Sen Hồ Tây làm giảm ham muốn tình dục?

Có lẽ người Việt Nam ai cũng biết đến Sen Tây Hồ, lại càng biết đến trà Sen. Nhưng liệu sen Hồ Tây có độc không nếu ăn, ướp trà?

Mùa hè là mùa Sen. Và ít loại cây nào mà hầu như tất cả các bộ phận đều là những vị thuốc quý như cây sen gồm hạt, lá, hoa, tâm sen, ngó sen... Các cánh hoa đôi khi được sử dụng để tô điểm món ăn, trong khi các lá to được dùng để gói thức ăn.

Ngó sen là phần được dùng nhiều nhất và có thể dùng chế biến nhiều món ăn như súp, canh, món xào… Các nhị hoa có thể phơi khô và dùng để ướp chè. Các hạt nhỏ lấy ra từ bát sen có nhiều công dụng và có thể ăn tươi hoặc sấy khô. Hạt sen già cũng được dùng nhiều trong các món như chè sen hay làm mứt sen…

Thời điểm này lên Hồ Tây, mọi người có thể tận hưởng mùi hương nhẹ, tinh khiết của hoa sen và có thể nhâm nhi thưởng thức chén trà sen Hồ Tây thanh nhã.

                                                                    Trà sen Hồ Tây


Từng có người nói rằng, không biết liệu sen Hồ Tây có độc không nếu ăn, ướp trà? Chia sẻ về băn khoăn này, PGS.TS Trần Hồng Côn – Khoa hóa (Trường ĐHTN – ĐHQGHN) cho rằng, đó chỉ là điều lo lắng xa xôi.

Trà mà được ướp sen Tây Hồ thì quá tuyệt vời. Không phải ngẫu nhiên mà trà sen Tây Hồ (Hà Nội) xưa nay lại được mệnh danh là thiên cổ đệ nhất trà. Trà ướp hương sen theo phương pháp xưa nay người dân Tây Hồ vẫn làm thuộc hàng quý hiếm vì được lựa chọn loại trà móc câu và được ướp thêm với hương sen, theo Đông y sẽ thêm tác dụng giúp bổ tâm thận, an thận.

Rất nhiều người vẫn tự làm trà sen bằng cách thủ công là thả nhúm trà vào trong bông hoa, cột lại để dành uống dần. Những người có thu nhập khá hiện có thể bỏ tiền mua trà sen Tây Hồ đã được chế biến, đóng gói sẵn để dùng. Quy trình làm cầu kỳ, số lượng hoa sen lại chỉ có theo mùa và không phải vùng nào cũng trồng được nên hiếm và vì thế giá thành cũng đắt. 1kg trà ướp sen lên đến vài triệu đồng.

“Điều đáng nguy hại là trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại trà được tẩm, ướp… hương liệu. Các loại hương liệu này rất ít khi có thể mua được loại có độ tinh khiết cao, mà trong đó có chứa tạp chất rất nhiều. Uống loại trà này có nguy cơ gây hại sức khỏe rất cao. Nhưng không tốt ở mức độ nào, tác hại đến đâu phải có những nghiên cứu cụ thể. Hiện ở Việt Nam cũng như trên thế giới chưa có nghiên cứu cụ thể nào về các loại hương liệu tổng hợp này, vì trên thế giới đa phần người ta không sử dụng hương liệu này vào thực phẩm” – PGS.TS Trần Hồng Côn cho hay.

Để phân biệt trà ướp hóa chất hay ướp hoa thật không khó, theo PGS.TS Trần Hồng Côn chỉ cần ngửi mùi thoáng qua là biết trà ướp hoa thật hay ướp hóa chất. Trà ướp hoa sen có mùi rất phong phú, nhẹ nhàng, trong khi đó trà ướp sen hương liệu có mùi hắc, đậm. Còn với hoa nhài tự nhiên, mùi thơm mát, trong khi đó tinh dầu nhài có mùi hóa chất rất đặc trưng để nhận biết.

Các chuyên gia Đông Y cũng khuyến cáo, sen có độc hay không nếu ăn và ướp trà còn tùy thuộc vào người dùng và cách dùng. Nhiều bộ phận của sen có tác dụng tốt trong điều trị bệnh nhưng nếu lạm dụng quá nó cũng trở thành “con dao hai lưỡi”.

Như tâm sen, Đông y dùng chữa sốt và khát nước, di mộng tinh, tim đập nhanh, tăng huyết áp, hồi hộp, hoảng hốt, mất ngủ, mỗi ngày dùng 1 – 3g. Tuy vậy trong tim sen lại có chứa độc tính vì vậy muốn sử dụng làm thuốc phải sao tâm sen để khử được độc tố có trong tim sen.

Việc dùng tâm sen dâu dài có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh lý là làm giảm ham muốn tình dục. Những người bị âm hư uống vào cũng ngủ được, nhưng ít lâu sau sẽ bị mệt mỏi, tim đập thất thường, tắc tĩnh động mạch. Nam thì bất lực sinh lý, nữ thì kinh nguyệt xáo trộn.

Lá sen cũng được xác định là tính mát, bình, không độc nhưng nếu dùng quá liều hoặc tùy tiện thì nó cũng có thể trở thành chất gây hại cơ thể. Tác dụng thanh nhiệt trong lá sen dễ làm cho người thể hàn bị tiêu chảy, nhiệt độ hạ thấp, chân tay lạnh, đi tiểu nhiều. Bệnh nhân ngộ độc vì dùng lá sen có thể gặp các triệu chứng như: tê môi, lưỡi và niêm mạc miệng; nôn nao, hoảng hốt, da xanh tái, chân tay lạnh, vã mồ hôi, co giật, rối loạn tim mạch, tụt huyết áp...

Theo Gia đình & Xã hội



Tin tức mới nhất