Nước lã, nước lọc, nước ngọt và rượu...

Với mỗi người vợ, việc chồng nộp tô mỗi tháng là chuyện quá đỗi bình thường, nhưng nhiều ông chồng lại không cam tâm như vậy...



Có lẽ cái vấn đề lớn nhất, khúc mắc lớn nhất trong đời người đàn ông mà họ thường tự hỏi bản thân là: "Tại sao mình đi làm cặm cụi chăm chỉ cực nhọc không quản nắng mưa trong cả một tháng trời dài đằng đẵng mà cuối tháng lại phải nộp hết lương cho vợ chứ không được giữ. Thậm chí hàng tháng lại phải chìa tay ra xin tiền vợ tiêu vặt, tiền đi đám cưới thậm chí cả tiền đi nhậu với thằng bạn thân?".

Nhưng còn với đàn bà thì cuối tháng chồng nộp lương lại trở thành một luật bất thành văn mà anh chồng nào làm không ra hồn là bị cho vào khuôn khổ cần được đào tào lại hay cần phải xem xét về nhân cách, đạo đức trách nhiệm làm chồng, làm cha ngay lập tức ngay lập tức.

Chính vì hai cái luồng suy nghĩ không thể nào hòa hợp được ấy nên trong nhà có nhiều chuyện dở khóc dở cười mà bắt nguồn đều từ cái quỹ lương của chồng.

Như nhà hàng xóm nhà tôi vợ trừ hết cho khoản tiền xăng xe đi lại và trà nước vỉa hè, là vỉa hè thôi nhá, còn lại là cầm luôn. Chồng có cãi là vợ bảo: "Thế anh ăn ở đâu? Ngủ ở đâu? Dùng điện dùng nước ở đâu?"… Thế là hết cãi. Nhưng mà vét thế còn chưa cạn đâu, bà còn nghĩ ra một cách vô cùng đau lòng khiến cho cái khoản trà nước bọt bèo kia của ông bạn hàng xóm của tôi bỗng dưng như bị bay theo mây khói.

Ấy là, tháng rồi bà ấy bảo nhất định vợ chồng mình phải chi tiêu tiết kiệm nên em mua con lợn về và mỗi tháng hai vợ chồng mỗi người tiết kiệm 500 ngàn cuối năm là có khoản kha khá để tiêu tết. Chồng đồng ý ngay và nếu vậy là anh bớt đi năm trăm ngàn nhé. Vợ lắc đầu, vẩy vẩy ngón tay trỏ: "no no no..." Cái khoản này là khoản hai vợ chồng tự bỏ ra em bỏ năm trăm trước làm gương, anh bỏ tiếp đi. Nhìn con lợn mặt đỏ mà anh hàng xóm nhà tôi mặt mũi thì cứ đen xì xì.

Nghĩ tới hoàn cảnh ngặt nghèo của anh hàng xóm mới lại thấy vợ mình vẫn còn xởi lời chán. Nên cũng có chút mừng thầm trong bụng. Hơn nữa tôi cũng là người đàn ông vô cùng có trách nhiệm và đạo đức trong nghề nghiệp. Thì tôi vẫn nghĩ: "Làm chồng cũng là một ghề đó thôi. Mà có một điều thế này: không hiểu sao mỗi lần đưa tiền cho vợ tôi đều cảm thấy vô cùng thoải mái. đi làm cả tháng trời chỉ mong có cái giây phút được đưa tiền cho vợ vì giây phút đó là giây phút mình cảm thấy mình đích thực là một người đàn ông trụ cột trong nhà".

Và thêm nữa, khi ấy là khoảnh khắc vô cùng dễ chịu của các bà vợ trong đó có cả vợ tôi. Nên cũng thấy lòng mình vui hơn. Nhất là những ngày ấy luôn là những ngày vui vẻ nhất trong cả tháng mà. Nên không tội gì mà tôi không cố gắng tận hưởng nó. Vì dù có phản kháng hay làm gì cũng không thể thay đổi được đâu.

Cuối tháng hết tiền, thắt lưng buộc bụng khiến cho các cơ trên mặt cứ nhăn cứ co hết cả lại. Cho tới cái ngày cầm được cục tiền chồng được tự dưng nó như cái lò xo bị nén lâu ngày bật tung ra. Nhìn sự chuyển biến ấy trên mỗi cơ mặt của vợ là lại cảm thấy mình cũng nở lòng nở dạ làm sao ấy. Cho nên tôi vô cùng thích phản ứng của vợ trong mỗi lần cầm tiền. Không lẽ đàn bà yêu tiền đến thế.

Một lần tôi hỏi vợ tôi: "Nếu một tháng mà anh không đưa cho em tiền thì liệu cái lò xo bị nén kia sẽ bị nén lại và trở thành như thế nào? Tất nhiên là tôi chỉ hỏi giả định thế thôi chứ đời nào tôi dám làm như thế thật".

Vậy mà vợ đanh mặt bảo, số tiền anh đưa sẽ tương ứng với cách đổi xử của em dành cho anh. Và tôi hốt cả hền à, hết cả hồn lên khi nghe vợ nói thế này:

"Nếu anh đưa cho em năm tháng trước, anh sẽ nhận được mức đối xử tương đương là nước lã. Thời này gần ấy một tháng thì chỉ có thể uống nước lã thôi cưng nhé. Đủ uống nước lã, ăn nước lã không đủ để làm gì nữa cả.

Tăng thêm một triệu nữa là mức nước lọc. Thời buổi bão giá nước lọc cũng tăng giá khách đến nhà cũng chỉ dám mời nước lọc, đối xử với anh như là khách đã là hạnh phúc lắm rồi.

Tăng thêm một triệu nữa em sẽ mời anh uống nước ngọt. Thôi thì so với mức thu nhập của chồng như thế cũng là có chút thiện ý với chủ nhà, chủ nhà cũng đã ghi nhận sự cố gắng nhưng vẫn chưa đủ.

Tăng thêm một triệu nữa, anh sẽ được mời rượu vì đó thể hiện tinh thần cầu tiến, trách nhiệm đối với chủ nhà và cả thâm tình với chủ nhà mà hi sinh bản thân cho nên nhất định chủ nhà sẽ đối xử với anh nồng nàn như rượu, mà rượu thì có thể được khuyến mại thêm đồ nhắm và một số thứ đi kèm sau khi anh say…

Còn nếu là không đồng thì không có lời nào có thể diễn tả đúng được. Lúc ấy anh sẽ biết…"

Chồng đần mặt nghe vợ giảng giải những cung bậc mà mình có thể leo lên hay tụt xuống. Giờ tôi mới hiểu được cái câu: đường đời ghập ghềnh muôn nẻo về đâu là thế. Và thế nào là lòng dạ đàn bà. Đến lòng dạ con vợ mình mà còn sâu hun hút chả thể nào mà đoán bắt được thì làm sao mà đoán bắt được lòng dạ đàn bà trong thiên hạ kia chứ.

Đấy là tôi mới chỉ là anh công chức quèn, chứ đâu phải đại gia hay doanh nhân giàu có. Nhưng thông qua cái chính sách bóc lột ấy mới hiểu được cái nghệ thuật bóc, móc và vét của vợ nó cao thủ tới mức như thế nào rồi. Chỉ là tôi đang suy nghĩ, nếu ở mức cuối cùng, cả tháng thắt lưng buộc bụng thì liệu có đủ sức mà uống rượu của cô vợ đáng yêu của mình được nữa hay không mà thôi.

Đ.Q.C
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/nuoc-la-nuoc-loc-nuoc-ngot-va-ruou-n-123102.html

gia đình hôn nhân

Tin tức mới nhất