Minh Vượng: “Luôn day dứt vì chưa làm tròn bổn phận”

(2Sao) - Cuộc hôn phối với nghiệp diễn đã ràng buộc Minh Vượng đến với con đường hạnh phúc dù cho suốt đời chị như con ong cần mẫn chỉ biết đem niềm vui tiếng cười góp vị ngọt cho cuộc đời vốn không ít bạc bẽo và...

Cuộc sống chỉ có ăn với mặc thôi thì vô nghĩa lắm


Tình hình sức khỏe của nghệ sĩ thế nào rồi, chị vẫn kè kè trong người chín loại thuốc?

Sức khỏe của tôi vẫn làng nhàng, phải biết chấp nhận sống chung với “lũ” thôi. Tôi quan niệm rằng cái vui của mình cũng chưa phải cái vui nhất, nỗi buồn của mình cũng chưa phải cái buồn nhất, bệnh tật của mình vẫn còn thuốc, vẫn còn chữa thì đấy vẫn là hạnh phúc. Nhiều người mắc bệnh nan y mà không có thuốc chữa nhưng họ vẫn vượt lên để sống được, huống hồ gì là tôi, vậy nên tôi cứ “hồn nhiên” sống chung với ‘lũ’. Tôi là người lạc quan, tôi phải cảm ơn cuộc sống này vì đã cho tôi cái nghề được nói, biết tiết chế cảm xúc của mình.
Cuối năm là dịp bận rộn nhất của các nghệ sĩ và Minh Vượng không phải ngoại lệ, cái hẹn phỏng vấn giữa tôi với người nghệ sĩ “giòn cười, tươi khóc” này được hoãn đến tận lần thứ tư mới có dịp được thực hiện.

Bài phỏng vấn không đào sâu vào những vấn đề đao to, búa lớn. Phóng viên Anh Tuấn Anh của 2Sao chỉ dám phác họa lại một hình ảnh Minh Vượng, một người sống chết vì nghiệp diễn, cười đấy nhưng ẩn ức trong lòng bao nước mắt đớn đau, một người suốt đời đi mua nước mắt để rồi cho nụ cười.


Nhưng có ai lạc quan cả đời được đâu, khán giả cũng rất muốn chạm vào những khoảng tối trong tâm hồn người nghệ sĩ lắm!

Đúng vậy, nhiều khi tôi cũng trải lòng mình với khán giả. Khán giả là nguồn động viên và cổ vũ mình rất lớn, tôi luôn mang ơn khán giả, đôi khi chỉ là một cú điện thoại, những lá thư động viên thăm hỏi. Ở những góc tối, tôi cũng buồn, cũng cô đơn nhưng nhờ có sự động viên vô giá đấy mà mình vẫn lạc quan, vượt lên nỗi buồn của chính mình và lại tiếp tục cống hiến.

Con người mà, có phải cỗ máy đâu, ngoài những lúc vui cười ra thì mình cũng phải đối diện với chính mình. Mình biết tức là trời biết, không phải lừa dối mình nhưng phải biết tìm những nguồn vui riêng do mình tạo ra. Chứ cuộc sống mà chỉ có ăn và mặc thôi thì vô nghĩa lắm, chẳng thể làm được điều gì cả. Tôi là minh chứng cụ thể đây này, các bác sĩ đều bất ngờ trước bệnh tình của tôi, có hôm lượng đường lên đến tận 25, 26 tiêm mấy mũi isulin liền, người khác với lượng đường cao như thế thì nằm liệt giường lâu rồi. Những lúc buồn, tôi nấu ăn, mời bạn bè, gia đình đến thưởng thức tài nghệ của mình, có khi lại làm tổng vệ sinh nhà cửa, kê dọn lại đồ đạc, cắm hoa, tôi chăm hoa lan mát tay lắm…

"Cười đấy nhưng ẩn ức trong lòng bao nước mắt đớn đau"
(Ảnh: Nguyệt Vi Hoa Hồng)

Người phụ nữ đó khi nhỏ khá cứng, là một người hiếu động, ham đá bóng đến độ quần áo rách tơi tả mà cũng chính người phụ nữ ấy lại có lúc mềm mại và thích hoa…

Tôi sinh ra đã là người đa sầu, đa cảm, lắm lúc khi nhìn một ngọn gió, một chiếc lá rơi cũng buồn. Tôi là một người rất biết quan sát, khi nhìn một ai đó, làm một điều gì đó thì tôi học rất nhanh, như việc chiếc xe của tôi bị hỏng, tôi mang ra hàng sửa xe, tôi quan sát, nếu xe của bạn tôi cũng rơi vào tình trạng đó, tôi biết phải sửa thế nào…Đã là con người, bên cạnh nhu phải có cương, nó hòa hợp tính khí con người. Tôi sống khỏe, sống vui, sống tốt là do tôi làm chủ được bản thân.

