Siêu mẫu Lê Trung Cương kể về chuyến thám hiểm Sơn Đoòng đến vào "giờ chót"

Đến thời điểm hiện tại, có chưa đến 700 người vào được hang Sơn Đoòng, trong đó có hơn 70 người Việt và siêu mẫu Lê Trung Cương đã may mắn là người Việt thứ 72 tham gia vào hành trình thám hiểm hang động lớn nhất thế giới này.

Siêu mẫu Lê Trung Cương sinh năm 1982, cựu sinh viên trường Đại học Bách Khoa TP.HCM. Vào năm 2006, Lê Trung Cương đã đem vinh quang cho Việt Nam khi đạt giải 3 tại cuộc thi Manhunt.

Ngày 20/5, siêu mẫu Lê Trung Cương
bắt đầu hành trình khám phá khám phá Sơn Đoòng - Hang động lớn nhất thế giới mà loài người đã khám phá được tính đến nay. Là nghệ sĩ Việt đầu tiên được góp mặt trong hành trình mạo hiểm và kỳ thú này, anh Lê Trung Cương không giấu được niềm vui và anh đã viết lại nhật ký hành trình mỗi ngày trong chuyến thám hiểm của mình.

Siêu mẫu Lê Trung Cương.

1. Xin chào Lê Trung Cương, anh có thể chia sẻ vì sao anh có thể giành được một suất đi Sơn Đoòng khi các khách du lịch trong và ngoài nước đã đăng ký tour kín chỗ đến năm?


Tôi có check liên tục site Oxalis.com.vn và nhận thấy tour đã kín chỗ đến hết năm nhưng vào ngày 14/5, có 1 khách hủy vé vào giờ chót, tôi ngay lập tức đăng ký vào chỗ trống ấy. Điều này rất hay xảy ra nên cơ hội để các bạn đặt chân vào Sơn Đoòng không phải là không có. Nếu bạn có ý định đăng ký, hãy làm ngay!

Sau 2 ngày gửi các thông tin về sức khỏe, cũng như email chứng minh mình đủ sức khỏe và hiểu rõ về các điều kiện tour, tôi được Deb Limbert - chuyên gia kỹ thuật (vợ của Howard Limber - người đồng khám phá hang Sơn Đoòng cùng với Hồ Khanh) chấp nhận cho tôi tham gia tour.

"Tôi không tài nào nhớ nổi bao nhiêu lần cả nhóm phải băng qua các con suối trong vắt nước ngang đầu gối nữa. Đôi chân tôi tê buốt, mồ hôi nhễ nhại, cảm giác như không thể bước đi được nữa. Đã có vài thành viên rớt lại phía sau đoàn do đuối sức. Trong đầu tôi bắt đầu xuất hiện cái ý nghĩ, ước gì mình chưa đăng ký đi tour này. Đầu gối thì lỏng ra, da cháy rát vì nắng, vai đỏ lừ vì cái balo nặng trĩu và người thì run lập cập vì mất nước. Đây là chuyến đi dài nhất cuộc đời tôi”, siêu mẫu chia sẻ.

2. Trước đi bắt đầu chuyến thám hiểm, mọi người sẽ được phổ biến về các quy tắc an toàn như thế nào?

Tôi sẽ tóm tắt những điều đáng quan tâm cho du khách Việt từ những gì Howard Limbert đã phổ biến như sau:

- Đoạn đường đi tổng cộng cho cả chuyến đi là khoảng 60km, trong đó hơn 10km là trong hang. Đường đi ko hề bằng phẳng, mà có khi lên núi, lúc lại chui xuống lỗ sâu, lên và xuống, xuống và lên...

- Đoàn của chúng tôi lần này gồm 2 chuyên gia hang động Anh, 1 hướng dẫn Việt, 2 nhân viên hỗ trợ Việt, 2 đầu bếp, 2 nhân viên kiểm lâm, 20 nhân viên khuân vác (porter) và 10 du khách.

- Hành trình vào hang được tính toán sao cho bảo tồn được tối đa nguyên trạng của Sơn Đoòng, hạn chế thấp nhất mọi thay đổi đến môi trường sinh thái trong hang. Vệ sinh cá nhân trong hang khá hạn chế vì nhiều lý do, bạn nên chuẩn bị cho việc dùng khăn ướt để lau người thay cho việc tắm.

- Đi vệ sinh trong hang sẽ theo quy trình sau: Sẽ có các xô lớn nằm trong lều được che kín, bạn đi vệ sinh vào xô, sau đó ngay lập tức phải dùng cát pha gốc rạ (được cung cấp bên cạnh) phủ lên chất thải để ngăn mùi hôi. Các xô này sau đó sẽ được porter vận chuyển ra khỏi hang.

- Hệ sinh thái trong hang là "độc nhất". Có rất nhiều chủng loại động vật và thực vật mới được khám phá lần đầu trên cả thế giới. Có 2 khu rừng thu nhỏ trong hang, ở đó có khỉ, cáo bay, một loài chim sải cánh lên tới 1,2m. 

- Điều rợn người nữa khi Howard cho biết trong rừng, trên đường vào hang có cọp và vài con gấu, chỉ cách nơi cắm trại đêm đầu vài km. 

- Việc gấp trong bất cứ hoạt động nào suốt hành trình đều được khuyến cáo là không cần thiết, và có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Cả đoàn phải ở gần nhau trong suốt chuyến đi, phòng khi có tai nạn thì ứng cứu kịp.


Con suối ngoằn nghèo kéo dài suốt 5km dẫn vào đến miệng Hang Én, và sau đó lại tiếp tục dẫn vào miệng hang Sơn Đoòng.

Dưới lòng suối, nước trong vắt...


3. Để hoàn thành chặng đường khám phá Sơn Đoòng không phải là điều dễ dàng, anh có từng tập luyện trước cũng như đã chinh phục bao nhiêu ngọn núi rồi trước khi quyết định chinh phục Sơn Đoòng?

Bạn có tin không, tôi là một chàng trai thành thị chưa từng leo núi bao giờ.
Tôi cũng có lo lắng nhưng xác định rằng tham gia mạo hiểm là phải chấp nhận rủi ro. Trước khi bắt đầu chuyến đi, tôi đã mua bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm du lịch và viết cả di chúc nữa. Bên cạnh đó, tôi cũng chăm chỉ tập thể dục và rèn luyện thể lực hơn.

Ngày thứ 2 ở Sông Son, tôi không tài nào ngủ được dù đã cố hết sức, thậm chí đã uống một viên thuốc ngủ. Dù biết rằng ngày hôm đó sẽ bắt đầu hành trình gian khổ nhất. Tôi nhớ lại điều mà Oxalis có thông tin trước, đó là bất cứ ai không thể hoàn thành chương trình của ngày thứ hai thì sẽ phải quay trở lại điểm xuất phát, không được hoàn tiền lại. Tôi đã bỏ ra tổng cộng gần 70 triệu nên áp lực hoàn thành chặng đượng này là khá lớn, nhất là với một người chưa từng có kinh nghiệm leo núi như tôi.

Cả đoàn bên bàn ăn tối trong lòng hang Én lúc 6 giờ tối, sau khi đã vượt qua hơn 15km đường rừng trong ngày đầu tiên xuất phát.


Bức ảnh được chụp khi anh Lê Trung Cương đang đứng trên lối vào của hang Én, sau khi cả đòan đã lội ròng rã hơn 12km đường rừng và suối từ điểm xuất phát ban đầu.
Sau lưng anh, dưới bãi cát là nơi cắm trại của cả đoàn vào cuối ngày thứ 2 trong hành trình.

Trước khi đi, tôi đã không khai báo sự thật là mình rất sợ độ cao. Đây là lần đầu tiên tôi biết đến việc leo núi bằng dây, và nó hoàn toàn ko dễ tí nào. Dây thừng được nút lại nhiều nút trên cả đoạn dây vài chục mét. Một đầu được buộc vào thân cây, đầu còn lại thả rơi tự do. Cả trọng lượng cơ thể khi leo xuống sẽ dồn hết vào 2 bàn tay nắm chặt sợi dây này, và bạn rất khó khăn trong việc biết phía dưới mình là gì. Bạn sẽ phải tự thả mình xuống từ từ dọc theo vách đá của sườn núi dựng khoảng 70 độ. Ngoài sợi dây duy nhất này ra thì hoàn toàn khống có gì để đảm bảo an toàn cho bạn.

