Kết hôn cận huyết dễ sinh ra những đứa trẻ què quặt

Ka Thảo và Ka Uyệt, là con cô con cậu kết hôn với nhau, sống ở xã Phi Liêng (Đam Rông, Lâm Đồng). Con trai 4 tháng tuổi của họ bị sứt môi hở hàm ếch.

Ka Uyệt học hết lớp 12, chồng học đến lớp 9, kết hôn là do cha mẹ sắp đặt bởi với người dân tộc Ê Đê thì anh em họ hàng gần lấy nhau là bình thường. Uyệt cho rằng con trai bị dị tật là do mẹ bệnh hen suyễn, trong quá trình mang thai có uống thuốc tây. Tuy nhiên, các chuyên gia về sinh đẻ có kế hoạch ở địa phương nhận định có thể tình trạng dị tật của con Uyệt là do bố mẹ cận huyết thống.

Theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu phát triển dân số (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế), tình trạng hôn nhân cận huyết vẫn phổ biến ở các tỉnh, đặc biệt với đồng bào thiểu số. Các tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái… là những địa phương có số cuộc hôn nhân cận huyết cao.

Khảo sát ở một số dân tộc như Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê Đê, Chu Ru… và đặc biệt là dân tộc Si La (Điện Biên, Lai Châu), Lô Lô, Pu Péo (Hà Giang), Mông Xanh (Lào Cai), Rơ Mân, Brâu (Kon Tum), cứ 100 trường hợp kết hôn có tới 10 hôn nhân cận huyết.

Tại thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh (Phú Yên), vợ chồng Ksor H'Nhưng và Nay Y Khiêm (người Ê Đê) cũng là con cô con cậu. Trong 4 năm qua, huyện có 50 trường hợp kết hôn cận huyết, theo số liệu của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Sông Hinh.


Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Cao Thị Thu Ba, Chi cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lâm Đồng, nếu vợ chồng có huyết thống gần nhau (hôn nhân cận huyết) thì khả năng rất cao có 2 nhiễm sắc thể giống nhau. Con sinh ra có 2 nhiễm sắc thể giống nhau thì những gen bệnh sẽ biểu hiện ngay thành các tính trạng trội, tức các gen bệnh biểu hiện ra bên ngoài càng lớn. Bởi thế các cặp vợ chồng muốn kết hôn phải có huyết thống cách nhau ít nhất 3 đời để tránh nguy cơ nhiễm sắc thể trùng.

Trẻ em sinh ra từ những cuộc hôn nhân cận huyết dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), hồng cầu hình liềm, rối loạn chuyển hóa, thiếu enzim G6PD. Trẻ có thể bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, nguy cơ tử vong cao.

Tình trạng tảo hôn cũng phổ biến ở các địa phương có người dân tộc thiểu số. Thị trấn Lạc Dương dưới chân núi Lang Biang, chỉ cách thành phố Đà Lạt 12 km, không thuộc vùng sâu vùng xa nhưng tình trạng tảo hôn khá nhiều. Người K'ho nơi đây có cuộc sống khá văn minh, hiện đại, kinh tế cũng không quá khó khăn nhưng thỉnh thoảng có những nữ sinh lớp 10 nghỉ học để đi lấy chồng. Các em gái này mới 15-16 tuổi, nghĩa là còn thiếu vài tuổi so với luật hôn nhân gia đình.

Việc cưới hỏi của người K'ho cũng khá đơn giản, nếu đôi trai gái muốn nên vợ chồng thì hai bên gia đình tùy điều kiện kinh tế mà tổ chức hôn lễ. Có khi gia đình chỉ gặp nhau làm một vài nghi thức đơn giản, sau đó đưa chú rể qua nhà vợ sinh sống (người K'ho theo chế độ mẫu hệ). Trường hợp cô dâu chú rể chưa đủ tuổi kết hôn, gia đình cứ để họ chung sống với nhau đến đủ tuổi mới đi làm giấy kết hôn. Với người K'ho, tiệc mừng đám cưới không nhất thiết phải làm ngay khi đôi nam nữ nên vợ chồng. Có cặp vợ chồng cưới nhau sau 15-20 năm sống chung mới tổ chức tiệc cưới.

Theo số liệu của Trung tâm Truyền thông sức khỏe (thuộc Bộ Y tế), 3 năm gần đây, dân tộc Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất vùng núi phía Bắc (33%), tiếp theo là người Thái (23,1%), Mường (15,8%). Tại huyện Văn Chấn (Yên Bái), nơi có nhiều đồng bào Thái sinh sống, nam nữ lập gia đình rất sớm, con gái làm mẹ ở tuổi 16 là chuyện thường, thậm chí mới 14 tuổi. Con trai 18 tuổi đã địu con trên lưng và không ít những ông bà nội, ngoại mới chỉ 35-36 tuổi.

Để ngăn chặn tình trạng hôn nhân cận huyết và tảo hôn này, các địa phương phải xây dựng thành các đề án hành động. Tại tỉnh Lâm Đồng, Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình đang thực hiện đề án "Giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống", chọn 17 xã của 7 huyện để tuyên truyền. Theo đó, các cán bộ tìm hiểu nhận thức, thái độ của nam nữ về Luật Hôn nhân và Gia đình, quy định đăng ký kết hôn và khai sinh; tuyên truyền hậu quả của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.

Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Điện Biên cũng thực hiện đề án này trên 80 bản của 6 xã thuộc hai huyện Điện Biên Đông và Mường Chả.

Tảo hôn tuy không gây ra hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ như hôn nhân cận huyết, nhưng cũng dễ dẫn đến bất ổn về sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em.

Theo VnExpress

Tin tức mới nhất