Một người vừa tinh tế và sâu sắc như chị nhưng vẫn mãi chỉ…một mình?

Từ hồi trẻ, tôi cũng đã chia sẻ rồi. Tôi bị thấp khớp, mà khớp thì đớp tim, chính điều đó khiến tôi mặc cảm, tự ti vì tiêm nhiều thuốc dẫn đến việc sinh nở khó khăn. Thà mình hy sinh vì sự nghiệp còn hơn là yêu một người quá rồi không bỏ được nhau, họ sẽ thiệt thòi về đường con cái. Chính vì vậy, một cái khổ mình mình chịu, kiếp sau mình sẽ đẻ thật nhiều con để bù.

Chị nghĩ về người khác nhiều quá, không tránh khỏi lắm lúc tủi thân, biết lấy ai nghĩ cho chị?!

Nhà tôi rất đông anh em, các anh chị sống rất đoàn kết, đùm bọc thương yêu nhau. Hơn nữa, các anh chị có nhiều con, cháu, chúng nó coi tôi như người mẹ thứ hai thế nên nhà cũng không cô quạnh.

Cánh cửa hạnh phúc của chị đã bị khóa và chiếc chìa khóa ấy do chính tay chị ném xuống sông, hồ rồi…chị làm thế, ai mở được cánh cửa trái tim của chị đây?

Tình cảm trai gái, tình cảm cho riêng mình tôi không dám động tới. Giờ tôi cũng đã có tuổi rồi, thứ hai là tôi lại bệnh tật như thế, nếu có lấy ai thì người đó phải yêu tôi lắm, phải hy sinh vì tôi lắm.

(Ảnh: Nguyệt Vi Hoa Hồng)

Tiền không phải là tất cả, nó là giấy, xé là rách, tiêu là hết, đốt là cháy…

Tình yêu đã bao giờ chiếm lĩnh con người chị lấn át các bộn bề khác chưa?

Tôi đã được yêu và yêu rất nhiều. Nhưng không đi đến tận cùng được.

Song hành cùng nó là tan vỡ cũng nhiều?

Nhiều chứ, tan vỡ đều do tôi cả. Sức khỏe, bệnh tật rồi khi “hòm hòm” thì gia đình nhà chồng bắt bỏ nghề, quản lý hàng hoa …Tôi không thể nào cầm gậy đi trông rừng được. Một người yêu nghề, sống phóng khoáng như tôi không bao giờ chấp nhận cuộc sống tù túng và gò bó như thế. Tôi có quan niệm: Tiền là giấy, xé là rách, tiêu là hết, đốt là cháy, nhiều khi tiền không phải là tất cả. Cái gì mua được bằng tiền, cái đấy rẻ…Hạnh phúc của tôi trong nghề nghiệp cao hơn nhiều. Ông trời đã sinh ra tôi làm nghề này, tôi không oán trách và bằng lòng với những gì tôi đang có.

Chị có định nghĩa được tình yêu?

Tình yêu là thứ không tả được, không có hình khối, không màu sắc, nhờ có tình yêu, con người ta trở nên nhân từ hơn, vui vẻ hơn, yêu đời hơn nhưng cũng vì tình yêu con người ta trở nên đớn đau, mất mát, thiệt thua, ghen tị..Nhưng tôi lại định nghĩa được tình yêu quê hương, đó là khi ở đất khách, được cất lên lời ca “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội…”, đến khu chợ người Việt, được nghe tiếng Việt, ngửi mùi rác Việt, đấy quê hương là thế đấy, rất đỗi thân thương.

Chị là phụ nữ, chị có tin vào tử vi?

Trong tử vi nói rằng tôi là người sẽ thành công nếu theo con đường buôn bán và may mặc chứ không phải nghề sân khấu này. Tôi đã chạy theo đam mê của mình và bật mí thêm là tôi chăm trẻ con cũng …mát tay lắm. Nhiều người ‘buồn cười’ rằng một người chưa một lần sinh nở như tôi lại chăm bẵm trẻ con rất ...‘siêu’. Cho đến giờ, có những đứa đã lấy chồng, lấy vợ rồi đẻ con nhưng vẫn tung tăng đến nhà mình chơi, vẫn gọi mình bằng mẹ, bằng bà, đó là hạnh phúc. Tâm mà tốt thì làm điều gì cũng được, ông bà ta đã có câu “Mệnh thắng thiên” đấy thôi.

Người diễn viên suốt ngày ngập đầu trong những xúc cảm thăng trầm, vui đấy nhưng lại khóc ngay được, đang khóc rồi lại bật cười như người “điên”, và không tránh khỏi những cú “sốc” ?

Tất nhiên là đi kèm chứ, nếu không thì những giọt nước mắt, nụ cười của nhân vật sẽ trở thành vô nghĩa; chỉ tái hiện lại tình cảm một cách khô khốc thì mình cũng chỉ là thợ diễn. Những giọt nước mắt chân thành, những nụ cười rạng rỡ từ đáy lòng đều được khán giả đánh giá cao, tôi đã nhận được những lời khen từ khán giả rằng các vai diễn của tôi nó thật, nó đời và rất gần gũi, mang cảm xúc rất riêng.

(Ảnh: Sưu tầm)

Nếu có thể, thời gian hãy quay lại để tôi sửa…

Chị giải tỏa những bộn bề trong lòng bằng nước mắt?

Tôi là người “giòn cười tươi khóc” và rất dễ xúc động, vui thì cười hết cỡ và lại đa cảm trước cả những nỗi đau của bạn bè. Tôi luôn nhớ một câu của thầy Dương Viết Á đó là: “Đừng bao giờ lấy một người vợ, một người chồng, vui không biết cười mà buồn không biết khóc. Ngày đấy, chúng tôi cũng chỉ 16, 17 tuổi, không ngộ được câu nói của thầy nhưng sau này, trải qua những mất mát, nước mắt, đớn đau, khổ cực thì mới thấm thía.

Chị hay khóc vì những lý do gì?

Uhm…Lũ lụt miền Trung vừa rồi, năm nào cũng thế, tôi nhìn mà cứ bất lực, đồng bào lâm vào cảnh màn trời chiếu đất…Năm ngoái, tôi cũng đã đến huyện nghèo Quế Sơn diễn từ thiện cho bà con, dùng sức lực nhỏ bé của mình chia sẻ, đem tiếng cười cho đồng bào.

Vì sự nghiệt ngã của nghiệp diễn ?

Ông bà mình cũng đã có câu “thầy giáo già, con hát trẻ”. Ví dụ, 20 năm trước, tôi có thể đóng đào, có thể là đào không đẹp nhưng ở độ tuổi 50 mình không thể đóng vai cô gái 25 hoặc 30 tuổi được. Mình phải bằng lòng vai là bà, là cô, là mẹ, diễn viên phải biết mình, biết ta không được lúc nào cũng nghĩ mình là ngôi sao, là nhất được. Và những nhân vật mình đã từng thể hiện thì nên nhường đất cho các bạn trẻ được thể hiện năng lực của mình.

Điều gì đang đau đáu trong lòng chị?

Sân khấu kịch phía Bắc ngày càng vắng khách, ít đỏ đèn, sân khấu thiếu vắng khán giả, tôi vẫn khắc khoải rằng một ngày nào đó sân khấu sáng đèn mãi thôi.

Tôi cũng mong có sự đầu tư vào thế hệ tác giả trẻ, sáng tác những vở kịch thật hay đến với sân khấu. Khán giả không thờ ơ với sân khấu mà do chính sân khấu thiếu vắng những vở kịch hay, không bám vào hơi thở cuộc sống và sự tiến triển của xã hội.

Nên có những nhà hát dành riêng cho trẻ em. Ví dụ, hai ngày đầu trong tuần dành cho các em 3 tuổi, hai ngày kế tiếp từ 5 đến 7 tuổi, tiếp đến là 7 đến 10 tuổi, hai ngày cuối tuần là dành cho các em từ 10 đến 14 tuổi. Lứa tuổi từ 10 đến 14 tuổi là lứa tuổi hình thành nên tính cách, các cháu có trở thành chủ nhân tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chỉ dạy đứng đắn.

Hình ảnh của người mẹ đọng lại trong chị thế nào?

Bà đã mất năm ngoái (lịch âm - PV), bà là người nhân hậu, lúc nào cũng tần tảo, khỏe mạnh chăm lo miếng cơm manh áo cho các con. Đến khi bà mất, tựa một giấc mơ, cho dù bà đã mất được hơn một năm, nhưng tôi vẫn không tin rằng bà đã ra đi. Lúc nào bà cũng vui vẻ, thế mà (im lặng…)

Chị có làm điều gì có lỗi với mẹ?

Nếu có được sự cả nghĩ, thấu suốt như bây giờ thì ngay từ nhỏ, tôi sẽ giúp đỡ mẹ bớt cực, vất vả hơn. Rồi việc lập gia đình, bà lúc nào cũng mong tôi lập gia đình, cứ nghĩ về điều này tôi lại thấy mình là người con…bất hiếu (bật khóc), ân hận lắm nhưng không thể làm lại được nữa…Còn ông già thì hiện nay đang ốm nặng, nằm ở trên giường, sáu anh chị em tôi thay phiên nhau chăm ông.

Cám ơn nghệ sĩ và chúc nghệ sĩ sức khỏe để cháy mãi với nghiệp diễn!

Anh Tuấn Anh thực hiện

Tin tức mới nhất