Lý giải vì sao bạn có thể bị biến dạng khuôn mặt hoặc ung thư sau khi nhuộm tóc

Nhuộm tóc để làm đẹp là một nhu cầu thiết yếu ở nhiều chị em phụ nữ. Thế nhưng việc sử dụng các loại thuốc nhuộm chứa nhiều hóa chất cũng có thể gây tác hại vô cùng khó lường.

Phù mặt vì nhuộm tóc

Gần đây, trên trang mạng xã hội ở Mỹ đang chia sẻ rầm rộ câu chuyện kèm hình ảnh của một cô gái bị biến dạng khuôn mặt sau khi nhuộm tóc.

Theo nội dung chia sẻ trên mạng xã hội, cô gái trong những tấm hình vốn rất xinh đẹp nhưng sau khi đến tiệm làm tóc, cô bắt đầu bị ngứa ở vùng da đầu rồi nhanh chóng lan xuống mắt trái. Một ngày sau đó, khuôn mặt cô sưng lên một cách bất thường khiến cô phải tức tốc nhờ người thân đưa vào bệnh viện. Các bác sĩ kết luận cô gái bị dị ứng với thuốc nhuộm tóc và khuyến cáo cô nên dừng hẳn việc làm đẹp theo cách này nếu không muốn tình trạng tồi tệ hơn có thể xảy ra.

phù mặt vì nhuộm tóc
Cô gái Mỹ bị biến dạng mặt vì nhuộm tóc.

Không chỉ có ở nước ngoài, ở Việt Nam nhu cầu nhuộm tóc khá phổ biến ở cả nam và nữ.

Thông thường, thuốc nhuộm tóc gồm có các thành phần làm sợi protein trong tóc mềm ra, sau đó đưa thuốc vào tẩy màu có sẵn, rồi tiếp tục đưa thêm màu muốn có vào. Các bước này có thể thực hiện riêng rẽ, nhưng cũng có khi làm chung một lần. Hiện công nghệ tiên tiến, thường tất cả quá trình này diễn ra trong một khâu, và càng tiện dụng bao nhiêu thì thuốc càng tổ hợp nhiều hóa chất bấy nhiêu. Khi đó, có rất nhiều thành phần hóa học trong một sản phẩm, nguy cơ gây dị ứng cao hơn và người bị cũng khó biết mình phản ứng với thành phần nào.

Trong khi đó thị trường thuốc nhuộm tóc chất lượng và không chất lượng rất khó kiểm soát. Vì thế thuốc nhuộm tóc kém chất lượng được bày bán rất nhiều vì thế người sử dụng khó tránh khỏi khi sử dụng các mặt hàng thuốc nhuộm tóc có chứa hóa chất công nghiệp…

Theo ThS. BS Doãn Thạch - Bệnh viện Da liễu Hà Nội, hiện nay nhiều chị em đua nhau đi nhuộm tóc nhưng lại không biết thuốc chứa các thành phần gì. Đáng lo ngại nhất là thuốc nhuộm tóc càng rẻ tiền phần lớn được bào chế từ các hóa chất công nghiệp, trong đó nhiều hóa chất bị cấm sử dụng vì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Biểu hiện ban đầu của bệnh nhân bị ảnh hưởng của thuốc nhuộn tóc thường là ngứa dữ dội, nổi mụn nước ở da đầu, chảy nước, đóng vảy, có thể rụng tóc. Không ít bệnh nhân bị lan ra cả vùng mặt, khiến mặt sưng phồng, biến dạng hoặc để lại sẹo thâm đen. Tình trạng có khi kéo dài hàng tháng hay tái đi tái lại nhiều lần. Một số ít có thể gặp biến chứng nhiễm trùng.

Ngay cả thuốc nhuộm tóc chất lượng dù an toàn hầu hết với mọi người nhưng cũng có thể gây họa cho một số người, vì cơ địa của mọi người khác nhau nên có những phản ứng dị ứng khác nhau, thậm chí có thể dẫn đến ung thư và nhiều bệnh khác.

Theo nghiên cứu của Viện Ung thư quốc gia Mỹ, nhuộm tóc càng lâu, dùng màu càng đậm thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng cao. Tỷ lệ ung thư ở phụ nữ dùng thuốc nhuộm tóc cao hơn 50% so với những người không dùng thuốc này. Paraphenylenediamin là loại hóa chất thường được dùng trong thuốc nhuộm tóc. Tại Mỹ, các chuyên gia y tế đã chứng minh rằng Paraphenylenediamin gây dị ứng, chàm, hen, loét dạ dày, làm da mẩn đỏ, nhạy cảm với nắng và có thể gây tử vong nếu ngộ độc nặng.

Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Thụy Điển, những phụ nữ nhuộm tóc thường xuyên trong 20 năm hoặc lâu hơn sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp mạn tính cao gấp đôi so với người không nhuộm tóc. Ngoài ra, thuốc nhuộm tóc có thể gây nên bệnh xơ cứng bì toàn thể, một bệnh khớp khiến da mặt, da tay, thậm chí da toàn thân bị xơ cứng, dày lên khiến bệnh nhân mất khả năng diễn đạt cảm xúc trên gương mặt, có các biểu hiện bệnh về tim mạch, thận, khớp… Các biểu hiện đau khớp, sưng khớp cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh nan y, kết quả của nhiễm độc kéo dài do dùng thuốc nhuộm tóc.

phù mặt vì nhuộm tóc

Lưu ý khi nhuộm tóc

Theo khuyến cáo các chuyên gia da liễu do đó, trước khi nhuộm tóc chị em nên thử phản ứng của thuốc với cơ thể mình trước bằng cách chấm một giọt nhỏ thuốc vào bắp tay, để khô tự nhiên trong vòng 1-2 giờ. Nếu không có dấu hiệu bất thường thì cơ thể bạn không bị dị ứng với thuốc. Nếu xuất hiện triệu chứng ngứa, tấy đỏ, nổi mụn thì cần rửa ngay vùng tay nhỏ thuốc và tuyệt đối không sử dụng thuốc nhuộm tóc đó.

Không được nhuộm tóc khi vùng da ở đầu, mặt, cổ bị tổn thương hay sưng đau.

Phụ nữ trong thời gian hành kinh hay trong thai kỳ tuyệt đối không dùng thuốc nhuộm tóc.

Khi thuốc vào mắt, cần đến bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Những loại thuốc nhuộm tóc khi pha quá 30 phút mà chưa sử dụng phải đổ bỏ. Khi pha thuốc, cần tránh dùng các dụng cụ chứa làm bằng kim loại. Khi nhuộm tóc cũng không nên dùng lược chải bằng kim loại.

theo Afamily/ trí thức trẻ

Tin tức mới nhất