Phim càng bị chê càng gây sốt

(2Sao) - Một bộ phim chất lượng ăn khách là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng một vài năm trở lại đây, làng phim châu Á bắt đầu nổi lên hiện tượng lạ lùng: Phim càng dở, càng bị chê thì càng hot.

Với kịch bản lỏng lẻo, nội dung vô lý, thiết kế bối cảnh và tạo hình thiếu thẩm mỹ, diễn viên diễn xuất tệ…, những bộ phim điện ảnh và truyền hình này có đầy đủ lý do để bị khán giả ghẻ lạnh và chê bai không thương tiếc. Tuy nhiên, hàng tá ‘gạch đá’ từ dư luận và giới chuyên môn đôi khi vô tình trở thành chiêu PR hiệu quả, đánh bóng cho tên tuổi của những sản phẩm kém chất lượng, tạo nên một bí quyết thành công lạ lùng trên màn ảnh, càng bị “đập”, càng được yêu!

Mỹ nhân kế

Lập kỷ lục phòng vé trong lịch sử điện ảnh Việt Nam với doanh thu hơn 50 tỷ đồng, bộ phim Mỹ nhân kế hơn 2 năm sau ngày công chiếu vẫn gây ra nhiều kinh ngạc cho khán giả, báo chí lẫn giới chuyên môn.

Mỹ nhân kế lập kỷ lục doanh thu phòng vé trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Ăn theo thương hiệu đạo diễn Dũng “Khùng” cùng dàn chân dài đình đám quy tụ trong phim và các chất liệu đồng tính, võ thuật đang thịnh hành, Mỹ nhân kế hội tụ nhiều yếu tố để trở thành một siêu phẩm giải trí. Bộ phim từng làm đông đảo công chúng sôi sục trước ngày ra rạp, song cũng khiến phần đông khán giả ngán ngẩm… tiếc hùi hụi tiền vé!

So với những sản phẩm thương mại trước đây của Nguyễn Quang Dũng, Mỹ nhân kế hời hợt hơn hẳn trong lối kể chuyện. Mặc dù đã đầu tư nhiều thời gian, công sức và tiền của cho khâu võ thuật của phim, nhưng đáng tiếc là kỹ năng dàn dựng và hậu kỳ còn khá non nớt, để lộ nhiều động tác thiếu chuyên nghiệp của các người đẹp. Thêm vào đó, địa điểm quay tái hiện trong khuôn viên của một resort hiện đại cũng làm bộ phim càng giảm đi tính chân thực của bối cảnh cổ trang xưa cũ.


Nhưng dẫu sao thì Mỹ nhân kế vẫn vượt qua mọi bão dư luận, thành công xuất sắc trong việc “móc” hầu bao khán giả bằng dàn nữ chính xinh đẹp mướt mát và ca khúc nhạc phim rất đỉnh “Chờ người nơi ấy” do Uyên Linh thể hiện.

Võ Tắc Thiên

Câu chuyện về Nữ hoàng đế bậc nhất tàn bạo của lịch sử Trung Hoa từng được phục dựng cả tỉ lần trên màn ảnh lớn, nhỏ cũng như sân khấu kịch, song Võ Tắc Thiên phiên bản Phạm Băng Băng vẫn điềm nhiên gây sốt, tạo nên một hiện tượng hao tốn giấy mực của báo giới thời gian vừa qua.

Võ Tắc Thiên phiên bản Phạm Băng Băng… tốt một cách “hư cấu”.

Những nỗ lực sáng tạo của ekip sản xuất nhằm “lột xác” cho bộ phim là điều không thể phủ nhận. Từ một ý tưởng nặng tính dã sử khô khan, người ta đã chuyển hóa và thêm thắt nhiều yếu tố ngôn tình, yêu đương lâm li bi đát để thỏa mãn khẩu vị đang “lên hương” ở thời điểm hiện tại.


Nhưng dĩ nhiên, ý đồ sáng tạo thái quá của siêu phẩm này cũng khiến nhiều người không khỏi “nóng mắt”. Võ Tắc Thiên từ đại nữ nhân dã tâm độc ác trở thành người phụ nữ ủy mị, nhu mì, ngây thơ vô tội. Quá nhiều sự thật lịch sự bị bóp méo. Tạo hình nhân vật và góc quay khoe ngực diễn viên phản cảm… Bộ phim bị chỉ trích dữ dội khi ra mắt ở nhiều quốc gia.

Nhiều đài đau đầu tìm cách “che chắn” các pha lộ ngực phản cảm của phim.

Đáng ngạc nhiên là, chê thì cứ chê, khán giả trẻ vẫn kiên nhẫn “nuốt” hết gần trăm tập phim, với lý do “xem dở dang thấy… phí và tức”!

Vừa đi vừa khóc

Ngay từ khi lên sóng tập đầu tiên, Vừa đi vừa khóc đã đón nhận vô số chỉ trích từ công chúng, bởi nội dung sến sẩm, nhiều chi tiết thiếu thực tế, chưa kể đến việc mang đậm phong cách “nói quá” trong phim của đạo diễn Đãng “Trọc”.


Tuy nhiên, chê thì cứ chê, mà xem thì vẫn xem. Lượng khán giả trung thành của series ngôn tình – hài hước “hổ lốn” này không ngừng tăng lên từng ngày. Những người đã trót xem thì tiếp tục ngồi trước màn hình tivi thưởng thức như quán tính, người không xem từ đầu thì xem giữa chừng để kiểm nghiệm phim… dở ở điểm nào.

