Những chuyện cổ tích đẹp trong làng nhạc Việt

Một thế giới đầy rẫy những thị phi, những chiêu trò, bon chen vẫn có những câu chuyện “cổ tích” như của chàng "Sọ dừa" Yasuy hay "Cô bé Lọ Lem" Khởi My.

“Sọ dừa” Yasuy thích cuốc nương làm rẫy

Năm 2012 là năm cái tên Yasuy được nhắc đến nhiều nhất với hình ảnh quán quân của chương trình Việt Nam Idol. Yasuy ấn tượng với người nghe không chỉ là giọng hát mà còn là một trái tim chân thành, thật thà đến ngây ngô, mộc mạc, chân chất, giản dị của chàng trai dân tộc Chu Ru.

Yasuy mặc trang phục nông dân, đội nắng đi thu hoạch cà phê.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, Yasuy tham gia Việt Nam Idol với ý nghĩ “thử sức xem người ta thi thế nào” chứ không bao giờ nghĩ mình sẽ đi theo con đường nghệ thuật.

Yasuy quán quân Việt Nam Idol 2012.

Yasuy là một trường hợp đặc biệt của Việt Nam Idol 2012 khi lần đầu tiên một thí sinh không được đào tạo về thanh nhạc, hát chênh và phô lọt vào vòng chung kết và giành quán quân chung cuộc. Cảm xúc và sự bình dị của Yasuy đã chiếm trọn trái tim khán giả. Có thể nói, những đức tính của Yasuy đã “cứu rỗi” một showbiz đầy nhiễu loạn, xô bồ, bon chen và đầy bất công.

Lọ Lem Khởi My: giọng hát vụt sáng từ gánh củi của mẹ


Khán giả truyền hình sẽ mãi nhớ hình ảnh quán quân chương trình Gương mặt thân quen nhí nhảnh, hồn nhiên, đáng yêu nhưng cũng vô cùng chín chắn và trưởng thành. Đó là Khởi My, cô ca sĩ 23 tuổi đầy nghị lực sau những bươn trải và vất vả của cuộc sống.

Lớn lên trong một gia đình nghèo nhất xóm nghèo, tuổi thơ Khởi My đầy những khó khăn và thiếu thốn. Mẹ cô hàng ngày gánh củi lên chợ Long Khánh, tỉnh Đồng Nai để bán lấy tiền lo cho con ăn học. Khi cô bé tròn 15 tuổi, bố mẹ ly hôn, mẹ cô lại bị chuẩn đoán mắc khối u. My xác định mình sẽ là trụ cột gia đình.

Bé Khởi My và mẹ ở xóm nghèo thuở xưa.

May mắn đến với My khi một lần theo mẹ lên thành phố trị bệnh, trong lúc đi thăm quan thành phố, biết tin cuộc thi Tiếng ca học đường, My đã vào đăng ký. Từ đây, cũng là là lúc bắt đầu cho My trở thành người sở hữu hai giải thưởng cao nhất của cuộc thi khi mới 17 tuổi: Giải thưởng tuyệt đối do Hội đồng thẩm định bình chọn và Giải khán giả yêu thích nhất.

Tỏa sáng ở một cuộc thi lớn dành cho học sinh, sinh viên nhưng My lại không vội vã lao vào ngành công nghiệp giải trí ngay. Với số tiền 50 triệu của cuộc thi, My đã cùng mẹ quyết định lên Sài Gòn sinh sống để tiện việc chữa bệnh cho mẹ. Nhà khó khăn, mẹ đau yếu không có việc làm, My đi học, hai mẹ con cô phải sống trong căn nhà thuê tạm bợ, chật vật với những lo toan, tính toán từ tiền học phí, ăn ở đến đi lại. Sau đó, My được nhận vào làm MC của một chương trình truyền hình và đến nay sau 5 năm bươn trải vất vả vừa đi hát vừa làm MC, My đã mua được căn nhà mơ ước cho hai mẹ con.

Khởi My.

Năm 2013, người ta lại nhắc đến Khởi My nhiều hơn khi cô giành ngôi vị quán quân của chương trình truyền hình Gương mặt thân quen và đoạt Giải thí sinh được yêu thích từ bình chọn khán giả với tổng giải thưởng là 800 triệu đồng. Hành trình của Khởi My là hành trình thành lên thiên đường của cô nàng lọ lem chốn đồng sâu ruộng mặn.

Cô bé hạt tiêu Thanh Trúc: quán quân hay… khóc nhè

Chương trình Đồ rê mí là chương trình được rất nhiều các em nhỏ cũng như các phụ huynh quan tâm bởi đó như là một sân chơi ươm mầm các tài năng trẻ thơ đến từ mọi miền của đất nước. Đã qua rất nhiều những mùa giải, có lẽ năm 2010 là năm mà mọi người có nhiều ấn tượng nhất bởi quán quân đồ rê mí lúc đó là một cô bé “hạt tiêu” mới 6 tuổi còn chưa biết chữ.

Thanh Trúc, cô bé đến từ Quãng Ngãi đã để lại ấn tượng đặc biệt cho ban giám khảo bởi giọng hát cao vút, trong trẻo, lanh lảnh và mượt mà đến tuyệt vời. Anh Hạnh, bố của Thanh Trúc đã từng chia sẻ: "cho con đi tham gia cuộc thi cũng chỉ vì niềm yêu thích cũng như để con đỡ nhút nhát".

Thanh Trúc nhút nhát và hay khóc nhè.

Phát hiện ra năng khiếu ca hát bẩm sinh của Trúc, bố cô bé đã đưa con tham dự nhiều cuộc thi ở Quảng Ngãi nhưng may mắn chưa bao giờ mỉm cười với cô bé nhút nhát, rụt rè và hay khóc nhè này. Và rồi, khi tham gia Đồ rê mí 2010, từ miền Trung xa xôi, với rất nhiều khó khăn nhưng hơn hết là tình yêu con và sự đam mê ca hát, anh Hạnh khăn gói cùng con ra Hà Nội tham dự cuộc thi.

Chắc hẳn những người làm chương trình sẽ không quên một người cha phải “thế chân” con trong những ngày đầu tham gia cuộc thi. Trúc nhút nhát, dễ khóc, không dám đến gần các cô dạy nhạc. Anh Hạnh phải ghi lại tất cả những điệu luyến láy, nhảy nhót mà các cô dạy cho các bạn khác rồi về dạy cho con. Đặc biệt hơn, Trúc chưa biết chữ, lại không có cơ hội được tiếp xúc với việc học nhạc, học hát hay tham gia sinh hoạt tại nhà hát thiếu nhi nên anh Hạnh là người dạy “truyền miệng” cho Trúc.

Bằng tình yêu con vô bờ bến, anh Hạnh- người công nhân lái xe luôn ở bên Trúc, dạy Trúc tất cả những bài hát phải học và tận tình chỉ bảo con ngay cả khi mình ngồi dưới hàng ghế khán giả còn con đang trên sân khấu biểu diễn.

Thanh Trúc tự tin tại Đồ Rê Mí 2010.

Trúc cũng dần tự tin, tiếp thu rất nhanh. Và chính giọng ca cao vút, tiết tấu cực tốt cùng lối biểu diễn ngây thơ đã giúp Trúc giành giải quán quân Đồ rê mí 2010. Câu chuyện của Trúc giống như một câu chuyện cổ tích có kết hậu của Đồ Rê Mí 2010.

Theo Khám Phá

Tin tức mới nhất