'Không có chuyện Công Phượng bị cô lập'

HLV Vương Tiến Dũng nhận xét không thể ôm đồm quá nhiều mục tiêu trong một trận đấu giao hữu của Olympic Việt Nam và cần tôn trọng công việc của HLV Miura.

Giống như cảm nhận của nhiều khán giả, HLV Vương Tiến Dũng cho rằng lối chơi Olympic Việt Nam thể hiện trong trận giao hữu với Olympic Indonesia tồn tại nhiều nhược điểm. Chẳng hạn, khả năng kiểm soát bóng không tốt của hàng tiền vệ, các tiền đạo không thiết lập được sự gắn kết trong những tình huống phối hợp… Thế nên, rất khó để nhận xét thầy trò HLV Miura đã mang đến màn thể hiện thuyết phục dù giành chiến thắng.

Giành chiến thắng nhưng Olympic Việt Nam chưa cho thấy sự hiệu quả về mặt lối chơi. Ảnh: Tuấn Mark
Giành chiến thắng nhưng Olympic Việt Nam chưa cho thấy sự thuyết phục về mặt lối chơi. Ảnh: Tuấn Mark

Tuy vậy, bằng cái nhìn của một chuyên gia giàu kinh nghiệm, cựu HLV Thể Công đánh giá đây là điều bình thường đối với một đội bóng đang trong quá trình thử nghiệm. Ông phân tích: “Cái đích hướng đến của Olympic Việt Nam là những trận đấu chính thức tại vòng loại U23 châu Á chứ không phải những trận đấu giao hữu như thế này. Công việc của mỗi HLV đòi hỏi phải có tính tiến độ. Không thể bắt họ ôm đồm quá nhiều mục tiêu trong cùng một thời điểm”.

Đặt mình vào vị trí của HLV Miura, HLV Vương Tiến Dũng bày tỏ sự thông cảm dành cho người đồng nghiệp: “Dẫn dắt đội tuyển quốc gia ngoài mục tiêu chuyên môn còn có một nhiệm vụ quan trọng là làm hài lòng khán giả. Người hâm mộ thì luôn muốn đội tuyển phải đá hay và giành chiến thắng trong mọi trận đấu. Nhưng cần nhìn nhận khách quan về việc HLV Miura đang có gì trong tay”.

Sau Asian Games 17, đội tuyển Olympic Việt Nam gần như phải xây dựng  lại từ đầu khi lứa cầu thủ sinh năm 1992 không được tham dự vòng loại U23 châu Á. Điều đó đặt ra thách thức đối với nhà cầm quân người Nhật Bản trong việc tìm kiếm một bộ khung mới về lực lượng và định hình lối chơi.

HLV Miura đang đối diện với thách thức trong việc xây dựng bộ khung mới và định hình lối chơi.
HLV Miura đang đối diện với thách thức trong việc xây dựng bộ khung lực lượng và định hình lối chơi. Ảnh: Tuấn Mark

Cảm tình của CĐV dành cho lứa cầu thủ trẻ của CLB HAGL kéo theo sự ấn định, rằng những Công Phượng, Tuấn Anh cùng đồng đội ở U19 Việt Nam mặc nhiên chiếm một vị trí chính thức tại Olympic Việt Nam. HLV Vương Tiến Dũng từng bày tỏ sự không đồng tình.

Theo ông, đội bóng của HLV Miura nếu chỉ trông vào lứa cầu thủ Công Phượng thì không đủ. Vì tập thể đó cũng chỉ có một vài gương mặt nổi trội so với các đồng nghiệp cùng trang lứa. Mặt khác, cần đặt ra tình huống chấn thương hay thẻ phạt để thấy rõ hơn về sự cần thiết của các phương án dự phòng.

HLV Trần Bình Sự: Không có tình trạng phe phái

Olympic Việt Nam chơi không tốt lắm, phối hợp không gắn bó. Các cầu thủ thường xuyên để mất bóng, tranh chấp kém, chuyền sai địa chỉ. Điểm yếu lớn nhất của đội là không có thủ lĩnh để dẫn dắt lối chơi, tổ chức tấn công. Tuấn Anh có khả năng làm điều này, nhưng anh thiếu người đá cặp ăn ý ở giữa sân.

Tôi nghĩ khi lên làm nhiệm vụ ở đội tuyển, không có tình trạng phe phái hay cô lập nhóm này, nhóm kia. Cầu thủ nào thể hiện tốt, được HLV ưng ý thì được đá chính. Những người chơi không đạt yêu cầu thì dự bị, phải cố gắng thêm. Cách chơi của HAGL và của HLV Miura khác một trời một vực. Một bên chơi ban bật, một bên được yêu cầu tấn công dứt khoát, không rườm rà. Vì thế, các cầu thủ của HAGL chưa thích nghi được.

N.Đ ghi

Một câu hỏi được rất nhiều khán giả quan tâm là tại sao trong cả trận đá tập với CLB Hà Nội T&T lẫn trận giao hữu với Olympic Indonesia, Công Phượng và Tuấn Anh không được xếp chơi cùng nhau?

HLV Vương Tiến Dũng đưa ra câu trả lời từ góc nhìn của ông: “Sau quá trình theo dõi và tuyển lựa cầu thủ, tôi nghĩ HLV Miura đủ trình độ để nhận thấy các cầu thủ trẻ của HAGL đã quá ăn ý với quá trình 7-8 năm luyện tập và thi đấu cùng nhau. Ông chia nhỏ họ ra để thử nghiệm về khả năng phối hợp với các cầu thủ khác, từ đó tìm kiếm giải pháp nhân sự tốt nhất cho Olympic Việt Nam”.

Chính vì lý do này, việc Công Phượng phối hợp chưa nhuần nhuyễn với các đồng đội mới cũng là điều bình thường. Cựu HLV của Thể Công nhận xét: “Cầu thủ nào khi không được chuyền bóng hay nhận bóng trong tư thế khó cũng sẽ phàn nàn. Với một HLV đề cao tinh thần đoàn kết và kỷ luật như ông Miura, tôi nghĩ không có chuyện Công Phượng bị cô lập ở Olympic Việt Nam”.

Công Phượng có nhiều tình huống phối hợp không ăn ý với đồng đội trong trận đấu. Ảnh: Tuấn Mark
Công Phượng có nhiều tình huống phối hợp không ăn ý với đồng đội trong trận đấu. Ảnh: Tuấn Mark.

Một nhược điểm xuyên suốt từng tồn tại ở U19 Việt Nam là lối chơi dễ bị bắt bài do lực lượng thường xuyên ấn định ở những gương mặt quen thuộc. Điều này không phải là thói quen của nhà cầm quân người Nhật Bản. Tại AFF Cup 2014, mỗi trận đấu HLV Miura lại trình làng một đội hình khác nhau.

Năng lực của ông đã được thể hiện qua 2 giải đấu trong năm 2014 là Asian Games 17 và AFF Cup. Theo HLV Vương Tiến Dũng, không nên vì một trận giao hữu để lật ngược lại vấn đề này: “Đừng bắt HLV Miura phải làm thầy phù thủy. Nếu đã tin tưởng, chúng ta cần tôn trọng công việc của ông. Đây mới chỉ là trận giao hữu đầu tiên của Olympic Việt Nam. Hãy kiên nhẫn chờ đến những trận đấu chính thức rồi phán xét cũng chưa muộn”. 

Theo Tri Thức

Tin tức mới nhất