Cấm thi đấu 4 năm với VĐV điền kinh dính doping

Kể từ năm 2015, Hiệp hội điền kinh thế giới (IAAF) sẽ cấm thi đấu 4 năm đối với bất cứ VĐV nào bị kết tội sử dụng doping trong thi đấu.

IAAF đã cắt giảm lệnh cấm từ 4 năm xuống 2 năm vào năm 1997 cho phù hợp với các cơ quan thể thao quốc tế khác. Nhưng họ đã quyết định khôi phục lại lệnh cấm dài hơi này sau khi một loạt VĐV tên tuổi bị phát hiện dùng doping.


Doping hiện nay là vấn nạn đối với mọi môn thể thao.

Tháng trước, 2 trong 4 người đàn ông chạy nhanh nhất hành tinh là Asafa Powell và Tyson Gay đã phản ứng dương tính với chất cấm. VĐV chạy nước rút người Jamaica từng đoạt HCV Olympic Sherone Simpson cũng dương tính với chất lợi tiểu. Đầu tháng này, Liên đoàn điền kinh Thổ Nhĩ Kỳ cấm thi đấu 2 năm đối với 31 VĐV do phát hiện dùng doping, trong đó có VĐV ném tạ xách đoạt huy chương Olympic Esref Apak.

Sergey Burka, cựu VĐV nhảy sào huyền thoại, hiện đang là phó chủ tịch IAAF cho biết việc gia tăng án phạt là biện pháp cần thiết để đem lại sự trong sạch cho điền kinh: “Chúng ta phải khắc nghiệt, phải mạnh mẽ, đó là cách duy nhất để đem đến thành công”, Burka cho biết.

Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) cũng để ngỏ khả năng cấm thi đấu 4 năm đối với các VĐV sử dụng doping ở các môn khác. Trước thềm giải điền kinh vô địch thế giới diễn ra tại Nga, WADA sẽ tăng cường hơn nữa việc xét nghiệm doping.

Theo đó các VĐV trước khi thi đấu đều được xét nghiệm máu để kiểm tra hộ chiếu sinh học, xem có bất thường gì trong máu hay không. 3 VĐV về đầu ở các nội dung sẽ bị kiểm tra nước tiểu. Bên cạnh đó là việc kiểm tra nước tiểu ngẫu nhiên, đột xuất với bất cứ VĐV nào.


Tyson Gay và Asafa Powell là 2 tên tuổi lớn nhất của điền kinh bị phát hiện dính doping.

Doping bây giờ đã trở thành vấn nạn nhức nhối trong làng thể thao, không chỉ bó hẹp ở môn điền kinh. Lance Armstrong, huyền thoại đua xe đạp bị tước 7 danh hiệu vô địch Tour de France do dùng doping hết sức tinh vi. Tiếp đến là bê bối của một số VĐV điền kinh hàng đầu. Chưa kẻ mới đây, siêu sao bóng chày người Mỹ Alex Rodriguez bị cấm thi đấu đến 211 trận do dính đến bê bối doping.

Có một con số đáng lưu ý đó là chỉ 1% số VĐV được kiểm tra hàng năm bị phát hiện có dùng doping, tỷ lệ tương đương với năm 1985 dù công nghệ đã rất hiện đại. WADA năm ngoái đã phải thành lập một nhóm nghiên cứu đặc biệt tại sao việc gian lận doping lại khó phát hiện đến thế.

Theo Tri Thức

Tin tức mới nhất