Sạch quá cũng Chết

Ai cũng biết sạch là lối sống văn minh, nhưng cái sự sạch thái quá lại có thể dẫn người ta tới cái chết nhanh hơn sự bẩn.

Ôm bệnh vì… quá sạch

Sau 5 ngày nằm viện vì cú ngã như trời giáng vừa rồi, khi được xuất viện chị Nguyễn Thanh Lan (1411/197, Giáp Bát, Hà Nội) mới thừa nhận với chồng rằng: “Chưa chết vì bẩn nhưng em suýt chết vì sạch rồi, lần sau sẽ biết chừa cái tính nhìn đâu cũng thấy bẩn”.

Chuyện là sau một ngày bị cảm sốt, trong khi người chưa khỏe hẳn nhưng vì quá ưa sạch sẽ nên chị Lan không chịu nổi cảm giác “người cứ nhớp nhớp bẩn”.

Chị quyết định đi tắm cho sạch trong khi chồng con đã gàn, ấy thế mà khi tắm xong chị lại quay sang kỳ cọ cái nhà tắm cho sạch sẽ.

Do sức khỏe chị chưa ổn định và thời gian kỳ cọ tắm rửa diễn ra khá lâu đã làm các nang chân lông giãn ra khiến nước ngấm vào người làm chị choáng ngã đập đầu và ngất tại chỗ.

Trở lại sau cú ngã nhớ đời đó, cả chồng con và đồng nghiệp đều nhận thấy chị Lan trở nên dễ chịu và thân thiện hơn trước rất nhiều khi chị không còn quá sạch như xưa.

Lúc trước, mỗi ngày đến công sở chị luôn mang theo cạp lồng cơm, từ chối mọi lời rủ rê ăn hàng của các đồng nghiệp vì sợ bẩn.

Chị còn luôn ám ảnh, đôi tay người khác nhiều vi trùng nên nếu ai có vui vẻ cầm tay để cảm ơn chị vì điều gì thì sau đó, chị cũng sẽ “lẻn” vào nhà vệ sinh rửa tay.

“Trong túi xách, mình luôn “thủ” theo một lọ nước rửa tay khô để tiện “hành xử” những trường hợp tương tự”, chị nhấn mạnh. Chính vì thế, dần dần, mọi người trong công ty đều ngại gần chị.

Ở công sở đã vậy, về nhà chị còn kỹ lưỡng hơn. Chị luôn bắt chồng con vào quy củ “khắc nghiệt”.

Nhà chị luôn phải láng bóng, thằng con trai 15 tuổi ăn dưa hấu chểnh mảng để vài hạt rơi xuống sàn nhà cũng đủ khiến chị hét tướng: nào gián nào chuột sẽ nhân cơ hội này vào nhà làm tổ tìm thức ăn…

Còn chồng chị, nhiều hôm đi làm về, vừa “nhỡ” bước giày lên mép cửa thì chị đã mang chổi lau lầm lũi theo chồng làm anh phát cáu.

Đó là chưa kể cứ mỗi cuối tuần chị lại nhất quyết “đuổi” chồng con ra khỏi nhà một ngày để khử trùng nhà, dù cho hôm đó anh có mệt muốn nằm nghỉ ở nhà hay con chị có bạn đến chơi...

Nhân cơ hội chị phải nằm viện vì thích sạch, chồng chị đã kể hết chứng “bệnh sạch” của vợ với bác sĩ.

Nghe xong bác sĩ cứ cười và khuyên chị rằng: đừng quá sạch theo kiểu phi không khoa học mà hại thân, vì việc bẩn có mức độ cũng là điều cần thiết để hệ miễn dịch cơ thể thêm mạnh mẽ.

Nghe bác sĩ nói mà chị Lan cứ ngượng và thầm tiếc sao mình có thể tự mình làm khổ mình và chồng con trong thời gian dài như thế?

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không chỉ sạch quá hóa bệnh như chị Lan, mà có trường hợp sạch quá lại hóa… bẩn.

Chuyện của chị Hoàng Thị Hường (211 Khường Trung, Hà Nội) kể tại phòng khám Hoa Hồng (Triệu Quốc Đạt, Hà Nội) đúng như điều nghịch lý ấy.

Chị Hường kể, hai tháng trước chị bị ra máu nhiều trong kỳ kinh nên đi khám thì biết bị rối loạn nội.

Trong đơn thuốc, bác sĩ có kê cho chị lọ dung dịch Povidon Iodine 10% về pha loãng để rửa âm đạo với lời dặn “Giữ vệ sinh sạch sẽ để khỏi viêm nhiễm nguy hiểm”.

Từ đó, lúc nào chị cũng sợ bị viêm nhiễm, nên sáng dậy đi vệ sinh cũng pha loãng rửa, trưa ở cơ quan, cũng tranh thủ vào nhà vệ sinh rửa, tối về tăm giặt chị lại rửa.

Những ngày kinh nguyệt chị rửa thường xuyên hơn, tính ra, chị dùng 5 lần/ngày. Vậy mà được hai tháng, chị thấy ngứa rát kinh khủng, ngồi làm việc cũng chỉ muốn “thò” tay vào ngãi.

Đến phòng khám Hoa Hồng, trả lời câu hỏi “Có dùng dung dịch vệ sinh sạch sẽ không?” chị tự tin:“Em rất chú ý vệ sinh rửa ráy”.

Sau đó chị kể một mạch việc đã dùng Povindo như trên. Bác sĩ Lê Nguyệt Hằng liền chú ý ngay: có lẽ chị đã lạm dùng rửa âm đạo quá sạch sẽ.

Sau một số câu hỏi và kiểm tra khác, bác sĩ kết luận đích thị việc ngứa ngáy “cô bé” là do… quá sạch.

Chị tá hỏa không hiểu, thì bác sĩ giải thích: Do thụt rửa quá nhiều làm khô âm đạo, mất cân bằng độ pH, mất chất nhờn bảo vệ nên dễ viêm nhiễm.

Sạch theo khoa học là phải đảm bảo độ pH cho vi khuẩn có lợi hoạt động.

Như vậy những sự sạch sẽ thái quá được gọi là sạch sẽ không khoa học ảnh hưởng cả sức khỏe tinh thần lẫn thể chất!

Thêm nhiều cảnh báo khoa học

Nhìn nhận về sự sạch sẽ, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sạch là tốt nhưng khi thái quá thì nó dễ trở thành căn bệnh ám ảnh vi trùng và gây nhiều bất lợi cho sức khỏe:

Khử trùng nhiều gây dị ứng: Đây là phát biểu Klaus Afflerbach trên Diễn đàn ngăn ngừa tai nạn Green Gross (Đức).

Nếu các thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh thì không nên làm sạch nhà cửa hay đồ dùng, quần áo bằng khử trùng.

Bởi khử trùng có thể phá hủy các lớp mang nhầy bảo vệ của cơ thể gây ra dị ứng, bệnh về hô hấp.

Vì vậy Klaus khuyên nên làm sạch quần áo, chân tay, bếp núc bằng nước làm sạch thông thường và chỉ thỉnh thoảng khử trùng.

Sạch sẽ quá gây bệnh tiểu đường: Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Scripps (Mỹ) đã khẳng định việc sống trong môi trường luôn vô trùng sẽ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 1.

Theo giải thích khoa học thì một số vi khuẩn “thân thiện” vào ẩn trong ruột có thể kích thích tế bào tạo ra insulin, ngăn chặn tiểu đường.

Nhưng vì môi trường quá sạch sẽ tới mức vô trùng sẽ tiêu diệt được “thù” những cũng mất cả “bạn”.

Nuôi con quá sạch là hại cả tương lai về sau của chúng: TS. Stuart Levy, Đại học Y Tufts (Boston, Mỹ) khẳng định rằng trẻ em lớn lên trong một căn nhà lúc nào cũng vô trùng thì hệ thống miễn dịch sẽ rất kém thậm chí là có thể trở về số 0.

Vì vậy, chúng hay mắc bệnh hen suyễn, dị ứng, lớn lên èo uột, khó chống chịu với hoàn cảnh. Lời khuyên này cũng trùng với kết quả nghiên cứu của Đại học California đăng trên tạp chí Nature Medicine (Mỹ).

Theo đó, những trẻ em được nghịch đất cát, không bị o bế quá kỹ trong việc vệ sinh sẽ khỏe mạnh hơn.

Tấm gương méo mó về sự sạch sẽ:

1. Tỷ phú người Mỹ Howard Robard Hughes (1905-1976) được biết đến với tư cách một nhà công nghiệp, người sản xuất phim lão làng ở Hollywood, tiên phong trong ngành hàng không… thế nhưng ông không có nổi sự bình yên và hạnh phúc như một người bình thường chỉ vì chứng bệnh ám ảnh về sự bẩn thỉu.

Từ năm 1940 khi đang trên đỉnh cao danh vọng, ông bắt đầu ưa thích sự sạch sẽ đến mức thái quá. Càng ngày ông càng bị ám ảnh bởi sự bẩn thỉu đến mức ông sợ tất cả những vật gì mình động tay vào.

Và cũng từ đó sự nghiệp của ông tuột dốc, thất bại và những năm cuối đời ông rơi vào tăm tối, tự giam mình trong phòng, ở ẩn.

Khi ông qua đời, cảnh sát phải xét nghiệm vân tay mới nhận dạng chính xác được thi thể đó là của ông.

2. Ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson: Lúc sinh thời, Michael Jackson kỹ lưỡng và sạch sẽ.

Không chỉ từng ngủ trong cỗ máy lọc không khí chuyên biệt để bảo vệ mình khỏi những siêu vi trùng lơ lửng trong không khí mà khi có con, ông hoàng nhạc Pop này còn ra lệnh tiêu hủy những món đồ chơi các con đã chơi trong ngày vì anh sợ chúng đã nhiễm vi trùng.

3. Diễn viên siêu gầy Nicole Richie từ khi sinh Harlow, cô cũng mắc bệnh hoang tưởng sợ các loại vi trùng, vi khuẩn.

Mọi đồ dùng của con đều được cô rửa đi rửa lại hai lần, quần áo của gia đình và tã lót của con cũng được giặt kỹ hai lần. Hôn phu của cô Joel Madden đã phải hoảng hốt vì sự thái quá đó.

                                                                                                       Theo Sức khỏe & Gia đình


Tin tức mới nhất