Rubella - triệu chứng đơn giản nhưng đặc biệt nguy hiểm

Bệnh rubella lây nhiễm cao, đang lan nhanh tại Bình Dương, nhiều người chủ quan vì biểu hiện nhẹ, nhưng sau thời gian ủ bệnh sẽ tiến triển nhanh, đặc biệt nguy hiểm với thai phụ.

Rubella - mối nguy hiểm của thai phụ

Theo văn bản hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sởi, rubella của Bộ Y tế, bệnh rubella còn gọi là sởi Đức hoặc rubeon do virus rubella gây ra. Biểu hiện của bệnh là sốt nhẹ, phát ban và viêm long nhẹ đường hô hấp, nổi hạch ở vùng cổ chẩm, sau tai.

Bệnh rất nguy hiểm ở phụ nữ có thai nhất là trong ba tháng đầu của thai kỳ do có thể gây sảy thai, chết lưu. Đặc biệt gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi thường gọi là hội chứng rubella bẩm sinh - CRS (bệnh tim, mù, đục thủy tin thể, điếc và chậm phát triển tinh thần) có thể gặp ở 90% trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu có thai.

Bệnh có tính lây truyền cao và có thể gây thành dịch lớn, trên lâm sàng, khó phân biệt với sốt phát ban và với sởi. Theo thống kê, 50% trường hợp biểu hiện lâm sàng không điển hình.

Thời kỳ ủ bệnh từ 14-21 ngày, trung bình 18 ngày. Thời kỳ lây truyền kéo dài từ 7 ngày trước cho tới 7 ngày sau phát ban. Trẻ em mắc hội chứng rubella bẩm sinh có thể đào thải virus đến một năm sau khi sinh. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng chứa virus.

Cách xử lý khi người nhà mắc rubella

Người bệnh nhiễm virus rubella, cần cách ly và chăm sóc y tế trong 7 ngày kể từ khi phát ban. Trường hợp bệnh nhẹ cho cách ly tại nhà (nghỉ học, làm việc, không tham gia các hoạt động tập thể, tập trung đông người). Nếu có dấu hiệu lên hoặc xuất hiện biến chứng, bệnh nhân cần được điều trị và cách ly tại các cơ sở y tế và phải đeo khẩu trang.

Trẻ mắc hội chứng rubella bẩm sinh dưới một tuổi cần hạn chế tối đa cho tiếp xúc với người khác, đặc biệt là phụ nữ có thai cho đến khi xét nghiệm nước tiểu, dịch ngoáy họng âm tính với virus rubella.

Nếu sinh sống trong vùng đang có ổ dịch, cần tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường, đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (người sống cùng nhà, thầy thuốc trực tiếp chăm sóc, điều trị).

Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi nhiễm bệnh, khi phải gặp cần đeo khẩu trang y tế và các trang thiết bị phòng hộ cá nhân. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh. Tránh tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa…), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng.

Mỗi gia đình cần thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào, đảm bảo không khí thông thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị hàng ngày.

Cần làm sạch đồ chơi, vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.

Lau sàn nhà, nắm đấm cửu, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1-2 lần/ngày.

Người dân trong cộng đồng khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời.

Để phòng chống bệnh cần nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất. Đặc biệt tiêm vaccine là biện pháp quan trọng nhất. Có thể sử dụng vaccine dạng đơn hoặc dạng phối hợp (sởi - rubella hoặc sởi - quai bị - rubella). Từ 9 tháng tuổi trở lên cần chú trọng tiêm một liều vaccine rubella cho trẻ em, nữ tuổi sinh đẻ và một số nhóm có nguy cơ mắc cao (cán bộ y tế, giáo viên…).

Theo Trí Thức

Tin tức mới nhất