Cần 'chỉnh' những 'fan cuồng' hâm mộ lệch chuẩn

Có lẽ, không quá khó khi bắt gặp những trạng thái hâm mộ “dị cuồng” của fan Việt đối với các ngôi sao Hàn Quốc nhân dịp họ sang Việt Nam.


Cần 'chỉnh' những 'fan cuồng' hâm mộ lệch chuẩn

Thế nhưng, gần đây nhất khi chàng diễn viên điển trai Kim- Bum đặt chân đến Việt Nam đã không còn hiện tượng “hôn ghế” thần tượng hay khóc ngất của fan khi gặp “người trong mộng” của mình. Phải chăng fan Việt đã thức tỉnh khỏi những trò lố nhờ được cảnh báo kịp thời?

Cảnh báo kịp thời những fan cuồng

Một thực tế tại Việt Nam là lượng fan cuồng K-Pop đông đảo gấp bội lần so với lượng fan cuồng W-Pop hay V-Pop. Điều đó phản ánh nỗi buồn của nền âm nhạc Việt chưa thực sự hấp dẫn, ngược lại, còn bị nhạc Hàn lấn lướt và thống trị lượng lớn các khán giả trong độ tuổi trẻ. Những năm gần đây, các đêm nhạc K-Pop đã xuất hiện với mật độ dày đặc trên các sân khấu âm nhạc, fan Việt được dịp đón chào hàng loạt ngôi sao Hàn Quốc sang Việt  Nam biểu diễn như:  Bi Rain, T – ARA, nhóm nhạc SNSD… Những đêm nhạc này kéo dài từ Hà Nội vào TP HCM, thu hút sự chú ý đông đảo lứa tuổi teen! Mỗi lần ca sĩ xuất hiện, hàng loạt bức hình chụp lại cảnh những fan cuồng làm loạn sân bay, bao vây khách sạn, hôn ghế thần tượng vừa ngồi, ôm hàng rào trong đêm nhìn về phía cửa sổ phòng thần tượng, luồn lách phóng theo xe thần tượng bất chấp tính mạng, hay thậm chí bỏ thi vì đề thi có ý “xúc phạm thần tượng”... Những hiện tượng ấy đều được gọi ngắn gọn bằng hai từ: fan cuồng. Trước việc sa đà vào thần tượng một cách mù quáng của giới trẻ, truyền thông đã nhảy vào cuộc để cảnh báo, phân tích và góp ý bằng hàng loạt bài báo với nội dung: Phê phán cách hâm mộ thần tượng thái quá của fan Việt. Sự kịp thời ấy đã giúp các em có một “bước lùi” giá trị trong nhận thức.

Gần đây nhất là sự kiện chàng diễn viên điển trai Kim Bum sang Việt Nam nhằm quảng bá bộ phim tâm lý, trinh thám của điện ảnh Hàn Quốc “The Gifted Hands” (Bàn tay ngoại cảm) thì giới trẻ Việt đã “khiêm tốn” hơn trong việc thể hiện tình cảm với thần tượng. Không còn bắt gặp những cảnh tượng la hét gọi tên thần tượng, hôn ghế thần tượng hay khóc ngất. Vậy điều gì đã khiến cho một thói quen dị thường như thế lắng dần?


Dưới mưa, các bạn trẻ vẫn cố chờ thần tượng.

Những trò lố đã bớt... nhiệt

Không thể phủ nhận rằng, sau quá nhiều bài báo chỉ trích việc giới trẻ có những hành động “quái dị” để bày tỏ tình cảm với thần tượng, thì hiện tượng này đã giảm đi đáng kể. Phải kể đến những nỗ lực của giới truyền thông trong việc vừa lên án vừa phân tích tình huống khá thấu đáo, điều ấy giúp nhiều bạn trẻ suy nghĩ và xem xét lại hành động của mình. Có đáng không khi nhiều bạn trẻ không ngần ngại bỏ học, bỏ thời gian, công sức đi theo cổ vũ cho một ca sĩ, một diễn viên nổi danh mà không cần nhận được bất cứ thứ gì.

Chính truyền thông đã giúp những fan cuồng và “fan cận cuồng” thức tỉnh. Hàng loạt các chương trình liên quan đến “văn hóa thần tượng” đã được tổ chức. Chương trình thời sự của VTV cũng nhiều lần đưa tin về cách thể hiện tình cảm phản cảm này của giới trẻ. Khi xem những hình ảnh và bài báo viết về chính mình, các fan Việt chắc hẳn có đôi chút giật mình vì những giây phút “thăng hóa” của bản thân. Trên các diễn đàn, forum cũng bàn luận nhiều về chủ đề này. Nhiều bạn trẻ trưởng thành, có cái nhìn đúng đắn đã không thể chấp nhận được việc chửi bới, đòi giết bố mẹ vì thần tượng.


Giới trẻ có những hành động “quái dị” để bày tỏ tình cảm với thần tượng...

Truyền thông đã góp phần không nhỏ trong việc định hướng lại cách nhìn và lối sống của các bạn trẻ. Tuy nhiên, nếu không có giáo dục, thì có lẽ hiện tượng này sẽ khó có thể bị “diệt cỏ tận gốc” được như thế này. Trong đề thi khối D, kỳ thi ĐH-CĐ 2012 đã đưa ra vấn đề  “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa” đã khiến nhiều fan trẻ phải suy ngẫm. Giáo dục cũng đã phải vào cuộc để “chấn chỉnh” lối sống đáng báo động này. Rất nhiều trường ĐH đã tổ chức các cuộc hội thảo về vấn đề này. Trong buổi tọa đàm với các sinh viên ĐH FPT với chủ đề: "Lệch lạc thần tượng - nhìn thẳng nói thật" diễn ra vừa qua, chuyên gia tâm lý Nguyễn Kim Quý đã chia sẻ rất nhiều điều thú vị:

Vì sao những cô bé, cậu bé đó lại trở thành fan cuồng K-Pop? Họ hoàn toàn có thể là một fan chân chính, hâm mộ và học hỏi thần tượng. Thiết nghĩ, chính sự giáo dục của gia đình đóng vai trò quan trọng. Rất nhiều phụ huynh đã không thể chịu nổi cảnh con mình “màn trời chiếu đất” chờ đợi thần tượng, chửi bới bố mẹ và dọa giết bố mẹ nếu không được đi xem thần tượng biểu diễn. Thế nhưng, trái lại với những ông bố bà mẹ không phản ứng mạnh với con cái thì vẫn còn có nhiều bậc cha mẹ quyết tâm phải “trị bằng được” đứa con sống chết vì thần tượng của mình.

Câu chuyện trị con là một fan cuồng K-Pop có thật dưới đây của một ông bố nghiêm khắc quả thực rất đáng để nhiều cha mẹ phải suy nghĩ. Sau khi con gái hí hửng chạy đi gặp thần tượng, ông đã thay ổ khóa phòng con, mang hết đồ đạc sách vở quăng đi. Vợ ông khóc sướt mướt, năn nỉ nhưng ông vẫn kiên quyết. Hai tuần sau con bé trở về quỳ trước cửa nhà, khóc  lóc, vừa lạy vừa xin bố mở cửa cho vào. Vài tiếng sau, ông bố mở cửa bắt con đi nhuộm tóc đen, cấm không được dùng máy tính, không cho tiền tiêu vặt, bắt tự đi bộ đến trường... và có cuộc nói chuyện nghiêm túc với con về thần tượng. Thiết nghĩ, nếu người cha người mẹ nào cũng “thương cho roi cho vọt” như vậy thì có lẽ con cái họ sẽ không trở thành nạn nhân của bi kịch “fan cuồng”!

Nguyễn Mạnh Tuấn - sinh viên năm thứ nhất ĐH Bách khoa: Sợ bạn gái có thần tượng

Từ khi học cấp 2, rồi lên cấp 3 mình đã gặp rất nhiều bạn mải mê thần tượng đến mức sống như một cái bóng, một bản photo của thần tượng vậy. Ngay bạn trai thân nhất của mình mê một chàng ca sỹ Anh quốc đến độ cắt tóc y chang thần tượng, áo, quần cũng tương tự và đặc biệt, tuy là con trai nhưng sách vở, balo đều dán ảnh, logo thần tượng rất tức cười. Nhà cậu ấy không có internet, ngày nào cậu ấy cũng đạp xe 4 km đi ra quán internet ở thị trấn để vào mạng, và từ khóa duy nhất cậu ấy search là tên của thần tượng. Say sưa đọc, copy ảnh hình vào USB rồi huýt sáo, đạp xe ra về như vừa trúng số độc đắc vậy.

Chưa kịp say mê thần tượng ai, mình đã bị ám ảnh bởi bạn mình. Buồn hơn là sau này khi mình quý một bạn gái, bạn ấy cũng có thần tượng là anh chàng tuổi teen chuyên dòng nhạc pop Justin Bieber. Gặp nhau là bạn ấy nói chuyện thần tượng, tối cũng nhắn tin kể lể về thần tượng khiến mình bắt đầu sợ và nản. Bạn ấy sau đó còn có ý định “ăn vạ” bố mẹ cho đi du học Anh quốc để có điều kiện gần thần tượng hơn. Mình âm thầm rời xa bạn ấy sau khi đã cố “kéo” bạn ấy lại cuộc sống bình thường.  Cô bạn gái này đã trượt ĐH dù sức học khá tốt, giờ đi học trung cấp và sống hơi u buồn. Mình thật sự rất tiếc.

Giờ mình có hai người bạn vẫn sống “ăn theo” thần tượng như vậy. Gào rú, hét hò và buồn chán theo tâm trạng của thần tượng triền miên. Bao lịch lãm, văn minh biến đi đâu hết.

Mình quyết tâm thay đổi hai người bạn bằng cách nhặt nhạnh nhiều câu chuyện về hệ lụy xung quanh chuyện mê thần tượng rồi kể cho hai bạn nghe, hoặc gửi cho hai bạn đọc. Giờ có vẻ tình hình được cải thiện. Cũng phải cảm ơn truyền thông vì đã hỗ trợ “chỉnh” đường cho các bạn ấy.

Giờ, điều mình sợ nhất là có bạn gái mê thần tượng. Tất nhiên mê có mức độ thì cũng không quá lo ngại, nhưng “cuồng” thì gay lắm.   

Nguyễn Thu Thảo: Lớp 12C, trường THPT Lê Hồng Phong, TP Thái Nguyên: “Em từng có 2 năm ăn ngủ với thần tượng”


Em cũng đã từng có hai năm “ăn, ngủ” cùng thần tượng. Khi ấy chỉ cần có vài nghìn đồng trong túi là em đi mua ảnh, mua poster. Hàng ngày ngóng từng tin tức của diễn viên Kim Bum – Hàn Quốc (thần tượng của em) xem anh ấy mặc gì, kết bạn với ai, đóng vai gì, đi đâu… Em cũng nhờ các bạn quen trên mạng xã hội  ở Hà Nội lùng mua đồ liên quan đến anh ấy gửi lên cho em.  Em gia nhập Câu lạc bộ fan của anh ấy, rồi cùng bạn bè ở trường, lớp chia sẻ những thứ liên quan đến thần tượng. Mỗi ngày bọn em đều nhắc đến thần tượng như bữa ăn, áo mặc và một thứ không thể thiếu trong cuộc sống.

Thật may, đã có một sự kiện khiến em thức tỉnh được cơn mê đắm. Khi ấy là năm 2011, một nhóm nhạc Hàn Quốc tới Việt nam. Vì quá hâm mộ nhóm nhạc ấy nên một bạn gái của em đã giấu gia đình, trộm tiền và vào TP HCM để tận mắt nhìn thấy thần tượng của mình. Kết quả, bạn ấy đã gặp bao chuyện nguy hiểm, rắc rối và sau cùng là mất niềm tin của gia đình, thầy cô. Mất gần 2 tháng, bạn ấy mới trở lại được cuộc sống bình thường trước đây. Nhìn bạn ấy, em như sực tỉnh. Nói là vậy nhưng khó vô cùng để em có thể quên ngay được và thay đổi thói quen mỗi ngày update thông tin hay buồn vui theo thần tượng của mình. Để làm được điều đó, em tìm đến những niềm vui khác khi có thời gian rảnh rỗi như chơi thể thao, thăm ông bà và dạy học cho em trai. Cứ như vậy, dần dần em có thể sống vui vẻ trở lại, bỏ lại phía sau những vui buồn lệ thuộc vào thần tượng bấy lâu nay. Giờ em đã có thể lướt qua thông tin về thần tượng như bất kỳ một diễn viên nào khác. Vừa rồi Kim Bum đến Việt Nam, em cũng theo dõi nhưng ở mức độ vừa phải bởi em đang tập trung cho hai kỳ thi quan trọng trong năm học lớp 12.

Xung quanh em giờ còn nhiều bạn cũng hâm mộ thần tượng đến mức quá đà. Có những bạn gái khóc mất mấy ngày khi nghe tin thần tượng chia tay người yêu, hay chỉ đơn giản là thần tượng bị chụp ảnh trong tư thế không được như ý.  Tất cả những chuyện đó ảnh hưởng lớn tới việc học hành, vui chơi của lứa tuổi mới lớn bọn em. Một phần do cha mẹ quá bận làm kinh tế nên thiếu đi sự chia sẻ, quan tâm đến tâm lý của con, thêm nữa khi đã bị “nghiện” thần tượng, bọn em cũng không được ai phân tích hay, dở. Báo chí có nói nhiều nhưng bọn em ít đọc báo, chủ yếu xem phim, nghe nhạc nên cũng không được định hướng nhiều. Em rất thích và cũng đã chia sẻ với bạn bè một suy nghĩ của chị ANEM, thành viên nhóm “Cai nghiện thần tượng”, rằng: “Ca sỹ, diễn viên nổi tiếng, hot boy hay hot girl cũng chỉ là con người như chúng ta. Họ có sự nghiệp, vui buồn, gia đình, scandal….  Còn chúng ta thì sao, chúng ta dõi theo họ, điên cuồng vì họ rồi quên cả những thứ thuộc về mình, thậm chí chúng ta làm mất đi bản thân, văn hóa và tương lai do gia đình đang dốc sức mang lại cho chúng ta. Dừng lại các bạn, hãy yêu quý thần tượng nhưng trước tiên hãy làm chủ chính mình, làm con, làm học trò, làm những con người có văn hóa ứng xử”.

Theo Pháp luật & Xã hội

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao