Những chiếc áo đấu đẹp nhất và xấu nhất của Man United

Mùa giải tới sẽ chứng kiến sự tái hợp của Man United và thương hiệu thể thao Adidas với hợp đồng 750 triệu bảng. Cột mốc này đánh dấu quãng thời gian thăng trầm của Quỷ đỏ từ những mẫu áo đẹp nhất cho tới… thảm họa nhất.

Mẫu áo châu Âu (1998/99)


Trong mùa giải dự Cúp châu Âu 1998/99, Umbro khi ấy đã mang đến một thiết kế cổ điển với áo đỏ, quần trắng và tất trắng. Điểm nhấn ở đây chính là ngôi sao nhỏ được thêu phía trên logo CLB để đánh dấu chức vô địch châu Âu năm 1968. Vận may từ bộ áo đấu này đã giúp Man United làm nên chiến thắng lịch sử trước Bayern trong trận chung kết diễn ra trên sân Nou Camp.

Mẫu áo thứ ba (1995/96)


Từ sự mới mẻ dần dần biến thành khôi hài, mẫu áo kẻ sọc ngang màu xám của Man United mùa giải đó chính là “thảm họa thời trang” tệ nhất trong lịch sử đội chủ sân Old Trafford. Đội bóng trải qua thành tích không thể tệ hơn với chuỗi bốn trận thua và một trận hòa khi sử dụng bộ áo đấu này. 

Mọi chuyện chỉ chấm dứt khi HLV Alex Ferguson chỉ đạo các học trò thay trang phục giữa giờ nghỉ trong trận thảm bại trước Southampton. Từ đó đến nay không bao giờ người ta thấy Man United mặc mẫu áo nào tương tự như vậy.

Mẫu áo sân khách (1993/95)


Hiếm có một mẫu áo nào khắc họa tính cách đội bóng phù hợp như bộ cánh của mùa giải này. Tông màu đen dường như thể hiện rõ cá tính “hắc ám” của những cầu thủ có cá tính mạnh như  Peter Schmeichel, Roy Keane, Paul Ince và Mark Hughes. 

Hãy nhớ lại cú kung-fu nổi tiếng của huyền thoại Eric Cantona vào một CĐV tại sân Selhurst Park năm 1995. Đúng vậy. Khi ấy anh đang mặc bộ áo đấu màu đen.

Mẫu áo thứ ba (1992/94)


Quá tệ. Đó là từ duy nhất phù hợp để mô tả bộ trang phục này. Về cơ bản, màu xanh lá cây và màu vàng vốn không quá tệ, nhưng ý tưởng chia đôi chúng thành hai nửa để phối với nhau và sau đó ghép thêm cổ dựng thực sự là thảm họa. Thậm chí cả một cầu thủ nổi tiếng “ngầu” như Eric Cantona trông cũng thật khôi hài khi mặc bộ trang phục này.

Mẫu áo sân nhà (1958)


Trước khi có sự xuất hiện của các nhà tài trợ, những chiếc áo đấu đơn giản là trắng trơn. Áo đấu của Man United những năm 1950 là định nghĩa chuẩn về sự cổ điển. Để kỷ niệm 50 năm ngày xảy ra thảm họa Munich, các cầu thủ Man United đã mặc đúng mẫu áo này trong trận đấu với đại kình địch Man City.

Mẫu áo sân nhà (1985)


Không phải một mẫu áo quá xuất sắc về mặt thời trang, bộ trang phục này bị “dìm” một cách tệ hại bởi 2 sọc trắng quanh vai khá vô duyên. Tuy vậy, trong ký ức của nhiều CĐV Man United thì mẫu áo này gợi nhớ đến danh hiệu vô địch cúp FA trong trận chung kết với Everton. 

Mẫu áo sân khách (1990/91)


Mẫu áo với các hoa văn trắng và xanh này sẽ khiến cho bạn cảm giác như mình đang xem trận đấu ở… trong vũ trường vậy. Tuy nhiên, nó cũng đem đến một kỷ niệm khá ngọt ngào với cá nhân cầu thủ Lee Sharpe khi anh lập một cú hattrick để đời vào lưới Arsenal tại cúp Rumberlows.

Mẫu áo sân nhà (1996 đến 1998)


Đây là mẫu áo có vẻ khá hợp với hai cái tên đang chơi cho Man United lúc đó là Karel Poborsky và Jordi Cruyff. Tuy nhiên phần cổ áo và tay áo thật sự là thảm họa. Riêng với Eric Cantona, trong trận đấu cuối mùa năm 1997 gặp West Ham tại Old Trafford, ông thậm chí còn dựng ngược cổ áo lên.

Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao