Diễn viên Tú Vi: Nỗi đau 30 năm bị cha đẻ bỏ rơi

"Thầy tướng nói tôi khắc ba mẹ. Sinh tôi ra ba mẹ hoặc ly tán hoặc mất mạng, tôi cũng không được ở gần ai...", Tú Vi tâm sự.

Tú Vi có một số phận hết sức đặc biệt, bố mẹ chia tay khi cô vừa lọt lòng. Mẹ cô vì sốc nên không đủ tinh thần và sức khỏe để nuôi con gái, bà trao con cho người chị cả không lấy chồng nuôi nấng. Tú Vi gọi người nuôi mình là mẹ Bảy.

Tú Vi bảo đời cô có ba người phụ nữ quan trọng. Một người sinh ra cô (mẹ Dung), một người nuôi cô (mẹ Bảy) và một người dạy cô (mẹ Thu). Điều thú vị là ba người mẹ ấy là chị em ruột thịt với nhau.

30 năm, tôi chưa gặp ba 1 lần

Tôi không biết chính xác ba mẹ chia tay nhau khi nào - chỉ nghe kể lại là sau khi mẹ sinh tôi chưa bao lâu. Mẹ bị sốc nên không đủ sức khỏe và tinh thần chăm tôi. Dì Bảy đón tôi về nuôi, dì là chị cả của mẹ và không lập gia đình. Tôi gọi dì là mẹ Bảy.

Năm 1986 chưa có máy siêu âm thai nên không biết đứa trẻ sinh ra là trai hay gái. Đêm trước ngày mẹ Dung sinh tôi, mẹ Bảy nằm mơ thấy Đức mẹ Maria xuất hiện bồng một bé gái trao cho bà.

Qua hôm sau, mẹ Bảy cứ chờ xem có phải sinh con gái hay không. Đúng 12h trưa hôm đó, tôi ra đời và mẹ Bảy nuôi luôn từ đó đến giờ. Tôi nghĩ chuyện đó giống như số phận, Chúa đã sắp xếp tôi phải có 3 người mẹ.

Diễn viên Tú Vi: Nỗi đau 30 năm bị cha đẻ bỏ rơi - Ảnh 1.
Mẹ Bảy cũng chính là người chị ruột của mẹ Dung - người sinh ra Tú Vi.

Hồi sinh viên, tôi cũng theo mấy người bạn đi coi bói. Thầy bói nói tôi khắc ba mẹ, sinh tôi ra ba mẹ hoặc ly tán hoặc mất mạng, tôi không được ở gần ai.

30 tuổi nhưng tôi chưa một lần gặp ba. Tôi có xem hình chụp đám cưới của hai người nhưng hồi đó ảnh đen trắng nên cũng khó nhận mặt. Suốt 30 năm đó nhà nội không hề tới nhà thăm tôi một lần.

Hồi ba mẹ chia tay, bên nội đã không nhận nuôi, mà còn nói với ông ngoại: "Không cần thiết phải nhận về nuôi, lá rụng về cội, tới lúc lớn lên nó cũng sẽ quay lại tìm xem ba là ai thôi".

Sau này lớn, tôi nghĩ cái cội của mình không nằm ở chỗ ba, nên không cần thiết phải về đó. Nếu có rụng, tôi sẽ rụng về nơi tôi sinh sống và lớn lên.

Diễn viên Tú Vi: C kể chuyện 3 người mẹ và... 1 ông bố - Ảnh 1.

Mặt hồ đã yên lặng, sao phải quậy lên…

Khi còn bé, nhiều người hỏi không có ba ở bên cạnh có buồn không? Tôi chưa bao giờ biết cảm giác có ba thì làm sao biết cảm giác không ba nó thế nào. Giả như tôi đã sống với ba rồi ba mẹ chia tay thì còn buồn, đằng này...

Lần duy nhất trong đời tôi được nghe giọng nói của ba, là năm 18 tuổi. Mẹ Út giả danh tôi nói chuyện với ông qua điện thoại và mở loa ngoài cho mọi người cùng nghe.

