Sự thật trần trụi sau những kiệt tác hội họa ám ảnh người xem

Đằng sau mỗi bức họa đầy ám ảnh của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới là câu chuyện khắc khoải, bi thương về cuộc sống thực.

Hội họa cũng như văn chương không chỉ đơn thuần là các tác phẩm nghệ thuật để người ta thưởng thức, mà còn được biết tới như cuốn hồi ký nơi mỗi nghệ sĩ đều gửi gắm câu chuyện đời tư hay cái nhìn về thế sự vào mỗi con chữ, nét vẽ.

Trong dòng hội họa thế giới, có những tác phẩm mang tính cách mạng, có sức ảnh hưởng sâu rộng tới con người, thậm chí làm thay đổi tư tưởng và suy nghĩ của cả một thế hệ. Những tác phẩm ấy đã đi vào lòng người, không chỉ tạo nên tên tuổi cho nghệ sĩ mà còn khiến người ta phải nhớ tới sự kiện trong tranh như một cột mốc lịch sử.

Phiên bản bóp méo chân dung Giáo hoàng Innocent X, 1953

Sự thật trần trụi sau những kiệt tác hội họa ám ảnh người xem-1

Bức tranh Study after Velazquez's Portrait of Pope Innocent X (1953) của danh họa Ai-len Francis Bacon (1909 - 1992) là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của ông gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn. Đây là phiên bản bóp méo từ bức họa Portrait of Innocent X (tạm dịch là Chân dung Giáo hoàng Innocent X) của họa sĩ Tây Ban Nha Diego Velázquez, năm 1950.

Francis Bacon được người ta biết tới là họa sĩ của nỗi thống khổ và ám ảnh. Những tác phẩm của người nghệ sĩ này được bán với giá đắt đỏ và được người thường thức mỹ thuật yêu thích bởi nó đẹp và sâu. Một chuyên gia từng nhận xét rằng: "Francis Bacon là người họa sĩ vẽ những bức tranh đáng sợ".

Tranh của Bacon có thiên hướng trừu tượng và đi sâu vào khai thác nỗi khổ cũng như sự giằng xé nội tâm của con người. Mỗi nét phác thảo của Bacon đều mang tới cho người xem sự dữ dội, ám ảnh và tò mò. Bức tranh Giáo hoàng Innicent X là một ví dụ điển hình.

Sự thật trần trụi sau những kiệt tác hội họa ám ảnh người xem-2
"Study after Velazquez's Portrait of Pope Innocent X" mang tới cho người xem sự ám ảnh không dứt về nỗi đau đớn của Giáo hoàng trong tranh

Đây là bức tranh sơn dầu trong hàng loạt tác phẩm trừu tượng về các vị Giáo hoàng mà Bacon đã dành 20 năm cuộc đời để vẽ.

Sinh thời, ông từng chia sẻ rằng: "Loạt tranh ấy thật ngớ ngẩn" nhưng ít ai ngờ rằng bức tranh vị Giáo hoàng này lại được đem ra đấu giá với khoản tiền thu về rất cao. Năm 2012, tại cuộc đấu giá ở New York, bức tranh được bán với giá trên 20 triệu USD (gần 500 tỉ đồng).

Ở tác phẩm của mình, Bacon biến hình ảnh tôn giáo trở nên đáng sợ, thông qua đó nói về sự độc ác của con người. Trong tranh, ông mô tả vị Giáo hoàng đang la hét trong một không gian tối, xung quanh là sự im lặng đến đáng sợ. Chính sự đối lập giữa con người và cảnh trong tranh càng làm nổi bật sự đau đớn, giằng xé của nhân vật. 

Thời điểm đó, danh họa này đã nổi tiếng với những tác phẩm miêu tả góc khuất của con người: sự tăm tối, gian xảo hay nỗi đau giằng xé tâm can. Ông được xem là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20. Năm 1985, Francis Bacon đoạt giải thưởng Mĩ thuật quốc tế Emmy Award.

Ngày 3/5/1808 - The Third of May, 1808

Sự thật trần trụi sau những kiệt tác hội họa ám ảnh người xem-3

Nằm trong top 10 bức tranh vĩ đại nhất về chiến tranh, Third of May, 1808 (tạm dịch là Ngày 3/5/1808) được hoàn thành năm 1814 của họa sĩ nổi tiếng người Tây Ban Nha, Francisco Goya (1746 - 1828) mô tả cuộc xâm lược Tây Ban Nha của Napoleon.

Trong tranh, Goya tái hiện lại cảnh lính Pháp hành quyết những người đàn ông Tây Ban Nha trên ngọn đồi Prícipe Pío. Hình ảnh người đàn ông vận đồ trắng tay giương cao lên như Chúa Giê-su khi bị đóng đinh nổi bật trong tranh thể hiện sự đối nghịch giữa lính Pháp và Tây Ban Nha: một bên hung tợn, bất nhân còn bên kia hy sinh và quả cảm.

Đây là bức tranh nằm trong hàng loạt tác phẩm về thảm họa chiến tranh của Francisco Goya, mặc dù trước đó ông chỉ chuyên phác thảo chân dung quý tộc và sống nhờ sự bảo trợ của họ.

Third of May, 1808 cũng được xem là bước ngoặt lớn trong phong cách hội họa của ông. Nhờ sự đột phá trong tư tưởng và nghệ thuật này mà những tác phẩm của Goya thật sự ghi dấu trong lòng người xem và tạo nên tiếng vang cho ông. Về sau, Francisco Goya được tôn vinh như cha đẻ của hội họa hiện đại.

Thời điểm đó, Goya thấy bất mãn với chiến tranh và ông đã gửi gắm nỗi niềm thế sự của mình vào các bức vẽ. Loạt tranh phản ánh mặt trái của tham vọng chính trị, sự tàn khốc của chiến tranh bắt đầu được Francisco Goya vẽ từ năm 1808 - ngay sau khi Napoleon xâm chiếm Tây Ban Nha; tuy nhiên được giấu kín mãi sau này mới công bố.

Hiện Third of May, 1808 được treo trong bảo tàng Prado, Madrid.

LEO
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/su-that-tran-trui-sau-nhung-kiet-tac-hoi-hoa-am-anh-nguoi-xem-ky-1-n-132481.html

lịch sử thế giới nghệ thuật

Tin tức mới nhất