởi trong cuộc chiến trên đất Chiêm Thành sau đó. Nhà Trần rơi vào con đường lụn bại không thể cứu vãn…

Nếu vua Trần chịu nghe lời Nguyễn Thị Bích Châu, biết đâu lịch sử của triều đại này đã không kết thúc một cách đáng buồn như vậy?

(Còn nữa)
 

Theo Kienthuc.net

Tin tức mới nhất