Thầy Trần Mạnh Tùng: 'Tôi đã khóc khi làm đề thi Toán'

Thầy Trần Mạnh Tùng thử làm đề Toán THPT quốc gia 2018 với 50 câu trong 90 phút. Khi hết thời gian, giáo viên này vẫn còn 5 câu chưa giải được.

Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - chia sẻ trên Facebook câu chuyện ông không thể làm hết đề Toán trong 90 phút, thu hút sự chú ý trên mạng.

Chia sẻ với Zing, thầy Tùng cho rằng đề thi khó sẽ tác động ngược đến việc dạy và học. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Làm vật vã 90 phút không xong đề thi Toán

Sau khi kết thúc thời gian thi môn Toán THPT quốc gia, tôi đã làm mã đề 106. Tôi trừ 35 phút cho 35 câu đầu vì các đề thi tương tự tôi làm hết các câu trong khoảng thời gian đó. Từ câu 36 đến 40, tôi mất 30 phút, trong đó có câu mất 5 phút, có câu mất 10 phút.

Tôi tiếp tục làm từ câu 41 đến câu 45 trong trạng thái rất căng thẳng và mất 30 phút. Làm xong câu 45 thì đã hết thời gian.


Chia sẻ của thầy giáo Trần Mạnh Tùng nhận được hơn 39.000 like (thích). Ảnh chụp màn hình.

Nhìn 5 câu toán còn lại, tôi bật khóc vì thương các em, thế hệ học sinh lứa 2000. Tôi là giáo viên đã va chạm nhiều với đề thi mà còn trải qua cảm xúc này, không biết các em ở lứa tuổi 18 sẽ nghĩ như thế nào?

Tôi thương các em đã quần quật cả năm trời nhưng đề Toán làm khó các em quá. Đề thi dài, nhiều câu như bài tự luận ngày xưa, làm hùng hục cũng mất 10 phút mới xong. Đề dài thì không tuyển được người giỏi.

Học sinh nếu mất 45-60 phút cho 30 câu đầu, chỉ có thể là... Tôn Ngộ Không mới "quật" được 15 câu tiếp theo trong khoảng hơn 30 phút còn lại.

Đề thi có 10 câu cuối khó và có yếu tố lạ, gây khó khăn cho học sinh. Độ khó cũng tăng lên rất nhiều so với đề thi THPT quốc gia 2017 (chỉ có khoảng 5 câu thực sự khó, khoảng 15 câu bấm máy tính ra đáp số, rất nhiều câu có thể thử lại đáp án).

Đề Toán năm 2018 rất ít câu bấm máy tính ra ngay đáp số. Đề cũng hạn chế câu hỏi có thể làm ngược (thử lại đáp số).

Một số câu hỏi thực tế có điểm chưa hay vì chỉ là câu bịa ra, thiếu tính thực tế và kiểm nghiệm khoa học. Các câu này chưa đòi hỏi tư duy gì nhiều mà chỉ áp dụng công thức có sẵn.

Với những điểm trên, tôi thương các em vì đây mới là môn thứ hai. Gần một triệu thí sinh sẽ mất tinh thần, ảnh hưởng tiêu cực đến các môn tiếp theo.

Đề không phù hợp kỳ thi "hai trong một"

Không chỉ có tôi, nhiều học sinh sinh năm 2000 thất vọng và một số em bật khóc sau khi bước ra cổng trường. Có ý kiến cho rằng đề khó hay dễ không quan trọng, bởi "khó chung, dễ chung", nhưng đó chỉ là một phần.


Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên Toán trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Những đồng nghiệp của tôi chia sẻ trên báo chí và mạng xã hội rằng đây là đề hay, vừa sức thì tôi không hiểu họ đóng vai học sinh hay các thầy đi thi? Tôi không hiểu các thầy nhận xét khách quan hay tự nâng mình lên? Tôi không biết các thầy đã xắn tay để làm chưa? Bên dưới là những bình luận tuyệt vọng.

Sâu xa hơn, đề thi khó sẽ tác động sâu hơn với những người trong cuộc. Học sinh lứa 2001 và giáo viên sẽ gặp áp lực lớn để ôn tập sao cho phù hợp đề thi.

Để tham gia kỳ thi THPT quốc gia, các em phải làm ít nhất 6 môn thi. Kỳ thi năm 2019 dự kiến có thêm cả kiến thức lớp 10. Nếu đề bài tương tự thế này, các em chắc chắn sẽ bị quá tải, đạt 7-8 điểm cũng phải học thêm bạc mặt.

Đề thi cổ súy cho việc học thêm vô tội vạ ngoài nhà trường. Điều này cả xã hội không ai mong muốn, đi ngược tinh thần giảm áp lực học tập và thi cử.

Ngoài ra, đề thi năm nay khiến học sinh khá, giỏi cũng không đủ thời gian làm bài, chỉ số ít học sinh trường chuyên lớp chọn mới làm được. Một đề thi như vậy không phù hợp kỳ thi có mục đích "hai trong một".

Nói một đằng, làm một nẻo?

Năm 2016, một thứ trưởng GD&ĐT nói thí sinh chỉ cần học trong SGK là làm được bài. Nếu học như vậy, tôi đoán học sinh không vượt qua mốc 3 điểm với đề thi năm nay. Giữa kiến thức trong SGK và nội dung của đề bài là "một trời, một vực".

Ngày 24/1, Bộ GD&ĐT đưa ra đề minh họa rất khó. Các trường, trung tâm đua nhau ra đề khó. Có những câu đọc lời giải chi tiết, đến thầy cũng không hiểu. Đáng tiếc, đề của Bộ GD&ĐT lại dựa trên những "tinh túy" ấy.

Ngày 27/4, đại diện Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT - nói đề thi chính thức sẽ được điều chỉnh độ khó so với đề tham khảo để sát với năng lực học sinh. Nhưng thực tế, đề thi thật lại khó hơn đề minh họa.

Bộ GD&ĐT cần nhìn nhận đề thi năm nay rất khó và nên giảm độ khó, chứ không phải cách nói "khó là chuyện đương nhiên" như trong buổi họp báo sau kỳ thi.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần công bố đề thi minh họa sớm cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 ngay từ bây giờ để xã hội không bị áp lực. Năm 2017, Bộ GD&ĐT giới thiệu 3 đề thi minh họa, thử nghiệm, tham khảo, học sinh và giáo viên rất thuận lợi ôn tập. Năm 2018, bộ rút xuống chỉ còn một đề thi khiến giáo viên và học trò lúng túng.

Bộ cũng cần công bố rõ cấu trúc của đề thi, bởi nếu học mà không có cấu trúc sẽ gian truân vô cùng, không hiệu quả. Từ trước đến nay, các kỳ thi quốc tế đều có cấu trúc rõ ràng, công khai và minh bạch. Còn kỳ thi của chúng ta lúc nào cũng học tất cả kiến thức, nếu không sẽ là "cắt xén chương trình".

Nếu những nhược điểm trên không được khắc phục, năm học tới, thầy và trò lứa 2001 sẽ "bạc mặt" ngay từ đầu năm học, rồi cũng... chẳng để làm gì.


"Đề thi năm nay khó quá, em chắc sẽ đỗ... trường đời": Nhiều thí sinh đã có những chia sẻ khá hài hước sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia căng thẳng. Một số em cho rằng đề thi khó quá và đại học không phải con đường duy nhất.

Theo Zing


Thi THPT quốc gia

Tin tức mới nhất