Hành trình cả đòan tiến từ hang Én về phía miệng Hang Sơn Đoòng là 2km, nắng trên đầu và nước đưới chân.

4. Trong suốt 7 ngày thám hiểm Sơn Đoòng, anh nhớ nhất là chặng đường nào nhất?

Đó là khoảnh khắc chúng tôi đã nhìn thấy cửa vào Sơn Đoòng, đập vào mắt cả đoàn là một hệ thống chi chít các thạch nhũ màu xám chìa ra từ trần hang. Một số thạch nhũ ở đây lại mọc theo chiều ngang, điều này rất kỳ lạ, và tôi nếu không tận mắt thấy thì cũng không tài nào có thể tưởng tượng ra được dù có nghe kể lại. Từng người một sẽ phải đu dây xuống lòng hang, vì lý do an toàn, nên mọi người phải chờ khá lâu mới tới lượt mình. Vách hang hướng xuống dựng đứng, chỉ nghiêng khoảng 10 độ, và cực kỳ trơn trượt, không có điểm để bấu víu. Xuống đến đáy hang thì da tay ai cũng gần như phồng rộp, mồ hôi đầm đìa vì căng thẳng dù rằng gió trong hang khá lạnh. Một trải nghiệm vừa thú vị vừa... hồi hộp cực kỳ.

Một nửa thành viên trong đoàn đang băng qua con suối chảy trong hang, ngay khi vừa đu dây xuống từ miệng hang Sơn Đoòng.


C
ảm giác được đặt chân vào lòng hang Sơn Đoòng sau chặng đu dây nghẹt thở vừa rồi rất đặc biệt, rất riêng và khó tả. Mọi người bắt đầu leo dọc theo phần đá trong lòng hang. Phần vách đá này không phải đá tảng, mà là vô số hình hài đá vôi sắc nhọn, xen lẫn với đá marble xám, có lúc lại là đá marble hồng, và thạch nhũ. Vách đá có đoạn thấp ngang tầm của dòng suối, có đoạn đá trên trần hang rơi xuống chắn ngang cao vài chục mét, mỗi tảng to như vài ngôi nhà 5 tầng lầu chập lại.

Bạn cứ thử tưởng tượng, đoạn đường dài khoảng 1km như con đường Đồng Khởi, và giữa đoạn đường đó, có khoảng 5 khối đá to, cao hơn nhà thờ Đức Bà chắn đường. Bạn phải luồn lách, bám víu, đu đeo để leo qua hết những khối đá cao chót vót ấy. Và trong hầu hết đoạn leo trèo này,  không có bất kỳ biện pháp an toàn nào ngoài 2 bàn tay và đế giày bám vào mặt đá trơn trợt. Một bước sảy chân, bạn sẽ nằm ngay dưới hố sâu vài chục mét đầy đá nhọn. Tôi thực sự không tin nổi mình đã vượt qua quãng đường này.


5. Anh có lời nhắn nhủ nào với những người đang có ý định chinh phục Sơn Đoòng?


Sẽ có khá nhiều chi tiết về mức độ nguy hiểm trong hành trình lần đầu tiên các bạn được nghe tới. Nguyên tắc cơ bản của tôi là cố gắng mô tả trung thực nhất những trải nghiệm mà mình trải qua. Còn việc đánh giá mức độ đó áp dụng cho bản thân các bạn, để rút ra kết luận cuối cùng là đi hay không, là việc các bạn phải tự làm và tự chịu trách nhiệm. Tôi sẽ không trả lời bất kỳ 1 câu hỏi nào về việc các bạn có nên đăng ký vào hang hay không.

Theo Tri thức trẻ

Tin tức mới nhất