Cúp C1 có bị thống trị bởi tiền?

Tứ kết Champions League mùa này giống như một cuộc “chiến tranh” giữa các giá trị truyền thống và kim tiền. Vậy thì đâu sẽ là giá trị thống trị châu Âu?

Thời của kim tiền

Hai trong số 8 đội bóng mạnh nhất lục địa già thời điểm này, PSG và Malaga, thuộc quyền sở hữu của cùng một ông chủ: các gia đình Hoàng thân của Qatar.

Tiền dầu mỏ loang nhanh hơn ta tưởng. Các ông chủ đến từ Abu Dhabi của Manchester City sẽ còn chi tiêu mạnh tay hơn nữa trong mùa hè này để giương buồm chinh phục châu Âu mùa sau. Roman Abramovich, một tỷ phú dầu mỏ sừng sỏ khác, đã chi ra một tỷ USD trong 10 năm, cho đến khi Chelsea đăng quang ở Champions League mùa trước, và không có dấu hiệu gì cho thấy cái vung tay ấy sẽ hạ xuống dưới trán trong tương lai gần. Chelsea bị loại sớm mùa này thậm chí sẽ khiến cái dốc hầu bao trở nên nôn nóng hơn.

Cơn sốt tiền đang làm điên đảo tất cả. Đến cả một CLB có lịch sử 107 năm như Galatasaray và không hề nổi tiếng với chuyện chi tiêu, cũng chấp nhận trả cho hai ngôi sao đã qua sườn dốc sự nghiệp là Drogba và Sneijder gần 10 triệu euro/ mùa (tính cả phí lót tay và tiền thưởng ra sân). Đội bóng hay nhất thế kỷ XX Real Madrid hiện tại cũng là sản phẩm của chiến dịch “Galacticos 2.0” được khởi xướng hai mùa gần đây.

Bong bóng tiền được bơm căng quá, ngay cả khi Luật công bằng tài chính do UEFA ban hành sắp chính thức có hiệu lực. Và khi cái ngọn làm mờ mắt, đa số quên đi cái gốc của họ. Các đội bóng được bơm tiền bắt đầu xao lãng đào tạo trẻ và kinh doanh một cách bất hợp lý. Tất nhiên, dùng tiền không có gì xấu, nhưng không đốt cháy giai đoạn bằng tiền vẫn tốt hơn.


PSG gặp Barca là cặp đấu giữa kim tiền và truyền thống

Ai bảo vệ giá trị cốt lõi của bóng đá?


Trong khi đa số chạy theo con đường dễ dàng ấy, thì vẫn có những kẻ kiên định với lối đi của mình, và tuyệt vời hơn, thành công với nó. Bóng đá Đức, với hai đại diện ưu tú là Bayern và Dortmund, đang giữ lấy cánh cổng đầu tiên bảo vệ cho những giá trị cốt lõi. Juventus đang giúp sức cho họ, và ở cánh cổng cuối cùng, Barcelona, thành trì cuối cùng, đang ở đó. Vững chãi và đáng tin cậy.

Có những đau đớn và trả giá gieo mầm cho tương lai. Juventus hồi sinh từ Calciopoli cách đây hơn nửa thập kỷ, con quái vật hình thành từ những gian dối của họ đã suýt nuốt chửng lấy thiết chế vĩ đại ấy. Dortmund bò lên từ bờ vực cái chết vào năm 2005, sau một giai đoạn vung tiền không kém gì những đội bóng giàu có nhất hiện tại. Những năm cuối của thập niên 90 thế kỷ trước, Bayern bị biến thành một đội bóng xa hoa và xuất hiện trên mặt báo vì đời tư hơn là vì thành tích sân cỏ.

Đến cả Barcelona vĩ đại cũng từng rơi từ đỉnh cao xuống vực thẳm: Thất bại 0-4 trước Milan ở chung kết Champions League năm 1994 đã làm tan rã “Dream Team 1.0”, một đội bóng mạnh, nhưng thiếu một lý tưởng chung và đầy rẫy mâu thuẫn. HLV Johan Cruyff bất đồng với Michael Laudrup. Stoichkov ghét Romario. Và cả đội chỉ hạnh phúc bên nhau khi còn biết chiến thắng, chứ không biết thông cảm và sát vai nhau khi thua trận.