"Dạ con chào chú, con là bé Ti nè (tên thân mật ở nhà của diễn viên Tú Vi - pv), chú là bạn của mẹ Dung con hả?" Đầu dây bên kia nói: "Ờ chú đây, bé Ti hả, con khỏe không?" đại khái vậy.

Mẹ Út lại hỏi "Ủa chú là gì của mẹ Dung vậy?", người đó trả lời "Chú là gì, con hỏi mẹ là con biết".

Và cũng chỉ nhiêu đó rồi câu chuyện kết thúc.

Diễn viên Tú Vi: Nỗi đau 30 năm bị cha đẻ bỏ rơi - Ảnh 3.
Tú Vi nói mình có tới 6 người mẹ. Và 6 người mẹ ấy là chị em ruột thịt của nhau. Trong ảnh, mẹ ruột Tú Vi đứng thứ hai từ phải qua, mẹ Thu đứng kế Tú Vi bên phải là người dạy dỗ cô và người trực tiếp nuôi cô tư nhỏ đến giờ là mẹ Bảy - ngoài cùng bên trái.

Lúc đó ba đã có gia đình riêng và 2 đứa con, chắc ông không muốn xáo trộn cuộc sống nên mới vậy.

Cách đây khoảng 4, 5 năm, một cô bé nhắn tin cho tôi nói là em cùng cha khác mẹ và gửi kèm tấm hình. Đến giờ tôi vẫn nhớ tin nhắn đó: "Cả nhà ai cũng ủng hộ chị. Có một người rất thương nhớ chị nhưng không dám nói ra" - ý ám chỉ ba.

Tôi tò mò vào coi hình nhưng không có bất cứ cảm giác, cảm xúc gì.

Cô bé đó làm nghề bán phô mai que ở cổng trường nên chắc gia đình cũng không có điều kiện. Tôi rất thương nhưng nghĩ đã từ lâu hai bên không có sự giao tiếp, mặt hồ đã lặng yên, sao phải quậy lên xem nó có gì ở dưới. Tôi không liên lạc lại!

Thời gian sau, một facebook tên ba tôi vào comment: "có một người luôn thương nhớ đến Tú Vi". Xem ảnh thấy đúng là ông, tôi sợ chặn facebook. Tôi không muốn va chạm, không muốn gia đình buồn.

Hồi mới biết chuyện, chồng tôi - Văn Anh nói nên tìm hiểu xem ba là người thế nào nhưng mọi chuyện vốn dĩ đã bình thường thì tìm hiểu làm chi cho phức tạp. Văn Anh nghĩ đó là khúc mắc trong lòng mà tôi muốn giải tỏa nhưng không có can đảm làm điều đó.

Tôi có ba người phụ nữ quan trọng trong đời: người sinh, người dưỡng, người dạy. Khoảng thời gian còn nhỏ, mẹ và các dì ở chung với nhau, tôi gọi các dì là mẹ. Mẹ Thu là người dạy dỗ tôi. Mẹ Thu xuất thân là cô giáo, tính mẹ nóng và nghiêm khắc.

Đến giờ tôi vẫn giữ thói quen thưa gửi trước khi đi và khi về. Lúc nào nói chuyện với mẹ tôi cũng dạ. Tôi giữ được lễ phép đó đến tận bây giờ là nhờ có mẹ Thu.

Tôi lên bảy thì mẹ Thu lấy chồng. Tới cấp 2, tôi quay về ở với mẹ Bảy đến tận bây giờ.

Từ khi lấy Văn Anh, chúng tôi mua nhà ở Bình Thạnh và đón mẹ Bảy, mẹ Dung về ở cùng. Văn Anh rất thương mẹ Bảy. Mẹ Bảy qua chăm hai đứa, mẹ cực hơn nhưng tình cảm thì gần gụi, ấm áp.


Theo Trí thức trẻ



Tin tức mới nhất