Nghệ sĩ Trần Hiếu kể về hôn nhân với vợ kém gần 20 tuổi

Chênh nhau gần 20 tuổi, bố của ca sĩ Hà Trần và người vợ thứ hai vẫn có một cuộc sống hạnh phúc.

- Ở tuổi gần 80, ông có bí quyết gì để giữ tinh thần luôn lạc quan, hăng say ca hát và lao động như vậy?

- Đối với tôi, ca hát gần như cái nghiệp. Tôi đến với âm nhạc từ năm 6 tuổi, theo chuyên nghiệp từ năm 1955, đến nay gần 60 năm trôi qua. Đến tuổi này, tôi đi hát phục vụ khán giả thường xuyên. Bất kể hoàn cảnh nào, từ những ngày còn trên chiến trường, vào bếp hát cho các anh nuôi hay thậm chí trên chuyến tàu ra Trường Sa sau này, tôi say sưa trình diễn không cảm thấy mệt mỏi.

Với tôi, hát là nhu cầu tự nhiên, là số phận nên 80 tuổi vẫn cứ diễn. Chính tôi cũng không lý giải được điều này, tôi cứ hát đến khi nào không còn sức nữa đành thôi. Chỉ đơn giản là vậy chứ tôi không thích nói những chuyện đao to búa lớn, những thứ lý tưởng. Tôi đứng về phía nhân dân để phục vụ họ chứ không phải ai khác.

- Gia đình có bao giờ khuyên ông nên tận hưởng tuổi già bằng cách nghỉ ngơi, vui thú điền viên thay vì đi diễn?

- Khi tôi chuẩn bị bước sang 50 tuổi, bà nhà bảo: “Thôi nhé! Em chỉ cho anh hát đến 50 tuổi thôi”. Nhưng đến thời điểm đó, vợ tôi qua đời. Những năm sau tôi liên tục tự nhủ sẽ hát thêm 5 năm, rồi lại 10 năm, 20 năm. Đến cột mốc nào, tôi lai tự “gia hạn” thời gian cho mình. Đến bây giờ đã 80 tuổi, tôi mới ngẫm ca hát với mình như cái nghiệp là vậy. Nghiệp này không phải mình tự quyết định được đâu.

Tôi mừng vì suốt sự nghiệp ca hát được phục vụ dân và được mọi người tuyên dương. Mặc dù tôi đi trình diễn tại nước ngoài rất nhiều, trên 30 quốc gia nhưng cũng vì Việt Nam mà hát. Tôi nghĩ mình được bầu làm NSND là đúng, vì đơn giản tôi hát cho nhân dân chứ không có gì to tát cả.

- Do đó sẽ không ai có thể ngăn được Trần Hiếu đến với nhân dân?

- Con cháu tôi đều lớn cả. Con trai lớn vừa lên chức ông, đẩy tôi lên làm cụ. Con gái Trần Thu Hà cũng đã có con. Tôi đang sống hạnh phúc cùng bà kế tại quận Gò Vấp (TP HCM). May mắn, bà ấy không ngăn tôi, thậm chí còn đồng hành mỗi khi tôi đi diễn. Có lẽ đây cũng là thứ duyên đặc biệt. Nếu như bà vợ đầu còn, có lẽ tôi ngừng hát từ lâu rồi.

Bà hai kém tôi gần 20 tuổi, cũng đam mê nghệ thuật nên hai vợ chồng quan niệm còn sức còn hát. Tất nhiên từng tuổi này không tránh những lúc ốm đau nhưng nếu hỏi tôi “xuống gân” chưa thì tôi cảm thấy chưa đâu. Chục năm qua tôi vẫn hát hăng say, thậm chí mấy ông bạn già còn bảo: “Tôi thấy dạo này cậu hát khỏe hơn xưa”. Lớp nghệ sĩ cùng tuổi với tôi, nhìn đi nhìn lại không còn ai. Có lẽ quan trọng là việc mình giữ tinh thần vô tư, đa cảm nhưng không tính toán.

Nghệ sĩ Trần Hiếu kể về hôn nhân với vợ kém gần 20 tuổiNhạc sĩ Trần Hiếu hát cùng các cựu chuyến binh trên chuyến bay từ TP HCM ra Hà Nội nhân dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua.

- Ở tuổi này, ông làm cách nào để giữ tình cảm vợ chồng?

- Tình cảm thì có nhưng chắc tình cảm già thôi. Bà ấy qua một đời chồng, tôi cũng có một đời vợ nên có sự đồng cảm. Khi gặp nhau, tôi đã 70 còn bà ấy 50 hơn. Vốn là một cô giáo nên có năng khiếu văn nghệ, tôi “kéo” bà ấy về rồi đi hát với nhau. Có khi bà ấy còn tự tin đơn ca. Buổi sáng, chúng tôi cùng nhau đi tập thể dục, đi chơi, bà ấy muốn đi đâu thì tôi lại làm “xe ôm” đèo đi khắp nơi. Vợ chồng lúc nào cũng gắn bó với nhau. Dù hiện tại cũng chỉ có tôi và bà ấy sống với nhau nhưng rất vui vẻ và hạnh phúc.

- Âm nhạc gắn kết tình cảm vợ chồng nhạc sĩ như thế nào?

- Ở nhà, vợ chồng tôi hát với nhau suốt, có khi song ca liên tục mấy bài. Bà ấy không học qua trường lớp nào mà chỉ học với chồng, nhưng giỏi hơn khối người (cười to). Có khi vợ tôi vừa làm cơm, vừa nghe chồng dạy học trò ở trên nhà rồi nhẩm hát theo. Bà ấy “học lỏm” thế mà lại giỏi. Ban đầu bà ấy chỉ biết một số bài, sau nghe tôi dạy học rồi dần dần thuộc thêm rất nhiều ca khúc. Ngày nào tôi cũng lên lớp nên bà ấy được học suốt. 

- Ngoài ca hát, ông còn đam mê nào khác?

- Tôi mê hát, nhưng già rồi nên không thể giống những ngôi sao đi diễn khắp nơi được. Công việc chính hiện tại của tôi là giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia, Nhạc viện TP HCM và tại tư gia. Chẳng hạn như Tina Tình, xa Việt Nam từ năm 16 tuổi, tôi dạy con bé hằng ngày trong suốt 3 năm trời. Từ một đứa nói tiếng Việt chưa sõi, không có người thân giờ nó đã thành ngôi sao.

Hay như Y Moan là đứa bé được nhặt từ trong rừng. Nhờ có giọng nên được người ta gửi ra Bắc và giao cho tôi dạy dỗ. Lúc bấy giờ, nó chưa biết tiếng Việt, không đọc được chữ quốc ngữ. Sau đó được từ trung cấp lên đại học, hát sõi cả tiếng Tây. Những học trò như vậy yêu cầu tôi cần có sự khổ công, nhưng khi họ trưởng thành và trở thành NSND, NSƯT, tôi rất tự hào.

- Còn với con gái Trần Thu Hà?

- Hà trở thành học trò của tôi như một hữu duyên đặc biệt. Khi con bé 14 tuổi thì mẹ mất, từ đó tôi bắt đầu dạy con từ sơ cấp, trung cấp rồi đến đại học. Có lẽ Hà với tôi là một học trò rất đặc biệt. Đó cũng là những chuỗi ngày tôi dạy con với tâm lý, nỗi vất vả của người đàn ông cô đơn. Nhưng tôi rất mừng vì Hà rất chăm chỉ và thông minh. Từ những ngày đầu đi học, con bé lúc nào cũng là đứa nhỏ tuổi nhất lớp luôn đậu thủ khoa. Tất nhiên được bố kèm cặp nhưng nếu nó không có khả năng và ý chí thì không làm được như vậy.

- Trong những ngày dạy con gái, ông gặp khó khăn gì khi là “gà trống nuôi con”?

- Tôi dạy con đôi khi còn khó hơn học trò khác, nhưng vì còn nhỏ nên nó cứ khóc, cứ dỗi. Lúc đó tôi không thể quát được vì thương con sống thiếu mẹ. Nhưng dần dần rồi cũng quen, hai bố con tôi cùng nhau kiên trì. Có những bài rất khó, người khác hát không được nhưng với Hà, bố bắt hát thì nó sẽ làm được. Hà thuộc nhóm những đứa hát được những bài khó nên nó giỏi.

- Nhìn Trần Thu Hà hiện tại, ông có hài lòng về những gì mình mình đã nỗ lực dạy dỗ và yêu thương?

- Tôi chỉ dạy Hà về nhạc cổ điển, khi ra đời nó mới bắt đầu tự học và hát nhiều phong cách. Trên con đường của con, nếu thấy hợp lý tôi sẽ để yên cho nó phát huy. Dĩ nhiên bố hát cổ điển cũng mong con theo dòng nhạc này. Nhưng tôi đã gột rửa khỏi đầu mình suy nghĩ này để cho con bay theo cánh bay của nó. Giờ hai bố con ở hai phương trời nên ít khi gặp nhau nhưng tôi vui vì vẫn còn dõi theo được nó. 

Cũng có lúc Hà về nước và muốn 2 bố con cùng hát nhưng tôi lại bận ở sân khấu khác nên đành chịu. Sắp tới, trong đêm nhạc riêng kỷ niệm 80 tuổi, tôi muốn có một tiết mục hát cùng con gái nhưng nó cứ đi suốt thì biết làm thế nào?

Khi mẹ Hà nguy kịch, tôi nhắn nhủ với bà ấy: “Em cứ yên tâm, anh sẽ chăm lo cho con”. Đến giờ, chắc cô ấy không trách gì vì tôi khá chu đáo với con bé.

Vợ chồng nhạc sĩ Trần Tiến hạnh phúc bên nhau.
Vợ chồng nhạc sĩ Trần Hiếu hạnh phúc bên nhau.

- Ông có theo dõi và nhận xét gì về nềm âm nhạc Việt Nam trong hiện tại?

- Tôi có theo dõi, nhiều người cũng bảo tôi cho ý kiến. Tất nhiên tôi phát biểu được nhưng tôi nghĩ mình có cái nhìn khác, mỗi thời đại là một câu chuyện hoàn toàn khác nhau do đó không nên có cái nhìn cực đoan. Âm nhạc thời điểm nào cũng có phong cách của riêng nó. Những gì mọi người đang tranh luận, bàn cãi cũng không chỉ diễn ra riêng ở Việt Nam.

Năm 1968, tôi sang Pháp và có đọc được một cuốn về lịch sử ca hát của quốc gia này rằng những năm 50 của thế kỷ trước, người dân ở đây chỉ hát dân ca, những ca khúc mang tính thơ. Nhưng sau đó, họ chuyển sang thể loại nhạc xập xình, tân thời. Nhưng được vài chục năm, dân Pháp bắt đầu mở cuộc vận động hát lại dân ca phía Bắc. Nhiều người đổ xô về để nghe các cụ ngày xưa hát và 2 quán quân của cuộc thi đó đều trên 80 tuổi. Từ hai bà già nghèo "rớt mồng tơi", họ trở thành tỷ phú và là điểm sáng của cả nước Pháp.

Ở Việt Nam cũng vậy thôi. Bây giờ, bọn trẻ cũng sẽ đến lúc chúng nhận ra mình ngớ ngẩn. Khắp nơi nào là rock, hip hop… những dòng nhạc đó không phải của Việt Nam. Nhưng cũng sẽ như những nước khác, một lúc nào đó khán giả sẽ quay trở lại với nhạc Việt. Không nhất thiết chỉ nghe những sáng tác cũ. Đó vẫn có thể đó là những ca khúc mới, nhưng nhất thiết phải lành lặn.

- Còn trường hợp các ca khúc cũ được làm mới với mục đích đem gần hơn với giới trẻ. Theo ông việc làm này có mang lại hiệu quả?

- Làm mới cũng có cái hay của nó. Gần đây nhất có chương trình Giai điệu tự hào, những ca khúc cũ được họ thay đổi ít nhiều nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần ban đầu. Theo tôi, đó là điều đáng khuyến khích. Còn như khi hát về cụ Hồ nhưng cứ gào thét thì Cụ không thích thế đâu. Cụ Hồ chỉ thích những điều ấm áp mà thôi. Đến lúc nào đó mọi người sẽ nhận ra điều này.

Ngày nay, họ không nói “đi nghe hát” mà là “đi xem hát”. Chữ “xem” rất đúng vì khán giả đâu còn nghe được. Nhưng mọi người cứ bình tĩnh, chuyện đâu cũng sẽ có đó. Bản thân tôi cũng vậy, trong quá trình đi hát được tỉnh ra rất nhiều. Có ai lúc nào cũng đúng ngay đâu, có sai mới biết đúng, không ăn đắng thì không biết cái ngọt. Còn những sáng tác sau này viết về tình yêu, nhưng đó không phải là tình đẹp. Những ca khúc tiền chiến vẫn đẹp hơn các sáng tác bây giờ.

Theo Zing

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao