Nỗi ám ảnh sau những bức hình biết nói khiến cả thế giới 'chết lặng'

Mỗi bức ảnh là cả vạn lời nói. Có những bức hình ghi lại khoảnh khắc mà sau đó đi vào lịch sử, lay động tới trái tim nhân loại. Đằng sau chúng là câu chuyện ám ảnh suốt cuộc đời tác giả cũng như nhân vật chính.




(Ảnh: Time)

Bức ảnh chụp Sadie Pfeifer, một đứa trẻ đang làm việc trong nhà máy bông tại Carolina năm 1908. Lewis Hine, tác giả bức ảnh cho biết ông muốn phơi bày thực trạng bóc lột sức lao động trẻ em.

Bức ảnh chỉ là một trong số rất nhiều bức ảnh khác của Lewis nhằm tố cáo tội ác của việc lạm dụng trẻ em. Để thực hiện bộ ảnh này, ông đã đi từ Massachusetts đến Bắc Carolina, chụp hình trẻ em phải vật lộn mưu sinh kiếm sống thay vì được đến trường.

Nhiếp ảnh gia này cũng cho hay, cô bé trong hình đang quản lý một chiếc máy, và nhiều lúc phải leo lên các thiết bị để vận hành những chỗ quá cao so với tầm với của cô bé.


(Ảnh: Library Of Congress)

Năm 1936, nhiếp ảnh gia Dorothea Lange đã chụp bức ảnh đặt tên là "Migrant Mother" (tạm dịch là "Người mẹ di cư") ở trang trại Nipomo, California. Nhân vật chính trong bức hình là Florence Owens Thompson, một phụ nữ 32 tuổi sống ở đó.

Sau khi được đăng tải, cả Dorothea và Florence đều trở nên nổi tiếng, mặc dù phải đến 40 năm sau người ta mới biết đến danh tính của Florence. Bức hình này từng được xem là biểu tượng của thời kỳ đại khủng hoảng những năm 1930 ở nước Mỹ.

Theo lời nhiếp ảnh gia Dorothea: "Tôi không nhớ đã chụp bức ảnh này như thế nào. Tôi chỉ nhớ mình đã tiếp cận một gia đình trong số hơn 2 ngàn hộ nông dân sống ở trang trại Nipomo. Tôi cũng không hỏi tên người phụ nữ trong hình. Cô ấy chỉ nói với tôi cô ấy 32 tuổi; và mẹ con họ phải sống nhờ rau quả mót được từ cánh đồng đã bị trận mưa đá phá hủy; và những con chim mà bọn trẻ bắn được".


Bà Florence Owens Thompson bên bức hình chụp mình năm 32 tuổi. (Ảnh: Internet)

Gần 40 năm sau, vào năm 1970 khi nhìn thấy bức ảnh chụp mình thời còn trẻ trên tờ báo San Francisco News, nhân vật chính trong hình mới lên tiếng.

Bà Florence Owens Thompson khi đó đã ngoài 70 tuổi chia sẻ với báo chí: "Tôi ước gì mình không chụp bức ảnh đó". Bà cũng lên tiếng chỉ trích nữ nhiếp ảnh gia: "Tôi không nhận được một xu nào từ bức hình này hết. Cô ấy nói sẽ không bán bức ảnh và sẽ gửi cho tôi một bản. Nhưng cô ta không hề làm vậy".


(Ảnh: militaryhistorynow.com)

Bức ảnh được chụp năm 1937 ở nhà ga Thượng Hải, sau một trận dội bom. Nhiếp ảnh gia Trung Quốc H.S. Wong, người đã chụp bức ảnh này chia sẻ: "Tôi chụp bức ảnh này khi nhìn thấy đứa trẻ ngồi khóc một mình trên đường ray, còn bà mẹ thì nằm bất động gần đó".

Nhớ lại về khoảnh khắc kinh hoàng ấy, ông nói thêm: "Giày của tôi bị ngâm trong máu". Sau khi được đăng tải, bức hình đã khiến cả thế giới "câm lặng". Đây trở thành một trong những bức ảnh về trẻ em gây ám ảnh nhất mọi thời đại.


(Ảnh: BBC)

Khoảnh khắc em bé đang rơi xuống từ một tòa nhà được chụp bởi nhiếp ảnh gia Stanley Forman, người đã 3 lần đoạt giải Pulitzer, gây ám ảnh người xem. Bức ảnh được chụp năm 1975, trong một vụ hỏa hoạn tại Boston, Massachusetts, Mỹ.

Theo lời kể của Stanley: "Ngày 22/7/1975, tôi đang định rời văn phòng thì có cuộc gọi đến thông báo vụ hỏa hoạn xảy ra tại một trong những dãy nhà cũ nhất trong thành phố. Ngay lập tức tôi ra hiện trường, chạy ra đằng sau dãy nhà thì tôi thấy người ta bắc thang từ một chiếc xe cứu hỏa để giải cứu người đang mắc kẹt trên thang thoát hiểm.

Khi tôi nhìn lên, một người phụ nữ và một đứa trẻ trên thang đang cố xoay người để chống lại sức nóng phát ra từ đám cháy. Vào thời điểm đó, một người lính cứu hỏa đã leo lên nóc và tìm cách giải cứu họ. Tôi nhanh chóng tìm vị trí để chụp một pha cứu nạn. Khi lính cứu hỏa cố tiếp cận hai nạn nhân, đột nhiên chiếc thang thoát hiểm của tòa nhà gãy.

Tôi bấm máy đúng lúc họ đang rơi xuống, sau đó tôi quay mặt đi vì không muốn thấy cảnh nạn nhân rơi xuống đất".


(Ảnh: Internet)

Sau khi đăng tải, bức hình đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, đồng thời nó cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cơ quan chức năng về việc phải xem xét lại mức độ an toàn của thang thoát hiểm tại các khu chung cư.

Stanley chia sẻ thêm: "Nhiều người nói sao lại đăng tải bức ảnh khủng khiếp vậy. Nhưng tôi không quan tâm tới những lời chỉ trích đó. Theo tôi biết, người mẹ đã hy sinh để đứa con được sống... Khi bạn nói một bức ảnh có thể thay cho ngàn lời nói, với bức ảnh này có lẽ là cả vạn lời".

* Mời các bạn đón đọc tiếp phần 2 vào thứ 7, ngày 8 tháng 4 năm 2017 trên 2Sao.vn
 

Veo
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/noi-am-anh-sau-nhung-buc-hinh-biet-noi-khien-ca-the-gioi-chet-lang-n-116289.html

khủng hoảng di cư lạm dụng trẻ em câu chuyện cuộc sống bức hình ám ảnh

Tin tức mới nhất