U nang buồng trứng: Hãy coi chừng bạn là người đang mắc phải

U nang buồng trứng là bệnh phụ khoa phổ biến mà phụ nữ có thể gặp ở bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời.

U nang buồng trứng chiếm tỷ lệ khoảng 80% các khối u buồng trứng, có thể gặp ở phụ nữ trong mọi lứa tuổi. Phần lớn các khối u nang ở buồng trứng là lành tính. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm khối u có thể biến thành ung thư buồng trứng gây ảnh hưởng tới khả năng có con, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng phụ nữ.

U nang buồng trứng là tên thường gọi để chỉ một khối phát triển bất thường trên buồng trứng. Khối này có thể là tổ chức (mô) mới khác với tổ chức buồng trứng bình thường (tổ chức/mô tân sinh) hay là sự tích tụ dịch tạo thành một nang trên buồng trứng. U nang buồng trứng có thể phát triển từ các mô của buồng trứng hay từ mô của các cơ quan khác trong cơ thể.

u nang buồng trứng 2
Hình ảnh về khối u nang đang phát triển ở buồng trứng bên phải

Các dấu hiệu của u nang buồng trứng

u nang buồng trứng 1
U nang buồng trứng không dễ phát hiện nhất là ở giai đoạn đầu.
 Ảnh minh họa

- Những cơn đau: Dấu hiệu đầu tiên nghi ngờ bạn bị u nang buồng trứng là những cơn đau. Vấn đề là những cơn đau này có thể khó xác định vì nó có thể xảy ra ở những vị trí tương tự như các bệnh khác gây ra. Chỉ có một biểu hiện chắc chắn liên quan đến u nang buồng trứng là bạn bị đau sau khi quan hệ tình dục hoặc sau các hoạt động vất vả, đau ở vùng xương chậu.

- Kinh nguyệt bất thường: Chu kỳ kinh nguyệt bất thường cũng có thể là một dấu hiệu bạn đang bị u nang buồng trứng. Cũng có nhiều bệnh có thể làm cho chu kì kinh nguyệt thỉnh thoảng không đều nhưng nếu kinh nguyệt thường xuyên rối loạn, cả về thời gian cũng như các đặc điểm của máu kinh (đậm đặc, sẫm đen…) thì bạn nên đi khám bác sĩ, vì có nhiều khả năng đó là do u nang buồng trứng gây ra.

- Đau bụng hoặc cảm giác khó chịu trong âm đạo: Nếu thấy lâm râm đau trong bụng hoặc âm đạo, đừng vội nghĩ bạn đã mang thai. Hãy nghĩ rằng đó có thể dấu hiệu của một u nang đã hình thành trong buồng trứng.

- Đau hoặc tức vùng bụng, hoặc cảm giác đầy bụng: Nếu bạn cảm thấy như có một trọng lượng đè xuống ở vùng bụng khiến bạn khó thở, đặc biệt gần khu vực xương chậu thì đừng bỏ qua khả năng do u nang buồng trứng gây ra.

Ngoài ra, khi bị u nang buồng trứng, nhiều chị em còn thấy xuất hiện các dấu hiệu sau: Xuất huyết âm đạo bất thường, đau vùng chậu (bụng dưới và hai hố chậu) liên tục hoặc từng cơn, có thể lan ra sau lưng hoặc xuống hai đùi, đau khung chậu khi giao hợp, nôn, buồn nôn... Nếu u nang lớn có thể gây chèn ép trực tràng hoặc bàng quan làm rối loạn tiểu tiện.

Các dạng u nang buồng trứng thường gặp:


Nang lạc tuyến buồng trứng: Hay gọi đúng hơn là lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng. Nội mạc tử cung là lớp màng trong của tử cung, gồm 2 phần, phần nền hầu như không thay đổi và phần tăng trưởng là phần sẽ thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt, trong quá trình mang thai và khi sinh nở.

Thông thường, theo chu kỳ kinh nguyệt, phần tăng trưởng này sẽ phát triển ngày càng dày lên, tích tụ nhiều chất dinh dưỡng nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để trứng thụ tinh sẽ đến làm tổ khi có thai. Gần hết chu kỳ kinh, do thay đổi nội tiết tố sinh dục nữ, lớp tăng trưởng này sẽ bong ra và tạo ra hiện tượng hành kinh, sau đó, phần này lại tiếp tục tăng trưởng vào chu kỳ kinh sau và cứ thế duy trì suốt giai đoạn tuổi sinh sản.

Trong bệnh lý lạc nội mạc tử cung, nội mạc tử cung sẽ hiện diện ở nhiều nơi khác ngoài lòng tử cung như trong ổ bụng, tại vòi trứng, tại buồng trứng, hoặc bám trên thành ruột v.v… Mặc dù nằm lạc chỗ nhưng các phần nội mạc này vẫn bị ảnh hưởng bởi nội tiết tố sinh dục nên vẫn phát triển dày lên, cương tụ rồi bong ra và gây xuất tiết vào ngày hành kinh.

Tuy nhiên, dịch xuất tiết và xuất huyết từ đám nội mạc này sẽ không được tống ra ngoài như máu kinh mà bị tích tụ lại tại chỗ và ngày càng nhiều lên. Khối lạc chỗ sẽ ngày càng to ra và tạo thành các khối nang chứa dịch, máu và nội mạc tử cung. Nguyên nhân của bệnh cho tới nay vẫn còn chưa rõ ràng, được giải thích là do nội mạc tử cung khi sinh ra đã có mặt ở các vị trí bất thường, hoặc do hiện tượng nội mạc bong ra khi hành kinh đã đi ngược dòng từ lòng tử cung trở ngược ra vòi trứng và có mặt tại các nơi khác trong ổ bụng.

U bì buồng trứng: Đa số là u lành. Tổ chức u là tổ chức phát triển từ mô thượng bì trong thời phôi thai. Khi phẫu thuật sẽ thấy bên trong khối u có chất bã đậu vàng, nhiều lông tóc, xương, răng…

Ung thư buồng trứng: Ung thư buồng trứng cũng được xếp vào trong các dạng đặc biệt của u nang vì tính chất ung thư chỉ biết được sau khi phẫu thuật, còn trước đó, khi thăm khám vẫn chẩn đoán là u nang. Ung thư buồng trứng có thể phát triển trên mọi độ tuổi và thường được phát hiện trễ do triệu chứng của khối u buồng trứng thường rất mơ hồ. Hơn nữa, vị trí của buồng trứng tiếp xúc nhiều với ổ bụng, do đó thường có di căn xa từ rất sớm.

Tại sao chị em dễ bị u nang buồng trứng?

TheoPGS.TS Nguyễn Văn Hiếu,Phó giám đốc bệnh viện K: "Khối u phụ khoa gặp rất nhiều ở chị em phụ nữ Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Đặc biệt, rất nhiều phụ nữ trẻ hiện nay đã có khối u ở buồng trứng, có thể u nang, có thể u đặc, có thể u ác tính ở buồng trứng". Qua đó có thể thấy u nang buồng trứng có thể gặp ở bất kì đối tượng nào, bao gồm cả những chị em đã từng hoặc chưa có quan hệ tình dục, đã có gia đình hay còn độc thân.

U nang buồng trứng được chia làm 2 loại là: u cơ năng và u thực thể.

- U cơ năng thường chỉ gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Nguyên nhân dẫn đến khối u này là do chu kỳ kinh không phóng noãn, qua nhiều chu kỳ nang noãn tăng dần kích thước thành u nang buồng trứng.

- U thực thể gặp ở tất cả phụ nữ, từ những em bé gái chưa dậy thì cho đến phụ nữ sau khi mãn kinh. Khối u to lên từ buồng trứng có thể là do viêm nhiễm, khối u lạc nội mạc tử cung hoặc khối u biểu mô, u tế bào mầm và u mô đệm...

Biến chứng thường gặp ở những trường hợp u nang buồng trứng như sau:

- Xoắn cuống khối u (gây đau bụng dữ dội)

- Vỡ u (ngoài đau bụng, còn gây xuất huyết nội)

- Chèn ép các cơ quan lân cận như đường tiêu hoá (gây rối loạn tiêu hoá), đường tiết niệu, bọng đái (gây khó tiểu, bí tiểu)…hoặc hóa thành u ác tính…

Chữa u nang buồng trứng như thế nào?


Có rất nhiều cách để chữa u nang buồng trứng. Tuy nhiên phụ thuộc nhiều vào kích thước, các dạng nang, lứa tuổi và tình trạng sức khoẻ của phụ nữ, cũng như các biểu hiện nghiêm trọng của u nang buồng trứng. Chữa bệnh này, tất nhiên cần phải được các bác sĩ chẩn đoán, sau đó tiến hành các phân tích cần thiết.Tuy nhiên, thăm khám hay làm xét nghiệm không thể xác định được khối u nào là lành tính hay ác tính. Tính chất lành/ác chỉ có thể được nhận biết sau khi phẫu thuật và lấy khối u đem đi xét nghiệm giải phẫu bệnh.

Đối với u nang buồng trứng lành tính thường là sau phẫu thuật bệnh sẽ dứt điểm, cách phẫu thuật này không làm triệt sản. Phụ nữ lớn tuổi (đã có đủ con, hay sau tuổi mãn kinh) bác sĩ thường áp dụng biện pháp cắt bỏ khối u lẫn tử cung và phần phụ còn lại.

Còn với nhóm u nang buồng trứng ác tính, cũng có nhiều phương pháp khác nhau trong điều trị. Phẫu thuật cắt bỏ trọn khối u, đồng thời làm xét nghiệm tìm tế bào ung thư di căn được áp dụng cho phụ nữ trẻ, hoặc chưa có đủ số con. Đối với phụ nữ lớn tuổi (đã có đủ con), ngoài việc cắt bỏ khối u, còn cắt cả tử cung và cả phần phụ của bên còn lại.

Nên nhớ rằng, khi chữa u nang buồng trứng không nên bỏ lỡ thời gian. Điều này đặc biệt quan trọng với những phụ nữ muốn mang thai.

Khám phụ khoa định kì là cách tốt nhất để sớm phát hiện u nang buồng trứng.

Theo Web Phụ nữ

Tin tức mới nhất