“Dream Team 2.0” của Barcelona thực sự thống nhất dưới một triết lý được hoàn thiện trong hơn 20 năm, kể từ khi Johan Cruyff gieo những hạt giống đầu tiên, cho đến lúc Pep Guardiola kế thừa và phát triển. Bayern từng suy yếu vì kỷ luật, thì bây giờ, họ trở thành đội bóng kỷ luật số một hành tinh. Dortmund, nhớ lại cái thời từng phải cắt bỏ đến cả suất... xúc xích trong buổi họp Ban lãnh đạo, đã biết cách kiếm tiền, tiêu tiền và giữ tiền. Giành vinh quang bằng gian dối và sụp đổ cũng vì gian dối, Juventus đang tái thiết với hình ảnh mới mẻ và tích cực hơn.

Những giá trị cốt lõi của bóng đá nằm ở đó, chứ không đâu xa. Đội bóng phải là kết tinh của một quá trình xây đắp và chuẩn bị, phải tự biết kiểm soát bản thân bằng kỷ luật, tự nuôi được bản thân, và chiến thắng một cách chính trực. Đó hẳn là thành công lâu dài, và bền vững.


Bayern và Dortmund là hai đại diện của Đức vẫn giữ được giá trị cốt lõi của bóng đá

Ai sẽ chiến thắng?


Cặp đấu thú vị nhất có lẽ là PSG – Barcelona, nơi sự tương phản giữa truyền thống và tiền bạc tạo nên một tiếng nổ chát chúa. Đội bóng Pháp có lịch sử chỉ mới... 43 năm, trong khi lần gần nhất họ đánh bại Barcelona tại đấu trường này đã diễn ra cách đây 18 năm. Thời điểm ấy, hai cầu thủ trẻ nhất trong đội hình PSG hiện tại, Javier Pastore và Marco Verratti, mới chỉ học... mẫu giáo.

Ngôi sao lớn nhất của họ, Zlatan Ibrahimovic, thật mỉa mai, là cầu thủ bị Barca thải loại. Không phải vì anh kém tài, mà vì tập thể ấy không thể dung dưỡng một cá nhân ích kỷ như vậy. Ibra đã ghi đến 21 bàn ở mùa đầu tiên cho Barca, nhưng anh làm chậm lối chơi của cả đội, ưa cầm bóng và rê dắt quá nhiều. Mà ở Barca, từ lâu La Masia đã dạy họ rằng không một cá nhân nào đứng trên đội bóng, và đường chuyền là một thứ văn hóa, Tiki-taka thì giống như một tôn giáo đã xây dựng nhiều năm, và không thể bị xâm phạm.

Sự kiện đáng nói nhất là HLV Tito Vilanova đã có thể trở lại, nhưng không hẳn là người Barca mừng khi nhìn thấy ông chỉ vì thành tích. Họ đã tự vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của mùa bóng, trong khi Tito vẫn đang vật lộn để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời mình. Sắp tới, Barca sẽ còn đón chào một sự trở lại nữa: Eric Abidal đã quay lại phòng tập thể lực sau ca ghép gan. Các cầu thủ Barca tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng vì Tito và Abidal, và lần nào họ cũng làm được. Không hề nói ngoa, thứ tinh thần ấy là sức mạnh khủng khiếp nhất của họ, và có được nó không hề dễ dàng.

Dortmund, sau khi đứng đầu một bảng đấu của nhà giàu ở vòng bảng (có Real Madrid và Man City), sẽ tiếp một “thiếu gia mới nổi” khác là Malaga (nhưng “thiếu gia” này không còn được đầu tư mạnh mẽ như ban đầu nữa). Trong khi Juventus và Bayern, hai thiết chế ổn định và căn cơ bậc nhất châu Âu, sẽ phải loại nhau, nhưng bất kỳ đội bóng ở vòng sau cũng sẽ đều phải e ngại họ.

Cán cân quyền lực đang thay đổi. Chống lại tiền bạc đã từng là con đường tự sát, nhưng giờ thì cối xay gió còn ít hơn Don Quixote. Những đại diện ưu tú nhất đã sẵn sàng bảo vệ những giá trị bền vững của bóng đá.

Theo Khám Phá

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao