Căn bệnh đáng sợ của con trai khiến cuộc sống gia đình tôi đảo lộn

Trong khi các cha mẹ khác lo lắng về chuyện con biếng ăn hoặc thấp còi thì chúng tôi phải đối diện với những cơn giận khủng khiếp và những hành động kiểu làm bẩn mọi thứ bằng… phân của con.

Lần đầu tiên tôi phát hiện ra có điều gì đó bất ổn với con trai mình là khi cháu 2 tuổi. Lúc đó, bé đang ăn trưa và tôi đề nghị giúp cháu xắn tay áo lên để nước sốt không rây vào áo. Bé phản ứng bằng một cơn giận dữ dội, bột phát khiến tôi rất sốc. Tôi chưa bao giờ thấy một đứa trẻ nào lại có thể giận dữ mạnh mẽ tới như vậy. Thằng bé túm lấy một cái ghế trong phòng ăn tối nhà tôi và ném thẳng vào cửa kính trượt phía sau.

Tôi lùi lại một bước, toàn thân run rẩy trong cơn choáng váng không ngờ, trong khi tay ôm chặt con gái út lúc đó mới được vài tháng. Tôi cảm thấy linh cảm bất an khiến ruột gan rối bời và tôi chỉ biết rằng thế là có chuyện không ổn với con rồi. Mặc dù phải mất khoảng 5 năm sau những người khác mới nhận thấy rắc rối này. Thằng bé mắc phải hội chứng rối loạn hành vi một cách nghiêm trọng.

Mấy năm đầu tiên là những khoảng thời gian khó khăn nhất, thử thách nhất về mặt cảm xúc đối với tôi. Thẳm sâu trong tim, trong bản năng làm mẹ, tôi biết có gì thực sự rất, rất không ổn và tôi phải đưa con tới những nơi có thể giúp cháu càng sớm càng tốt.

Trong khi các bậc phụ huynh khác than thở về chuyện các con hay chành chọe hoặc một đứa trẻ biếng ăn thì chúng tôi phải đối diện với những cơn giận khủng khiếp và những hành động kiểu làm bẩn mọi thứ bằng… phân. Con trai tôi lại vô cùng khỏe. Dù mới 2 tuổi, thằng bé đã đủ sức giật tung một cánh cửa khỏi bản lề. Sau lần thứ ba như vậy, chúng tôi quyết định không lắp cửa nữa. Trên tường phòng ngủ của thằng bé vẫn còn chi chít lỗ.

Căn bệnh đáng sợ của con trai
Ảnh minh họa.

Tôi vẫn còn nhớ đã chạy vào phòng con và ngồi khóc nức nở trong đó sau sự cố cháu đánh bạn gái ở lớp. Các thầy cô cố gắng cho cháu thời gian để trấn tĩnh lại nhưng cháu đơn giản là từ chối việc bị phạt và thay vào đó, đã cởi hết quần áo rồi lăn lộn dưới bàn học cho tới khi chúng tôi được gọi đến để đưa cháu về.

Tôi không biết mình phải cư xử thế nào khi hiệu trưởng trường mầm non gọi tôi vào văn phòng cô ấy để thảo luận về việc con trai tôi không chịu ngồi trật tự trên thảm chơi mà lại tụt quần xuống và lăn lộn trên thảm như một chú chó con, sau đó, làm rây phân ra khắp sàn.

Cả nhà tôi không ai ngủ được trọn đêm. Thằng bé từng thức một mạch tới sáng với một cơn giận không thể kìm nén, cứ thế hét lên rồi quăng mình xuống giường hoặc đập người vào tường hay cánh cửa nhà vệ sinh.

Có những buổi sáng mà tôi nghĩ tôi không còn chút hơi sức nào để xử lý bất cứ chuyện gì nữa. Tôi van nài chồng tôi nghỉ việc hôm đó. Cuối cùng, chồng tôi quyết định làm việc ở nhà hẳn một năm, để ít ra cũng có hai người lớn trông chừng con.

Tôi đã đưa con đi khám ở những nơi thực hiện dịch vụ can thiệp sớm các rắc rối ở trẻ. Con đủ điều kiện để thực hiện một vài dịch vụ trong số đó nhưng với chuyên gia về liệu pháp hành vi thì lại chưa đủ. Phải có chẩn đoán mới được trị liệu nhưng không ai muốn điều trị một đứa trẻ mới 2 tuổi. Thằng bé còn quá bé. 22 người đã từ chối. Con trai tôi thì cần được giúp càng sớm càng tốt vì hành vi xấu sẽ tăng lên khi cháu lớn hơn và khỏe hơn.

Chúng tôi thay đổi chế độ dinh dưỡng cho con. Chúng tôi cho con uống dầu cá. Tôi đọc rất nhiều sách. Tôi đăng ký học các lớp chuyên đề. Tôi thậm chí được dạy kỹ tới nỗi tôi đủ khả năng làm việc trong các lớp dạy kỹ năng làm cha mẹ buổi tối. Tôi thấy mừng vì lại có một công việc bán thời gian (trước đó, tôi quyết định bỏ việc để ở nhà chăm sóc con) vì chi phí trị liệu có thể lên tới 100 USD/giờ.

Tôi gọi gần như cho mọi chuyên gia trị liệu ở Mỹ và vẫn tiếp tục gọi. Đã có hàng trăm cuộc điện thoại và cuối cùng một chuyên gia tên Betsy đã đồng ý gặp con trai tôi. Vài năm sau, chúng tôi theo một chuyên gia tâm lý và thậm chí đăng ký cho cháu vào lớp học đặc biệt.

Con trai
Ảnh minh họa.

Giờ đây, con trai tôi mới 8 tuổi nhưng mọi hành vi của cháu chi phối toàn bộ cuộc sống gia đình tôi. Tôi lo lắng mỗi ngày vì tôi biết mình đang dần hết thời gian, khi mà con trai tôi ngày một lớn hơn, khỏe hơn tôi. Tôi sợ hãi rằng mỗi giấy tờ, thủ tục tôi phải ký để cho con tôi một phương pháp trị liệu mới lại đang dần gặm nhấm đi tương lai của thằng bé. Thằng bé muốn trở thành thầy giáo? Muốn làm phi công. Liệu tôi có tước đi giấc mơ đó của con?

Mới 1 tuần trôi qua kể từ lần cuối chúng tôi thấy phân trát đầy lên tường nhà. Lần đó, thằng bé đã cảm thấy hối hận và thừa nhận ngay rằng mình đã làm sai. Điều đó giúp chúng tôi có một ngày đẹp trời.

Chẳng còn mấy người chịu làm bạn với gia đình tôi. Họ không thể để mình liên quan tới cuộc hành trình gian khó mà chúng tôi đang theo đuổi nhưng tôi không thể đổ lỗi cho họ được. Lần cuối cùng bạn thấy phân trên tường nhà mình mà vẫn coi đó là một ngày đẹp trời là khi nào vậy?

Vượt trên tất cả, chúng tôi vẫn rất yêu con, thương con. Những ngày đẹp trời vẫn còn ở phía trước và đó là mục tiêu mà tất cả gia đình tôi đều hướng tới.

Theo Trí thức trẻ

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao