Chồng chết, vợ mặc áo tang đến Sở Y tế đòi công lý

Hơn một tháng sau cái chết của chồng, bà Liên nhiều lần cầu cứu nhưng không được giải quyết thỏa đáng, “bất đắc dĩ” sáng 26/12 bà đã mặc áo tang đến Sở Y tế yêu cầu làm rõ cái chết của chồng mình.

Theo phản ánh của bà Đặng Thị Liên (51 tuổi, ngụ tại quận 4, TPHCM) vợ của người quá cố Đinh Văn Thường (49 tuổi) thì: “Chồng tôi có biểu hiện đau lưng, đi tiểu lắt nhắt vài chục lần mỗi ngày. Tôi đã đưa anh đến khám tại bệnh viện Bình Dân, lần thứ nhất bác sĩ nói thận phải bị ứ nước nên cho thuốc về uống. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc những cơn đau của anh ngày càng dữ dội hơn nên ngày 21/7 gia đình phải chuyển anh trở lại Bình Dân cấp cứu”.


Cái chết của ông Thường khiến gia đình đau đớn bức xúc

Cũng theo bà Liên, sau khi nhập viện tại khoa Gan Mật chồng bà nằm tại phòng chờ 1 tuần. “Bác sĩ tiến hành chiếu chụp đủ thứ nhưng không đưa ra kết luận nào họ yêu cầu gia đình đưa bệnh nhân qua Hòa Hảo chụp cộng hưởng từ (MRI). Kết quả cho thấy, chồng tôi không bị giãn ống mật chủ, không thấy sỏi ống mật chủ nhưng bác sĩ vẫn gọi lên tư vấn và đề nghị gia đình ký giấy cho mổ lấy sỏi”.

“Cuộc phẫu thuật được tiến hành ngày 31/7 nhưng không thấy có viên sỏi nào được lấy ra, bác sĩ cũng không giải thích gì cho gia đình tôi. Ngày 3/8 bác sĩ gọi tôi vào thông báo, chồng tôi bị ung thư ống mật hiện đã đặt ống dẫn lưu mật ra ngoài, chỉ 3 tháng nữa ông ấy sẽ qua đời”. Ngay sau khi nhận được tin “sét đánh” ngày 4/8 bà Liên đã khiếu nại đề nghị làm rõ bệnh tình của chồng bà và việc yêu cầu “ký giấy một đường mổ một nẻo”.

“Sau ca phẫu thuật dù sức khỏe của chồng ngày càng suy sụp nhưng phía bệnh viện vẫn yêu cầu xuất viện. Qua những lần tái khám, thấy chồng trong tình trạng nguy kịch tôi đề nghị cho nhập viện trở lại nhưng bệnh viện Bình Dân kiên quyết từ chối. Tôi đưa chồng đến nhiều bệnh viện khác trên địa bàn thành phố nhưng họ không nhận vì cho rằng việc phẫu thuật diễn ra tại Bình Dân thì nên điều trị tại Bình Dân. Đường cùng tôi phải cầu xin bệnh viện 115 và chấp nhận giải thích của bác sĩ rằng chồng tôi có thể sẽ tử vong tại đây. Ngày 21/11 anh đã trút hơi thở cuối cùng”, Bà Liên nghẹn ngào.


Bà Liên cho biết "mặc áo tang đến Sở Y tế là việc làm bất đắc dĩ"

Cũng theo bà Liên, sau cái chết của chồng, bà đã gửi đơn khiếu nại lên Sở Y tế và nhiều lần xin gặp giám đốc Sở để trình bày sự việc nhưng đều bị từ chối. Bà Liên cho rằng việc bác sĩ không chẩn đoán ra bệnh nhưng vẫn tiến hành phẫu thuật đã trực tiến gây ra cái chết của ông Thường và: “Khi phát hiện ra bệnh họ đã vội vàng xử trí theo hướng khác mà không thông báo cho gia đình tôi. Nếu biết trước chồng bị ung thư tôi đã không ký giấy mổ”.

Tại buổi tiếp xúc với báo chí về vụ việc trên, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở cho biết, Sở đã tiếp nhận khiếu nại từ gia đình người quá cố. Ngày 09/11 Sở đã lập Hội đồng chuyên môn xem xét và kết luận: “Bệnh nhân bị ung thư di căn gan có khả năng tiên phát từ đường mật kèm sỏi đường mật”

Theo đó: “Bệnh viện Bình Dân không sai sót về phẫu thuật nhưng có thiếu sót do không tư vấn cho thân nhân người bệnh trong quá trình phẫu thuật khi phát hiện bất thường so với chẩn đoán trước mổ.” Giám đốc Sở cũng nhận định việc không chăm sóc tốt của bệnh viện Bình Dân khi bệnh nhân trở nặng là nguyên nhân gây nên sự bức xúc của gia đình.

Bà Liên tỏ ra không mấy đồng tình với kết luận trên của Sở Y tế và cho biết gia đình đang cân nhắc về việc sẽ tiếp tục gửi đơn thư khiếu nại lên Bộ Y tế. “Chúng tôi cũng đang tính đến việc sẽ nhờ cơ quan pháp luật can thiệp buộc bệnh viện phải bồi thường thỏa đáng những đau đớn, mất mát mà gia đình tôi đang phải gánh chịu”.

Theo Dân Trí

Tin tức mới nhất