Mặc dù chứa cả “rổ sạn” về kịch bản, nhưng “Vừa đi vừa khóc” lại rất khéo léo trong việc cài cắm những tình tiết vụn vặt nhưng gây cười và được lòng đại chúng. Đặc biệt, các tuyến nhân vật phụ Thêu, Lụa, Lố được khắc họa dễ thương qua bàn tay của những tài năng trẻ cũng là yếu tố then chốt làm mát lòng khán giả.

Dàn diễn viên phụ là điểm đáng khen lớn nhất của Vừa đi vừa khóc.

Cùng với đó, lịch phát sóng vào giờ vàng, sau giờ cơm tối của các gia đình và tần xuất xuất hiện dày đặc trên mặt báo cũng khiến cái tên Vừa đi vừa khóc nổi như cồn, không ai không biết.

Tân Tiếu ngạo giang hồ

"Hô biến” nhân vật Đông Phương Bất Bại từ ái nam ái nữ thành cô nương xinh đẹp và đẩy Thánh cô Nhậm Doanh Doanh xuống hàng thứ chính, Tiếu ngạo giang hồ phiên bản 2013 bị fan ruột của tiểu thuyết Kim Dung thẳng tay “từ mặt”. Thế nhưng, series kinh phí lớn này vẫn ngang nhiên chiếm giữ vị trí top đầu trong bảng xếp hạng rating tại Trung Quốc.


Trong khi thế hệ khán giả trung niên và 7x, 8x tẩy chay Tân Tiếu ngạo giang hồ thì lớp trẻ tuổi teen lại phát sốt vì từng tình tiết của phim. Chuyện tình lâm ly bi đát của Lệnh Hồ Xung và Đông Phương giáo chủ tuy sai lệch hoàn toàn nguyên tác, nhưng mang đậm mùi vị ngôn tình đang được yêu thích hiện tại.

Nhân vật Đông Phương Bất Bại của Trần Kiều Ân gây nhiều tranh cãi về tính cách,
nhưng rất được lòng khán giả trẻ nhờ tạo hình xinh đẹp, gợi cảm.

Tèo em

Được tạo nên bởi bộ ba ăn ý Charlie Nguyễn, Thái Hòa và Johnny Trí Nguyễn, Tèo em không khó để trở thành hiện tượng của màn ảnh Việt và lập kỷ lục phòng vé trong nước. Các chiêu trò PR “tây hóa” càng làm phần đông công chúng háo hức đợi ngày phim ra rạp.

Tèo em làm nhiều người kỳ vọng vào một sản phẩm văn minh, hiện đại và chất lượng.
Khi ra rạp, phim quả có tây hóa, nhưng không chất lượng chút nào.

Thế nhưng, kỳ vọng vào Tí anh và Tèo em bao nhiêu, khán giả lại thất vọng khi phim công chiếu bấy nhiêu. Câu chuyện phim có kết cấu lỏng lẻo được kể một cách hời hợt, nhàn nhạt trên nền âm nhạc cũng không mấy mặn mà và ăn nhập với thể loại hành trình là điểm trừ lớn nhất của bộ phim. Diễn xuất của cặp bài trùng Thái Hòa và Trí Nguyễn vẫn tròn trịa như mọi khi, nhưng không có nhiều đất để phát huy trong Tèo em.


Xem phim, người ta cười nghiêng ngả, nhưng chất hài cũng khép lại ngay khi phim kết thúc, hoàn toàn không làm người xem nhớ tới hay phải suy ngẫm khi rời rạp. Không cần đặt lên bàn cân với các tác phẩm ra mắt cùng thời điểm, chỉ đem so với các sản phẩm lúc trước của Charlie Nguyễn là có thể thấy, Tèo em là lần xuất trận mất phong độ của vị đạo diễn Việt kiều.

Tuy nhiên, mặc cho báo chí chê bai, giới làm nghề ngán ngẩm, fan ruột của Charlie, Trí Nguyễn và Thái Hòa vẫn mặc sức kéo ra rạp để thưởng thức.

Tân Thần điêu đại hiệp

Từ lúc chưa ra mắt, Tân Thần điêu đại hiệp đã cầm chắc trong tay bảng vàng thành công trên màn ảnh Trung Quốc.

Hai diễn viên chính của Thần điêu đại hiệp bản mới đều có tạo hình kém
thẩm mỹ và khí chất không phù hợp với nhân vật.

Chịu ảnh hưởng từ Tân Tiếu ngạo giang hồ trước đó, phiên bản mới của “Thần điêu” làm nhiều người e ngại về độ làm liều của biên kịch kiêm nhà sản xuất Vu Chính.  Nào là Lý Mạc Sầu thành đôi với Dương Quá, nào là Tiểu Long Nữ bị ghét nhất phim… đều là những nguy cơ mà người ta dự đoán cây bút vàng phim Trung Quốc có thể vẽ ra trong bản phim mới.

Đáng nói nhất là, nữ chính Trần Nghiên Hy ngay từ khi ra mắt tạo hình Cô Cô cho tới khi phim lên sóng không ngừng “hứng đá” dữ dội vì béo, xấu và không hợp vai. Nam chính Trần Hiểu tuy ít mang tiếng hơn, nhưng cũng rất “kém mã” trên phim.

Lý Mạc Sầu là nhân vật có tạo hình đẹp nhất của Tân Thần điêu đại hiệp.

Nhưng thực tế là, truyền thông càng chỉ trích, công chúng càng bàn luận thì tên phim càng nổi bật trên tạp chí và internet. Chẳng có lý gì mà Vu Chính lại không vui khi thiên hạ quảng bá phim miễn phí và nhiệt tình cho mình như vậy!

Lê Anh
Theo Vietnamnet

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao