Quốc Trung: Tôi đã cay cú vì để lọt nhiều "cá lớn"

So với hai diva nhạc nhẹ là Mỹ Linh, Hồng Nhung cùng "ông hoàng" nhạc thị trường Mr Đàm, thì Quốc Trung có vẻ là lựa chọn "trái khoáy" cho chiếc "ghế xoay".

Giọng hát Việt mùa thứ hai (The Voice 2013) sắp lên sóng những tập đầu vòng "Giấu mặt" (tối Chủ Nhật, 19/5- PV), với sự "thay máu" 3 trong 4 huấn luyện viên, nhưng điều này không những làm giảm độ "hot" mà còn tăng thêm "gia vị" mới cho gameshow được cho là "bom tấn" năm qua.  

So với hai diva nhạc nhẹ là Mỹ Linh, Hồng Nhung cùng "ông hoàng" nhạc thị trường Mr Đàm, thì Quốc Trung có vẻ là lựa chọn "trái khoáy" cho chiếc "ghế xoay". Nhưng vị nhạc sỹ nổi tiếng khắt khe, kiệm lời này lại thấy chẳng có vấn đề. Thậm chí anh sẽ hóa giải mối nghi ngại "cuộc chiến giữa nhạc sang và nhạc thị trường," dù phải thú nhận đã chịu nhiều cay cú...

Tôi và Hưng sẽ là "cặp đôi" thú vị

- Một thời gian chán nản vì bế tắc trong giấc mơ đưa âm nhạc ra khỏi biên giới. Thời gian này, người ta thấy anh sung sức trở lại với những dự án “chấn hưng” âm nhạc và bồi dưỡng lớp trẻ khi chủ động gợi ý sẽ làm đĩa, giới thiệu họ tham gia những show diễn của mình. Đó có phải “giấc mơ” mới?

Nhạc sỹ Quốc Trung: Đúng là tôi đã trải qua một quãng thời gian chán nản và bế tắc về hướng đi, cảm hứng. Tôi nhận ra càng trưởng thành, tôi càng thấy mình đánh rơi mất những giấc mơ tuổi trẻ vì thực tế trả lời điều đó là không tưởng. Tôi đã tỉnh ngộ ra nhiều.

Nhiều người nghĩ tôi đang ban phát cho các bạn. Nó hoàn toàn vô tư. Tôi đâu phải "trùm" hay bố già khi đưa ra lời đề nghị hợp tác. Điều đó không hay ho gì. Các bạn trẻ, tài năng mới giúp tôi tìm kiếm niềm vui, sự trẻ trung và hồn nhiên.  

- Từng hé mở sau Giọng hát Việt anh mong sẽ tìm kiếm những gương mặt trẻ cho “Cầm tay mùa hè” số tới và các dự án của mình. Đó có phải “chiến lược” thu phục thí sinh của anh trước câu hỏi “không có thế mạnh về ca hát, không biết Quốc Trung sẽ huấn luyện thí sinh bằng gì?”


Nhạc sỹ Quốc Trung: Tôi có nói với các bạn trong đội mình, tôi đến đây làm huấn luyện viên nhưng không đi tìm chiến thắng cho mình. Mục đích của tôi là cùng các bạn giới thiệu đến khán giả những gương mặt mới và nhũng dòng nhạc mới. Cá tính thí sinh là điều tôi xem trọng và kích thích phát triển.

Bây giờ hễ ai hát nhạc xưa thì phải như Tuấn Ngọc mới là hay, hát nhạc trẻ giống Bằng Kiều sẽ một phát thành sao, hát nhạc trẻ không giống chị Lam thì giống chị Linh, không được chị Linh thì giống chị Minh. Như vậy sẽ rất buồn cười và chán.

- Vốn là người không giỏi ăn nói, chắc hẳn cũng là điểm bất lợi cho anh trong cuộc chiến thuyết phục thí sinh giữa sự khéo léo của Hồng Nhung hay "màn dụ" nhẫn kim cương, "tôi sẽ biến em thành ngôi sao" mang thương hiệu Đàm Vĩnh Hưng?

Nhạc sỹ Quốc Trung: Tuy không được tiết lộ khi chương trình chưa lên sóng, nhưng tôi chỉ muốn khẳng định Quốc Trung dù ngồi ghế nóng Idol hay The Voice thì vẫn là Quốc Trung. Tôi không giỏi nói những lời bay bướm, vỗ về thí sinh. Chính vì thế, tôi sẽ không nói theo format chương trình.

Âm nhạc cũng không phải thứ dễ dãi, ngoài năng khiếu nghệ sỹ phải khổ luyện, lao động nghiêm túc. Vì thế không thể một giọng ca vừa cất lên dù nghe được, có cảm xúc, không chênh phô mà mình đã vội khen là thiên tài, ngôi sao hay hiện tượng trên trời rơi xuống. Tôi không làm được điều đấy.

Tôi muốn thức tỉnh các bạn về giá trị âm nhạc và cái giá của danh vọng, sự nổi tiếng, showbiz. Đưa hình mẫu diva, ngôi sao để tụng ca người trẻ sẽ đem lại niềm vui trước mắt nhưng tai hại lâu dài.


Bộ tứ "ghế xoay" Giọng hát Việt mùa thứ hai. (Ảnh: CTS)

- Tôi đoán anh cũng để lọt “nhiều cá lớn” vì để hiểu những điều anh nói, không phải ngay lập tức qua đôi ba lời tâm huyết và thái độ nghiêm túc?

Nhạc sỹ Quốc Trung: Có khá nhiều thí sinh tôi thực sự tiếc. Tôi đã rất bực bội, cay cú vì không giành được những "con cá lớn" đó. Tôi phải tự an ủi mình rằng, đội Quốc Trung chưa chắc đã là lựa chọn tốt nhất. Cả bốn huấn luyện viên đều có thế mạnh riêng. Và mỗi thí sinh cũng có cho mình sự lựa chọn riêng.

Với những thí sinh đã chọn vào đội Quốc Trung, tôi luôn xác định hai điều. Thứ nhất các bạn muốn gì? Và giấc mơ của các bạn không phải giấc mơ chung của mọi người. Khi cá tính là điều quan trọng nhất, sẽ không có đúng sai, băn khoăn, tiếc nuối.

- Với thành phần huấn luyện viên gần như được “thay máu” hoàn toàn, Giọng hát Việt mùa thứ hai được coi là “cuộc chiến giữa nhạc sang và nhạc thị trường.” Tôi tò mò không biết thí sinh "nghiêng'" về phía nào?


Nhạc sỹ Quốc Trung: Năm nay các thí sinh nhiều màu sắc hơn và tôi khá ưng ý các bạn đội mình. Báo giới cứ rạch ròi giữa thị trường hay bác học, tôi nghĩ thị trường hay sang trọng thì đều cần phải có chất lượng. Với The Voice, giọng hát mới là yếu tố cuối cùng.

- Xét về tính cách và phong cách âm nhạc, có hai luồng ý kiến cho rằng Đàm Vĩnh Hưng và Quốc Trung sẽ là hai đối thủ "kèn cựa" nhau, nhưng biết đâu hai anh lại là “cặp đôi hoàn hảo”?


Nhạc sỹ Quốc Trung: Tôi nghĩ sẽ thú vị đấy. Quan điểm âm nhạc khác nhau, mâu thẫn, trái ngược nhau không có nghĩa chúng tôi sẽ phủ nhận, ghét nhau, ăn thua trong cuộc chơi.

Tôi nghĩ trong âm nhạc không có hình mẫu chuẩn. Quốc Trung không phải đại diện cho sự sang trọng còn Đàm Vĩnh Hưng không phải là “ông hoàng” của nhạc thị trường. Là nghệ sỹ, ai cũng có chỗ đứng riêng và cần được tôn trọng.

Cực đoan thì sẽ nghèo lắm!

- Tung hoành cùng RockStorm, sôi nổi với “Nghe nhạc có ý thức”, soán ngôi “Nhạc sỹ của năm” giải Cống hiến 2013, trở lại ấn tượng show “Lam- Hà: Cầm tay mùa hè”, bất ngờ ngồi ghế nóng The Voice mùa thứ hai… Ôi, còn gì nữa nhỉ! Thế mà anh cứ than vãn mình là kẻ kém duyên cơ đấy?

Nhạc sỹ Quốc Trung: Nếu nhìn lại sự nghiệp gần hai mươi năm qua của tôi thì lời than vãn đó cũng không ngoa đâu. Và nói năm qua là năm sôi động của tôi cũng chẳng sai, vì bản mặt này xuất hiện quá nhiều trên báo chí và truyền hình.

Nhưng tôi cho rằng, đã là người làm nghề, mình phải biết sản phẩm của mình đứng ở đỉnh nào. Hơn 20 năm làm nghề cho tôi bài học có những thứ mình làm không hẳn được báo giới ca tụng thì thành công, hay cứ chương trình nào được đón nhận, cháy vé thì sẽ làm tiếp, làm mãi... Đôi khi, đó lại là cái ngưỡng giúp mình "tỉnh mộng" để rút kinh nghiệm, sửa sai, rẽ sang hướng khác.

- Đó có phải trường hợp chương trình “Thiện Thanh” trước đây của anh dù gây tiếng vang nhưng không được phát triển tiếp? Một thời gian giới trong nghề vẫn “chê” anh quá thật thà và không giỏi kinh doanh âm nhạc?

Nhạc sỹ Quốc Trung: Không phải tôi không khôn ngoan, hay không biết kinh doanh âm nhạc. Ai cũng hiểu được những điều như thế. Có thể nhiều người sẽ chửi tôi làm ra vẻ cao đạo, nhưng lấy dư âm tên gọi làm thương hiệu để bán vé  không phải cách làm của tôi.

Đấy là chưa nói, khi mình đã ở trên đỉnh nào đó, nếu làm lại, làm tiếp khi chí ít chất lượng chương trình phải từ mốc đó trở lên. Làm lại mà không khác, không hay hơn, cảm xúc không đủ làm thỏa mãn mình tôi vẫn bỏ.

Bạn biết là sau “Thiện Thanh” tôi cũng bay lơ lửng vì những lời ca tụng chứ! Tôi đã trải qua khoảng hai tháng trời để suy ngẫm, nghe đi nghe lại sản phẩm của mình và buộc phải chấp nhận là dấu chấm xuống dòng. Đó là thôi chơi jazz, không thể theo đuổi tiếp nó nữa. Đó là bước qua cái ngông cuồng của tuổi trẻ. Tôi chín chắn hơn và biết mình nên làm cái gì và sẽ làm được cái gì. Và tôi đến với worldmusic.

Riêng với "Cầm tay mùa hè", đó là chương trình cộng hưởng giữa các nghệ sỹ để tạo ra không gian âm nhạc mới. Bản thân ý tưởng cho phép "Cầm tay mùa hè" có đời sống tiếp diễn, thường niên. Và việc thay đổi nhân vật, phong cách âm nhạc... qua từng chương trình đủ đáp ứng yếu tố mới cho khán giả được "đổi món."

- Nhưng tôi e là chỉ đôi, ba số nữa sẽ hết những khuôn mặt cái tên đủ “đỉnh” để cộng hưởng và thỏa mãn nhu cầu “đổi món” công chúng của anh. Có vẻ khán giả đang “chán” vì sự xuất hiện của Thanh Lam từ đầu đến giờ, và vừa rồi công chúng vẫn “cố chịu” cũng nhờ sự góp mặt của Hà Trần trở về từ Mỹ?

Nhạc sỹ Quốc Trung: Thứ nhất, “Cầm tay mùa hè” là ý tưởng chung của tôi và Thanh Lam, chính vì vậy, những số đầu phải được gắn kết với cô ấy. Nhưng đó không phải lý do bắt buộc, vì nếu không đem lại hiệu quả cần thiết và làm hài lòng khán giả thì tôi muốn ưu tiên "người nhà" cũng chẳng được. Đấy là chưa nói, Thanh Lam là nghệ sỹ rất tự trọng.

Thứ hai, tiêu chí của tôi là muốn giới thiệu những nghệ sỹ trẻ, muốn thử nghiệm sự cộng hưởng giữa họ để tăng vị cho đời sống âm nhạc. Qua đó hình thành một thẩm mỹ âm nhạc mới, cũng như lớp khán giả sẽ trung thành mua vé, cởi mở với đường hướng âm nhạc của cá nhân tôi cũng như thương hiệu Thanh Việt Production.

Tất nhiên, tôi hiểu rõ việc giới thiệu những gương mặt mới không dễ dàng mà phải có chiến lược khôn khéo. Đó là lý do bên cạnh họ phải có những ngôi sao để khán giả thấy "quen” và đủ lực để định hướng, áp đảo, thu hút công chúng.

- Vốn là những người có ứng xử ý nhị, giữa anh và Thanh Lam luôn là dấu hỏi với công chúng. Và cho đến bây giờ, sau những hợp tan cuối cùng, Thanh Lam vẫn quay về trú ngụ, nồng nàn trong âm nhạc Quốc Trung khiến mọi người có chung cảm nhận anh luôn đứng sau, âm thầm che chở cho người đàn bà một thời của mình. Nó khác với nhận định “không có Quốc Trung vẫn có Thanh Lam của Lê Minh Sơn nhưng không có Thanh Lam, sẽ không có âm nhạc của Quốc Trung”?

Nhạc sỹ Quốc Trung: Những việc tôi đã và đang làm không vì mục đích thể hiện bản thân mình. Quốc Trung sinh ra và làm nhạc không phải để phụ thuộc có Thanh Lam thì sẽ vuông tròn mà không có cô ấy nhạc của tôi sẽ méo mó. Mặc dù tiêu chí của tôi luôn cần nghệ sỹ tài năng để chuyển tải âm nhạc tốt nhất tới người nghe. Giới hạn của nghệ thuật chỉ phụ thuộc vào khả năng sáng tạo của nghệ sỹ không phải do kỹ năng hay hoàn cảnh.

Ở xã hội văn minh, người ta quan tâm đến việc được làm điều mình thích và đạt được điều họ muốn. Nghệ sỹ cứ chăm chăm đi thể hiện năng lực của mình thì sẽ lệch hướng. Một điều rất sai ở Việt Nam là nghệ sỹ đang đi tìm những thứ công chúng muốn nghe, thích nghe. Trong khi sứ mệnh của người nghệ sỹ là giới thiệu những gì mình muốn làm và làm tốt nhất tới công chúng.

Quan niệm của tôi về tính cá nhân cũng rất rõ ràng. Ranh giới giữa cực đoan và bảo thủ trong âm nhạc nó rất mong manh. Âm nhạc để phục vụ công chúng không phải để thỏa mãn, ru ngủ bản thân nghệ sỹ. Cực đoan sẽ không bền và không đem lại tiền tài cũng như danh vọng. Nghệ sỹ cực đoan thường rất nghèo và khó được công chúng đón nhận. Họ sẽ sớm nhụt chí và khó nuôi dưỡng được đời sống âm nhạc của mình. Chẳng ai ở Việt Nam có nhiều tiền và ảo tưởng đem "thóc" đi làm show, ra đĩa để đãi "gà rừng". Đó là điều lãng mạn xuẩn ngốc và vô nghĩa.

"Đó là nguyện vọng của Uyên Linh"

- Vẫn biết điều anh nói là đúng nhưng công chúng cũng có lý của họ, vì những năm “hậu Thanh Lam” họ không còn thấy những sáng tác mang dấu ấn Quốc Trung. Ngay cả Uyên Linh sau "Nụ hôn gửi trao” cũng không trở thành nguồn cảm hứng cho anh. Thậm chí thời gian này, người ta biết đến cô ấy bởi scandal hơn là âm nhạc?

Nhạc sỹ Quốc Trung: Sẽ không công bằng nếu so sánh Uyên Linh với Thanh Lam. Mỗi người mỗi khác và mỗi thời cũng không thể giống nhau. Thanh Lam và tôi đã trải qua quãng thời gian hơn hai mươi năm làm việc với nhau. Đó cũng là thời điểm sôi nổi và tâm huyết của chúng tôi với âm nhạc.

Còn về Uyên Linh, tôi nghĩ mọi người đã đón chờ Uyên Linh quá cao sau cuộc thi. Thậm chí cô ấy chưa biết nốt nhạc nào ngoài bản năng. Việc để Uyên Linh nhận ra nhũng thiếu hụt của mình hay làm khán giả hiểu việc đó cũng phải mất thời gian và không hề dễ dàng.

Ngay từ đầu, tôi luôn kìm giảm với Uyên Linh và cả êkíp phải bình thản và xác định mục tiêu của mình là gì? Vì công chúng của Uyên Linh sau cuộc thi sẽ rơi rụng đi ít nhiều khi những mong chờ của họ sẽ không được bùng nổ như trong cuộc thi nữa. Tôi nghĩ với những nghệ sỹ trẻ, danh tiếng và tiền bạc nên đến từ từ.

Hiện tại, Uyên Linh cũng không còn hợp tác với tôi với tư cách là ca sỹ do Thanh Việt Production quản lý nữa. Nhưng về những sự cố mà Uyên Linh gặp phải gần đây, tôi không lấy làm phiền lòng. Một người như cô ấy luôn là "miếng mồi" béo cho truyền thông để khai thác. Đó là bản án treo mà nghệ sỹ không có cơ hội giải thích với công chúng nhưng lại đánh vào đạo đức làm nghề của nghệ sỹ.

- Phải chăng cũng chính áp lực đó khiến Uyên Linh không đủ kiên nhẫn “từ từ” theo anh?


Nhạc sỹ Quốc Trung: Đó là nguyện vọng của Uyên Linh và tôi nghĩ nên vui vẻ và tôn trọng điều đó. Và nó sẽ tốt cho cả hai. Uyên Linh sẽ thoải mái hơn với những điều cô ấy muốn làm với âm nhạc, không phải bó buộc với đường hướng của tôi. Tôi cũng sẽ có nhiều thời gian để làm những dự án sắp tới.

Và tôi cũng nghĩ, đôi khi người nghệ sỹ cũng phải di chuyển đến nhũng phong cách âm nhạc khác nhau để làm mới mình và cống hiến cho khán giả những món ăn mới.
 
- Hay do anh khó tính quá?


Nhạc sỹ Quốc Trung: Mọi người nói chuyện khó dễ cũng oan cho tôi. Khó tính như tôi vẫn chưa là gì! Việt Nam mình đã quen sự dễ dãi, yêu cầu cấp độ thấp, nếu có dịp ra thế giới, họ còn khó gấp nhiều lần. Với nghệ thuật sáng tạo, khó tính là điều tốt. Muốn âm nhạc chất lượng thì không thể cẩu thả.

Chúc anh sẽ có những trải nghiệm thú vị trên "ghế xoay" The Voice mùa thứ hai./.

Theo Vietnam+

Tin tức mới nhất