Nghĩ kế tiết kiệm khi chi phí sinh hoạt tăng giá

Đang định giục ông xã thay hai cái bóng đèn hỏng thì giá điện tăng, chị Hoa (quận 7, TP HCM) quyết định ngắt bớt hệ thống đèn để giảm chi phí.


Ghi chép những món chi tiêu trong gia đình
là cách được nhiều chị em sử dụng khi thực hiện chính sách tiết kiệm


Tháng 7, nhìn hóa đơn điện hơn 350.000 đồng, chị vui mừng bao nhiêu vì giảm được gần 200 nghìn đồng so với mấy tháng trước nhờ Sài Gòn vào mùa mưa, không phải dùng điều hòa. Bây giờ, thấy giá điện tăng 5% chị lại buồn. Tháng 8, tiết kiệm thế nào thì chắc chị cũng phải đóng hơn 400.000 đồng mỗi tháng.

Ai đến nhà chị Hoa cũng ấn tượng vì hệ thống đèn điện giăng khắp nhà, ổ điện ở khắp nơi. Nhà chị Hoa có 3 tầng, 5 phòng, phòng nào cũng lắp đặt ít nhất hai bóng đèn và các loại quạt, mặc dù chỉ dùng đến một nửa số bóng đèn và quạt máy. Cô con gái út 4 tuổi thích ngắm đèn màu và quạt quay, cứ tranh thủ bố mẹ không để ý là lại bật hết các công tắc lên để xem.

Sau khi điện tăng giá, chị Hoa đã về nhà quán triệt ba bố con nghiêm túc thực hiện chính sách tiết kiệm, cô út được cảnh cáo bật điện lung tung là ăn đòn ngay. Chị in mấy tờ A4 nhắc nhở “Ra khỏi phòng nhớ tắt đèn và quạt” dán ở cửa các phòng. Cái chuông cổng ít dùng tới cũng được chồng chị tháo ra, vừa đỡ tốn điện vừa đỡ bị trẻ con bấm nghịch. Chế độ điện ở tủ lạnh bây giờ cố định ở mức "min", khi nào cần làm đá gấp chị mới cho bấm sang mức "max" vài phút. Hôm nào nóng quá, bật điều hòa ngủ cũng chỉ để từ 25 độ C trở lên và một tiếng sau khi cả nhà ngủ say là điều hòa tự động tắt. Cái bể cá cũng bị cắt chế độ bật đèn nhấp nháy. Thậm chí chị còn dự định cắt nốt thuê bao truyền hình cáp khi cả gia đình có thể đọc thông tin và xem phim trên mạng internet.

Ngoài tiết kiệm điện, chị Hoa cũng đang đau đầu tìm cách tiết kiệm các khoản khác khi mà thời gian gần đây, một loạt mặt hàng thiết yếu thi nhau tăng giá. Giữa tháng 7, xăng dầu tăng thêm 500 đồng/lít, sau 2 lần tăng hồi tháng 6. Tính ra để đổ đầy bình xăng chiếc xe Future chị mất hơn 80.000 đồng mà chỉ đi làm được nửa tuần. Ga đun nấu cũng tăng, một bình ga 12kg bán lẻ vừa tăng thêm 8.000 đồng. Các mặt hàng khác cũng bị tiểu thương ở chợ liên tục "dọa" tăng giá lấy lý do tiền vận chuyển tăng.

Theo một chuyên gia của Tổng cục Thống kê, tháng 8 này có nhiều yếu tố làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (bao gồm điện, xăng dầu, cộng thêm mưa bão, khai giảng năm học mới, giá thực phẩm, dịch vụ y tế cũng đang nhúc nhích tăng lên...).

Chị Thùy Trang (Nhà Bè, TP HCM) đã thực hiện chính sách tiết kiệm từ năm ngoái khi thu nhập của hai vợ chồng cùng giảm. Tuy nhiên, bây giờ, gia đình chị càng phải thắt lưng buộc bụng hơn. Bình thường, mỗi tháng chị đưa các con về quê ngoại ở Tây Ninh một lần, nhưng hiện giảm xuống còn hai tháng một lần. Các chương trình vui chơi cuối tuần của gia đình cũng bị cắt giảm tối đa. Chỉ khi nào có thành tích gì, các bé mới được bố mẹ thưởng cho đi chơi ở các khu thiếu nhi. Theo chị, thứ bảy, chủ nhật đưa con vào trung tâm thành phố hóng gió cũng tốn tiền xăng, chưa kể bé còn vòi vĩnh ăn kem hay mua bóng bay, chong chóng dọc đường.

Từ hôm giá xăng tăng, chị đã hạn chế đi xe tay ga (Attila), dùng con Wave cũ của chồng để đi làm, còn chồng đi xe công ty đưa đón nhân viên.

Chị cũng quay trở lại với những cách tiết kiệm cổ điển hơn như sắm một bếp than tổ ong dự phòng trong nhà, không mua thực phẩm, rau quả quá đắt tiền, chế biến món ăn ngày càng đơn giản, chủ yếu là luộc và xào để tiết kiệm dầu ăn và gas. Nước thì tái sử dụng nhiều lần, ví dụ tắm xong, rửa rau xong thì để lau nhà, dội nhà vệ sinh. Chị xác định tiết kiệm nhưng không keo kiệt bủn xỉn, vẫn đảm bảo sức khỏe cho vợ chồng con cái.

Rồi chị khoe, chị đã lập một cuốn sổ, ghi chép tỉ mỉ những món chi tiêu trong ngày. Cuối tháng chị sẽ tổng kết xem có món nào tiêu không hợp lý thì sẽ điều chỉnh cho phù hợp.

Theo chuyên gia các vấn đề hôn  nhân gia đình Trần Thị Hồng Hà (tổng đài 1088 TP HCM), trước tình hình giá cả đều gia tăng, trước hết vợ chồng nên tránh gây hấn với nhau khi bàn về các vấn đề chi tiêu, bởi bản thân giá cả tăng, tình hình tài chính eo hẹp dễ khiến nhiều người mệt mỏi, có tâm lý tiêu cực. Cả nhà, bố mẹ và con cái nên ngồi lại với nhau, thống nhất thực hiện chính sách tiết kiệm. Và các bà vợ, những người "tay hòm chìa khóa" trong gia đình nên xác định rõ những khoản nào có thể tiết kiệm trước khi mang ra thống nhất cùng chồng con, rằng mẹ nên tiết kiệm những khoản nào, con nên tiết kiệm những khoản nào và bố nên tiết kiệm những khoản nào.

Về phía người phụ nữ, nếu muốn tiết kiệm, chuyên gia khuyên nên hạn chế đi chơi, hạn chế mua sắm. Chỉ mang ít tiền và nên mang theo danh sách những món hàng cần mua, nhất là khi đi siêu thị để tránh việc ham rẻ, ham đẹp mua những món đồ không cần thiết… Bên cạnh đó, trong gia đình cũng nên thực hiện chính sách tiết kiệm điện, nước.

Chị em cũng nên bỏ thời gian tính toán lượng thức ăn mỗi bữa của gia đình để mua vừa đủ. Khi chúng ta đi chợ, người bán hàng thường hay chèo kéo ta mua nhiều hơn dự định. Chị em cả nể mua hết rồi về nhà ăn dư, bỏ đi thì tiếc mà giữ lại thì bữa sau ăn không ngon, chưa kể tốn điện và nhiêu liệu bảo quản, chế biến lại. Vì thế, các bà nội trợ nên kiên quyết chỉ mua đúng số lượng dự định của mình.

Ngoài ra, chị em cũng nên cân đối lại ngân sách mua sắm quần áo, làm đẹp của bản thân. Rất nhiều người cầu kỳ, mua nhiều giày dép để "ton sur ton" với từng bộ váy áo. Theo bà Hà như thế là hơi lãng phí, bởi vì ta hoàn toàn có thể chọn mua những đôi giày đen mà vẫn có thể kết hợp rất đẹp với nhiều loại trang phục khác nhau.

Tiết kiệm không có nghĩa là keo kẹt, bủn xỉn. Theo bà, với những khoản nào cần thiết thì chúng ta vẫn phải sử dụng. Kể cả những vật dụng lớn trong gia đình, nếu máy giặt, bếp ga hỏng thì đương nhiên phải thay, nhưng những thứ không quá thiết yếu như tủ, bàn ghế thì có thể trì hoãn.

Người vợ đòi hỏi mọi thành viên trong gia đình tiết kiệm thì bản thân cũng phải tiêu pha hợp lý. Vợ cũng đừng nhân cơ hội chồng đi nhậu về chì chiết rồi bắt tiết kiệm này nọ, như thế chắc chắn sẽ xảy ra cãi cọ, mà nên chọn thời điểm phù hợp và thái độ tích cực để đưa ra thảo luận cùng cả nhà.

Con cái cũng nên tiết kiệm bằng cách hạn chế tiền tiêu vặt. Mỗi tháng dù chỉ bớt đi 50.000 đồng nhưng cũng giúp các bé có ý thức tiết kiệm.

Các ông chồng thường tốn tiền nhất ở khoản thuốc lá và đặc biệt là nhậu nhẹt. Khi tham gia các cuộc nhậu, đàn ông thường khó tiết kiệm vì sợ bị trêu, thậm chí hay nổi hứng, sĩ diện, trả tiền cho nhau. Có những ông chồng ra ngoài chi tiêu rất thoáng tay, đến lúc về nhà hết tiền, bắt đầu so đo với vợ. Vì thế trong chiến dịch tiết kiệm của gia đình, các ông chồng nên hạn chế nhậu nhẹt và cũng hạn chế cho vay mượn. Nếu đã hứa góp cho vợ bao nhiêu tiền nhà mỗi tháng thì nên đưa ngay khi vừa lĩnh lương, đừng để cầm tiền trong ví, tiêu quá tay, rồi chẳng còn đồng nào đưa vợ.

Theo VnExpress

Tin tức mới nhất