Ngay cả khi ra tù, Minh béo cũng phải tránh xa trẻ em ít nhất 1000 feet suốt đời

Liên quan đến vụ việc của Minh Béo, mới đây Chương trình phố Bolsa TV đã có cuộc phỏng vấn với Luật sư Andrew Đỗ, giám sát viên Địa hạt 1 (Quận Cam, bang California, Mỹ) nơi Minh Béo bị bắt.

Ông Andrew cũng từng giữ vai trò Phó Biện Lý thuộc văn phòng chuyên trách tội phạm tình dục, hãm hiếp của Quận Cam.


Luật sư Andrew Đỗ trong cuộc phỏng vấn với Phố Bolsa TV (nguồn: Youtube
 Phố Bolsa TV)

Với chức vụ Phó biện lý thuộc văn phòng chuyên trách tội phạm tình dục, Luật sư Andrew Đỗ có vai trò thu thập bằng chứng nhằm buộc tội những nghi can. Khi nhận được những lời tố cáo từ phía nạn nhân hoặc nhân chứng, bên Biện lý sẽ tiến hành điều tra, phỏng vấn các nạn nhân hoặc nhân chứng. Sau đó, cơ quan này sẽ cho nạn nhân hoặc nhân chứng gọi điện thoại cho nghi phạm để có thể dùng lời thú tội của nghi phạm này làm bằng chứng buộc tội.

Khi được hỏi về quyền của nghi phạm bị bắt giữ, ông Andrew cho biết: “Luật pháp Mỹ cho phép nghi phạm được quyền liên lạc với luật sư. Trong thời gian chờ đợi luật sư có mặt, nghi phạm được quyền từ chối tiếp xúc và thẩm vấn bởi phía cảnh sát.”

Bên cạnh đó, Luật sư đặt biệt nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tội phạm hãm hiếp: “Theo Luật ở Mỹ thì tội hãm hiếp rất nặng. Nó chỉ đứng sau tội giết người “. Ông cũng khẳng định, trong trường hợp của Minh Béo, đương sự bị cáo buộc hành vi lạm dụng tình dục trẻ em. Theo luật pháp, quan hệ tình dục với trẻ em dưới 18 tuổi, cho dù nhận được sự đồng ý của nạn nhân hay không, đều vi phạm pháp luật.

Theo một thông cáo báo chí của Văn phòng Luật sư Quận Cam, chính quyền kêu gọi công chúng cung cấp thêm các tang chứng, vật chứng để tố cáo tội trạng của Minh Béo, bao gồm cả những nạn nhân sinh sống trên lãnh thổ nước Mỹ, cũng như các quốc gia khác như Việt Nam. Tuy nhiên ông Andrew lưu ý: “Nếu chuyện xảy ra ở nơi khác, chúng tôi không có khả năng buộc tội. Chúng tôi chỉ có buộc tội những chuyện gì xảy ra ở Quận Cam. Những nạn nhân đó có phải người Mỹ hay không không cần thiết. Miễn sao người đó ở Quận Cam, và những việc đó xảy ra trong Quận Cam. Lúc đó văn phòng biện lý sẽ liên lạc để phỏng vấn, để điều tra”.

Cựu Phó biện lý cũng tranh thủ cuộc phỏng vấn để đưa ra lời cảnh tỉnh tới những gia đình có trẻ em: “Những người phạm tội này thường biết gia đình, họ có một sự liên hệ gần gũi với gia đình nạn nhân. Đó là cách họ gain the trust (tạo lòng tin - PV) từ gia đình để được gần gũi với trẻ em. Vì thế có những chuyện xảy ra rồi gia đình không biết. Các em không muốn nói lên, sợ nói lên người ta không tin. Do đó chúng tôi muốn nhân cơ hội này xin cộng đồng, nếu có chuyện gì xảy ra, nếu có bằng chứng trong trường hợp này, hãy liên lạc với văn phòng biện lý, với cảnh sát. Chúng tôi có nhiều biện pháp điều tra, có bác sĩ có thể nói chuyện với các em, để có thể từ từ kéo nó ra sự thật.”


Nghệ sĩ hài Minh Béo

Chia sẻ thêm về luật pháp Mỹ, ông Andrew nói, Minh Béo dù là công dân nước ngoài phạm tội tại Mỹ nhưng vẫn sẽ bị xét xử theo đúng luật pháp Mỹ. Ngoài ra, Minh Béo cũng không được dẫn độ về Việt Nam để xét xử mà phải chịu án tại Mỹ theo đúng luật. “Theo luật pháp Mỹ, (các phạm nhân – PV) sẽ ở đây chịu án, sẽ ở trong tù khi nào sentence (bản án – PV) kết thúc.” – ông Andrew cho biết thêm.

Với tội đặc biệt nghiêm trọng như ấu dâm, sau khi thụ án, những phạm nhân sẽ phải ghi lại tội danh của mình trong hồ sơ vĩnh viễn. “Luật pháp Mỹ rất khó khăn về việc đó. Những người sau khi ra khỏi tù thì phải ghi tên cả đời với cảnh sát, với thành phố nơi họ ở. […] Họ sống ở thành phố nào thì phải ghi địa chỉ, tôi có tội như thế này. Nếu dọn đi thì phải ghi tên chỗ ở mới. Những chi tiết đó nằm trên internet, vì thế hàng xóm, tất cả những người trong thành phố có thể để địa chỉ có thể biết bao nhiêu người sống trong khu họ vi phạm tội danh này.”

Luật sư cũng trình bày những khó khăn mà các phạm nhân từng phạm tội tình dục gặp phải khi tái hòa nhập cuộc sống. “Nhiều người gặp rất nhiều khó khăn khi kiếm nơi ở. Hơn nữa, luật cấm những người đó không được tới gần trẻ em, hay những công viên, trường học nơi trẻ em hay chơi. Ngoài ra họ cũng cho radius (phạm vi – PV) 1000 feet (305 mét – PV) những nơi công viên, trường học. Thực sự đâu có còn nhiều chỗ còn lại đâu. Vì thế có nhiều người phạm tội xong thì đời sống của họ khó khăn lắm. Họ không kiếm được chỗ ở.”

Bên cạnh đó, những phạm nhân như Minh Béo sẽ khó có thể kiếm cho mình một công việc thông thường. “Khi kiếm việc ở bên Mỹ, một trong những câu hỏi đầu tiên người ta hỏi là “Có phạm tội nặng không?” Tội ấu dâm chắc chắn là nặng rồi. Khó hãng nào có thể mướn những người đó lắm. Nhất là những việc gì có liên hệ tới công cộng.” – ông Andrew chia sẻ. Ông cũng khẳng định những người không mang quốc tịch Mỹ mà phạm tội ấu dâm, sau khi thi hành án sẽ bị trả về nước và không bao giờ có thể quay trở lại nước Mỹ được nữa.

Qua xem xét hồ sơ của Minh Béo, với kinh nghiệm của một công tố viên, Ông Andrew đánh giá mức án dành cho tội danh ấu dâm có thể lên đến 10 năm. Ông cũng cho rằng: “Xã hội Mỹ coi hành vi lạm dụng trẻ em là trọng tội, do vậy những người làm công việc biện lý rất khó để có thể thương lượng giảm án.”

Đã có những tranh cãi xung quanh việc Minh Béo có bị “gài bẫy” hay không khi một thanh tra cảnh sát đã đóng giả làm thiếu niên 14 tuổi và liên hệ với nghệ sĩ hài Việt Nam. Khi gặp “thiếu niên” này với ý đồ thực hiện hành vi dâm ô, Minh Béo đã bị cảnh sát bắt giữ. Tuy nhiên, Luật sư Andrew cho rằng “Luật pháp ở Mỹ cho phép cảnh sát làm sting operation (chiến dịch gài bắt tội phạm) để họ giả làm thiếu niên 14 tuổi. Tại vì những tội mà mình muốn quyến rũ những trẻ em để làm những chuyện sai đã đi vào suy nghĩ của người ta, mình không biết được những suy nghĩ đó. […] Theo luật cảnh sát không thể khuyến khích người khác làm (lạm dụng trẻ em – PV), họ chỉ có thể tạo ra suy nghĩ rằng bên này (cảnh sát đóng giả làm thiếu niên – PV) dưới 14 tuổi. Đó mới là điều quan trọng nhất. Bên này (cảnh sát – PV) đừng nên nói quá để quyến rũ người ta (Minh Béo – PV) không muốn làm nhưng bắt buộc phải làm. Nhưng ngoài chuyện đó ra thì luật pháp bên này cho phép người ta làm vậy.”

Khi được hỏi về việc Minh Béo đồng ý dụ dỗ “trẻ em” dưới 14 tuổi mặc dù mới chỉ trong mong muốn và chưa hề thực hiện hành vi đó thì đã được coi là phạm tội không, ông Andrew cũng khẳng định rằng, Luật pháp Mỹ đã có thể buộc tội dù nghi phạm chưa chính thức thực hiện mà mới chỉ có ý định lạm dụng tình dục trẻ em “trong suy nghĩ”: “Tại vì tội đó đi vào suy nghĩ, ý muốn của người đó, đã làm việc gì đó để hướng đến ý muốn, chẳng hạn như đi gặp đứa trẻ, tuy chưa gặp nhưng mình đã lái xe tới đó, tới phòng hotel (khách sạn – PV) và đã bị bắt. Cái đó là đủ rồi.”

Khi được đưa ra tòa, những bị cáo không có người thân, người đại diện ở Mỹ như Minh Béo sẽ được chính phủ Mỹ chỉ định luật sư để bào chữa. Luật sư Andrew cũng nhanh chóng xóa bỏ nghi ngờ về chất lượng, cũng như tâm huyết của những Luật sư công này: “Cái đó hoàn toàn là sai. Hệ thống luật pháp bên Mỹ rất công bằng. Cơ quan được chỉ định thay mặt cho những người bị buộc tội không có tiền để mướn luật sư riêng. Cơ quan này nhận được viện trợ bởi Quận Cam, của hội đồng giám sát. Có nghĩa rằng họ cũng có một ngân khoản giống như văn phòng biện lý. Luật sư của họ cũng chung nghiệp đoàn với những người biện lý. Do vây họ có đầy đủ khả năng, bằng chức, lương làm việc giống như biện lý. Vì thế mình không nên có thành kiến chỉ vì mình không phải trả tiền riêng, (cho rằng) những luật sư đó không làm đúng tiêu chuẩn của luật pháp bên này.” Bên cạnh đó, ông cũng cho biết chính phủ Mỹ cung cấp thông dịch viên cho những người không thông thạo tiếng Anh như Minh Béo nhằm đảm bảo công bằng, và bảo vệ quyền lợi ngay cả đối với các phạm nhân.

Nói về tin đồn gia đình Minh Béo đang làm giấy chứng nhận bệnh tâm thần cho nam diễn viên, ông Andrew chia sẻ: “Nhiều người hiểu lầm rằng, tôi bị bệnh tâm thần thì tôi sẽ thì (án tù - PV) sẽ giảm đi và tôi sẽ không vào tù. Nhưng họ sẽ không vào tù thường mà sẽ vào tù của những bệnh nhân tâm thần. Trong đó, họ sẽ phải ở trong nhà tù để được chữa bệnh tâm thần cho đến khi nào được coi là hết bệnh. Thành ra có thể ở trong đó cả đời luôn.” Tuy nhiên cũng có trường hợp phạm nhân sau khi vào nhà tù tâm thần, trong quá trình thụ án, các bác sĩ khám và chứng nhận khỏi bệnh thì phạm nhân sẽ được phóng thích. Cho dù vậy sau 27 năm hành nghề luật tại California, ông khẳng định mình chưa gặp trường hợp nào như vậy: “Cái đó rất hiếm. Trường hợp vào nhà thương tâm thần rồi được thả ra, được hết bệnh, chúng tôi trong 27 năm hành nghề chưa thấy xảy ra bao giờ.”

Cuộc phỏng vấn với Cựu Phó biện lý Andrew Đỗ (nguồn: Phố Bolsa TV)

Theo Phố Bolsa TV

Tin tức mới nhất