Hết thời các ông bầu vung tiền tỷ thưởng Tết ở V.League

Có cầu thủ nhận mấy chục triệu, có người được thưởng một tháng lương, có người tượng trưng dăm ba triệu và cũng có người ngậm ngùi tay không ra về trong dịp Tết Ất Mùi.

Bóng đá Việt Nam chưa tự đẻ ra tiền và vẫn phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn tài trợ từ các ông bầu. Điều đó cũng có nghĩa rằng, nếu năm nào doanh nghiệp đứng phía sau CLB làm ăn phát đạt thì đội bóng mới có cái Tết “ấm no, hạnh phúc”, và ngược lại.

Trước đây, bầu Hiển luôn có thói quen
Bầu Hiển từng có thói quen "đánh rơi" cả tỷ đồng sau mỗi chiến thắng.

Hoàn cảnh kinh tế khó khăn vài năm qua khiến nhiều ông bầu không còn giữ được độ hào phóng của họ như những ngày đầu mới bước chân vào bóng đá. Trước đây, sau mỗi chiến thắng, hình ảnh quen thuộc của bầu Hiển là xuống sân “đánh rơi” cả tỷ đồng. Nên mỗi dịp Tết đến, đội ngũ ban huấn luyện và cầu thủ CLB Hà Nội T&T hầu như không phải suy nghĩ.

Nhưng trong khoảng 2 năm trở lại, giống như nhiều CLB khác, đội bóng thủ đô đã phải cắt giảm khoảng 30% quỹ lương, thưởng để đảm bảo hoạt động trong thời kỳ khó khăn chung. Tuy vậy, dịp Tết Ất Mùi, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng vẫn còn “ấm” hơn nhiều đồng nghiệp khác.

Chiến thắng trước CLB Persib Bandung tại AFC Champions League đã giúp Hà Nội T&T nhận được 400 triệu tiền thưởng trong những ngày cận Tết. Thêm vào đó, dù điều kiện tài chính không dư dả như các năm trước nhưng bầu Hiển vẫn duyệt chi thưởng Tết cho mỗi thành viên của đội bóng thủ đô một tháng lương. Tính tổng cộng, một người cũng có mấy chục triệu đút túi.

Bầu Đức thưởng Tết cho Công Phượng cùng đồng đội mỗi người một tháng lương.
Bầu Đức thưởng Tết cho Công Phượng cùng đồng đội mỗi người một tháng
lương. Ảnh: VTC

Một số CLB khác cũng áp dụng tháng lương thứ 13 là SLNA hay HAGL… Tuy vậy, do mức lương bình quân hàng tháng không cao nên khoản thưởng này cũng chỉ ở mức động viên tinh thần là chính. Một cầu thủ loại A tại HAGL như Công Phượng tối đa cũng chỉ lĩnh 15 triệu đồng căn cứ theo mức lương hàng tháng.

Nhiều CLB khác thì xác định rõ ràng khoản thưởng Tết chỉ có ý nghĩa lấy lộc đầu năm. Đương kim vô địch Bình Dương chỉ lì xì mỗi thành viên đội bóng 5 triệu. Quan điểm của các nhà làm bóng đá ở đất Thủ là HLV và các cầu thủ ở “Chelsea Việt Nam” vốn đã nhận chế độ lương, thưởng tốt nhất tại V.League, vì thế khoản thưởng Tết chỉ mang ý nghĩa tinh thần.

ĐTLA từ lâu trung thành với chính sách thắt lưng buộc bụng nên chỉ đặt ra mức thưởng Tết là 5, 7 và 10 triệu đồng. Quảng Ninh mùa này thay da đổi thịt với nhà tài trợ mới nhưng mức thưởng Tết cũng chỉ tượng trưng, khi quyền lợi của các cầu thủ đã được thực hiện đầy đủ thông qua việc chi trả phí lót tay và tiền lương hàng tháng. Năm ngoái, đội bóng đất mỏ từng bị đình công vì chậm thanh toán các khoản này.

Khoản thưởng Tết ở Bình Dương chỉ mang theo ý nghĩa tinh thần.
Khoản thưởng Tết ở Bình Dương chỉ mang ý nghĩa tinh thần.

Với khoản thưởng Tết vỏn vẹn 2 triệu đồng mỗi người, CLB Đồng Nai nằm trong nhóm những đội có mức thưởng thấp nhất. Không những vậy, với thành tích bết bát suốt từ đầu giải, giậm chân ở vị trí cuối cùng trên bảng xếp hạng hầu như không có thưởng, thầy trò HLV Trần Bình Sự cũng nằm trong nhóm có thu nhập “hẻo” nhất tại V.League.

Đối với những đội bóng nghèo như Đồng Tháp, ngay từ đầu, thầy trò HLV Phạm Công Lộc đã xác định thưởng Tết có thì tốt còn không có cũng chẳng sao. Từng đối diện với nguy cơ giải thể vì không có nhà tài trợ, việc duy trì CLB Đồng Tháp đến thời điểm này dẫu sao cũng đã là một thành công vượt bậc của bóng đá xứ bưng biền.

Hải Phòng vừa trải qua vụ lùm xùm liên quan đến việc chậm thanh toán phí lót tay cho các cầu thủ. Thế nên, thầy trò HLV Trương Việt Hoàng không ai bảo ai chả thấy nhắc gì đến chuyện thưởng Tết, dù đội bóng đất cảng vẫn đang bay cao tại V.League.


Thầy trò HLV Trương Việt Hoàng "ngại" đả động đến chuyện tiền thưởng.
Ảnh: Tùng Lê

Không hẳn chỉ xuất phát từ tâm lý “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, những khó khăn về kinh tế mấy năm qua trong đời sống bóng đá Việt Nam dường như đã khiến giới quần đùi áo số nhận thức sâu sắc hơn về cái nghiệp họ theo đuổi. Quãng 2009-2011, một cầu thủ tầm tầm cũng có phí lót tay cả tỷ đồng mỗi mùa. Nhưng hiện tại, giá cầu thủ đã rớt thảm hại và nhiều người sẵn sàng ra sân chỉ với tiền lương hàng tháng.

Thế nên chuyện mỗi nhà mỗi thưởng khi Tết đến xuân về tuy có chút chạnh lòng nhưng ngẫm ra cũng không phải vấn đề quá quan trọng, khi những đôi chân vẫn sống được với cái nghề của mình.   

Theo Trí Thức

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao