Tết Nguyên Đán - Xuân Mậu Tuất 2018

'Nóng' chuyện gộp Tết: Mệt hay không là ở cách ứng xử của con người!

Chủ đề gộp Tết đang tiếp tục nhận được nhiều tranh luận đa chiều. Để mở rộng góc tiếp cận trên nhiều phương diện, PV đã có cuộc trao đổi với nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu về chủ đề “gộp Tết”.

Nóng chuyện gộp Tết: Mệt hay không là ở cách ứng xử của con người!-1
Tết luôn là những ngày đặc biệt của dân tộc Việt. Ảnh: TL

Tết đến bao giờ… hết?

Thực tế, lịch nghỉ Tết do nhà nước quy định chỉ khoảng một tuần lễ nhưng không khí “ăn Tết” của người Việt vẫn thường kéo dài đến tận tháng Giêng với quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Quan niệm ấy dẫn tới hệ quả khiến năng suất công việc kém, nhiều giao dịch bị đình trệ, vấn đề an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm… cũng trở nên nhức nhối. Chia sẻ về câu chuyện này cùng đề xuất “gộp Tết”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ quan điểm đồng tình song cần phải có lộ trình.

“Tôi cho rằng nên bớt những phong tục nào mà không có khoa học hoặc thiếu thực tế. Đối với gia đình, thầy cô, bạn bè... lúc nào cũng phải quan tâm chăm sóc chứ không phải đến ngày Tết mới đi thăm hỏi. Tình cảm chân thật mà con người dành cho nhau mới thực sự là điều đáng quý, chúng ta có nhiều dịp để bày tỏ, đâu phải một năm chỉ mỗi mấy ngày”, bà Phạm Chi Lan nói. Bà cũng chia sẻ thêm, cá nhân bà ủng hộ việc gộp Tết Âm lịch vào Tết Dương lịch như đề xuất của GS.TSKH Võ Tòng Xuân và vấn đề này cần được đưa ra bàn luận rộng rãi trong xã hội, làm rõ vấn đề giữ như cách thức truyền thống hay phương án mới đề xuất thì có ưu điểm, hạn chế gì để tránh những trường hợp nhìn nhận không đúng hoặc vội vàng phê phán.

PGS.TS Lê Quý Đức (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa & Phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Việc gộp Tết hay không phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có chủ trương của nhà nước, không vì phát biểu của cá nhân nào mà nói gộp là gộp, bỏ là bỏ Tết được. Bên cạnh đó, để thay đổi một đặc điểm văn hóa cần có sự thay đổi về tâm thức, xã hội, điều kiện vật chất…

Có thể, đến một lúc nào đó con người tự thấy chỉ nên có Tết Dương lịch để thuận tiện cho đời sống sinh hoạt, công việc, giao dịch… thì đề xuất ấy sẽ thành hiện thực. Bây giờ, chúng ta mới đang “xới” vấn đề ra. Nhưng phải công nhận, việc nghỉ Tết quá dài ngày đã gây nhiều mệt mỏi. Ngày xưa, trong xã hội truyền thống, người dân có cả một kỳ nông nhàn sau những tháng ngày vất vả để đi chơi, là nguồn gốc của câu ca dao “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Còn ở xã hội hiện đại, trong lúc cả thế giới đang vươn lên và cạnh tranh, chúng ta cứ mải vui ở những lễ hội thì sẽ sớm bị tụt hậu. Điều này cần sự quản lý chặt chẽ ở những cơ quan, xí nghiệp, công sở… Chúng ta cũng nên xem xét việc bỏ bớt những lễ hội không còn phù hợp”.

Bỏ Tết, ảnh hưởng đến văn hóa

Chia sẻ xung quanh ý tưởng gộp hai cái Tết Âm lịch và Dương lịch, nhiều nghệ sĩ đã có quan điểm trái ngược các nhà nghiên cứu, chuyên gia về văn hóa, kinh tế. Đa số nghệ sĩ muốn giữ Tết Âm lịch với những lễ nghi, phong tục tập quán truyền thống của dân tộc. “Tại sao lại bỏ Tết Âm lịch. Tôi muốn giữ ngày đặc biệt của dân tộc đến tận đời con, đời cháu... Khi nào người Việt Nam không còn đi xe gắn máy thì mới có thể bỏ được Tết Âm lịch”, nhạc sĩ Đức Huy nói.

Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu - nghệ sĩ Nguyễn Quang Long cho hay: “Là một người nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa dân tộc, tôi không ủng hộ ý tưởng gộp Tết, đón Tết theo lịch Dương. Có thể điều nhìn thấy trước mắt qua ý tưởng này là tiết kiệm được thời gian, tiền bạc thật nhưng sâu xa, lâu dài, về văn hóa sẽ có ảnh hưởng nhất định. Chúng ta cần giữ những nét đặc sắc, truyền thống tốt đẹp của Tết Nguyên đán, đó là nét đặc trưng cho cả một dân tộc gắn liền với nhiều sinh hoạt văn hóa, cội nguồn tập quán của mùa xuân – thời điểm khởi đầu cho một năm.

Ngày xưa, ông bà ta chỉ ăn Tết ba ngày thôi, sau đó làng nào mở hội làng thì tổ chức riêng. Điều khiến gốc gác ăn Tết ba ngày kéo dài thành mệt mỏi đến môi trường thành thị, công sở… là do thái độ thiếu văn minh, nghiêm túc với công việc của con người, thói quen lười biếng, ưa hưởng thụ rong chơi… Tất cả những thứ gọi là rườm rà, hệ quả, hoạt động phi văn hóa như uống rượu bia, say xỉn, không chịu lao động dù Tết còn chưa đến hay Tết đã qua đi, biến tướng của lễ hội, của cách chơi xuân… tóm lại là sự ăn chơi lê thê không thể gọi là bản sắc Tết Việt”.

Là một nghệ sĩ yêu Tết cổ truyền, dù bận rộn cỡ nào cũng chưa bao giờ hết hào hứng với Tết, nghệ sĩ hài Trà My tâm sự: “Tết cổ truyền là bản sắc của dân tộc. Một khi đã là bản sắc thì cần được gìn giữ, phát triển theo nghĩa tích cực chứ không nên gộp hoặc bỏ Tết. Đồng ý rằng mỗi nhà một cảnh, một người một một quan niệm nhưng cá nhân tôi vừa là nghệ sĩ nhưng cũng là người vợ, người mẹ, người nội trợ… tôi cho rằng nếu chúng ta biết sắp xếp, hài hòa trong cách ứng xử với Tết thì không gì là mệt mỏi cả.

Tết là dịp để sum họp gia đình, nhất là ở thời buổi như bây giờ, mạng xã hội, công nghệ làm con người xa nhau quá, sự gắn kết càng cần thiết hơn. Mỗi ngày, chúng ta tương tác với nhau từng giờ từng phút, nhưng ai cũng bận công việc, đời sống, đâu phải bảo đến chơi nhà nhau là có thể thực hiện. Vậy thì Tết là dịp để con người gác lại mọi lo toan, đến với nhau, hàn huyên, tâm sự”.

Nghệ sĩ hài Trà My cho biết thêm, mỗi năm, chị đều dành khoảng thời gian 3 ngày trước Tết để về quê mình và quê chồng. Chồng chị qua đời đã 5 năm nay nhưng tất cả thói quen sinh hoạt Tết của chị và con trai chưa bao giờ thay đổi.

Chị nói: “Quê tôi và quê chồng, mỗi bên gia đình tính ra đến vài chục hộ cần được thăm hỏi, tặng quà. Năm nào tôi cũng đến từng nhà, dành những món quà đặc biệt cho các cụ già như một cách thay cha mẹ mình tri ân họ mạc, hàng xóm láng giềng. Hai bên gia đình thấy tôi về đều rất vui, tình cảm mộc mạc như câu hát “người quê chỉ có tấm lòng” và bản thân tôi cũng vô cùng hạnh phúc, cảm động”.

Nhà nghiên cứu - nghệ sĩ Nguyễn Quang Long cho biết, nhiều địa phương, vùng miền đã làm rất tốt câu chuyện kết hợp giữ gìn bản sắc với phát triển, hội nhập trong đó có tỉnh Bắc Ninh. Những làng nghề ở đây vẫn kinh doanh sầm uất, ngoài Tết Âm lịch, địa phương còn có hội làng. Đó là dịp để người dân mời bạn bè, đối tác đến tham dự, thêm một sự gắn kết nhau trong công việc, kinh doanh, phát triển dịch vụ…

Theo Gia Đình & Xã Hội


Tết Mậu Tuất 2018 tết dương lịch Tết Nguyên Đán

Tin tức mới nhất

Bạn đang xem bài viết trong sự kiện: Tết Nguyên Đán - Xuân Mậu Tuất 2018