Ông Nguyễn Bá Thanh và triết lý vào sân là chơi hết mình

Là người luôn hết mình, tận tụy trong công việc, ông Nguyễn Bá Thanh đã truyền tư tưởng ấy vào bóng đá Đà Nẵng để có được thành công như ngày nay.

Một trong những kỷ niệm cuối cùng của ông Nguyễn Bá Thanh với bóng đá Đà Nẵng là chức vô địch V.League 2012. Tại buổi lễ tuyên dương thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức, ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó là bí thư kiêm chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, không quên nhắc nhở: “12 năm đá V.League mà vô địch 2 lần là quá ít. Chức vô địch năm nay của CLB Đà Nẵng tuy rất đáng ghi nhận nhưng cần làm được nhiều hơn thế nữa”.

Ông Nguyễn Bá Thanh tại buổi lễ tuyên dương chức vô địch V.League 2012 của CLB Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Bá Thanh tại buổi lễ tuyên dương chức vô địch V.League 2012 của
CLB Đà Nẵng. Ảnh: Người đưa tin

Hết mình trong từng trận đấu, không được ngủ quên trên chiến thắng và nhụt chí khi thất bại là tư tưởng ông Nguyễn Bá Thanh luôn quán triệt sâu sắc đến đội ngũ HLV và cầu thủ của đội bóng sông Hàn.

Nhắc đến thành công của bóng đá Đà Nẵng, nhiều người vẫn nhắc đến vai trò của ông Nguyễn Bá Thanh với tư cách của một vị kiến trúc sư trưởng. Từng có thời bóng đá Đà Nẵng bị xem như vùng trũng trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Nhưng kể từ thời điểm ông Nguyễn Bá Thanh đảm nhiệm cương vị bí thư thành ủy Đà Nẵng, bóng đá nơi đây đã vươn mình mạnh mẽ để trở thành một thế lực tại V.League.

Là một người hâm mộ thể thao và mong muốn thể thao Đà Nẵng cũng phải xứng tầm với sự phát triển chung của thành phố, dấu ấn đầu tiên của ông Nguyễn Bá Thanh với bóng đá Đà Nẵng là việc chiêu mộ hàng loạt cầu thủ tên tuổi về vực dậy phong trào. Có thể kể ra rất nhiều tuyển thủ của bóng đá Việt Nam dạo đó đã nhận lời mời về Đà Nẵng vì nể phục uy tín của ông Nguyễn Bá Thanh như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Mạnh Dũng, Võ Văn Hạnh…

Ông Nguyễn Bá Thanh xỏ giầy ra sân trong một trận đấu gây quỹ từ thiện.
Ông Nguyễn Bá Thanh chơi bóng trong một trận đấu gây quỹ từ thiện.
Ảnh: Quang Thắng

Nhưng làm bóng đá chuyên nghiệp không thể mãi trông chờ vào nguồn ngân sách của nhà nước. Dấu ấn sâu đậm thứ hai của ông Nguyễn Bá Thanh là đàm phán thành công với nhà tài trợ SHB để mang về ngân quỹ lên tới 150 tỷ đồng giúp bóng đá Đà Nẵng tiếp tục thay da đổi thịt. Vụ đầu tư của bầu Hiển và SHB vào Đà Nẵng ban đầu cũng chỉ là một hình thức kinh doanh. Nhưng sau nhiều năm gắn bó với con người, mảnh đất nơi đây và đặc biệt là cái tình của vị bí thư hâm mộ thể thao, bầu Hiển cũng coi CLB Đà Nẵng như máu thịt của ông.

Thế nên, tuy trải qua không ít thăng trầm trong giai đoạn khó khăn về kinh tế vài năm qua, ông bầu họ Đỗ chưa bao giờ mảy may suy tính sẽ ngừng tài trợ cho bóng đá Đà Nẵng. Sau này, khi Bí thư Nguyễn Bá Thanh chuyển lên trung ương đảm nhiệm cương vị công tác mới, không còn điều kiện sâu sát với bóng đá Đà Nẵng, bầu Hiển vẫn đau đáu với mục tiêu phát triển bóng đá Đà Nẵng như tâm huyết để lại của vị lãnh đạo mẫu mực.

Làm bóng đá chuyên nghiệp không chỉ cần có vốn đầu tư, không chỉ cần chiêu mộ cầu thủ sáng giá, mà còn phải căn cơ tính kế lâu dài bằng việc xây dựng nền tảng chắc chắn. Là một người lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, ông Nguyễn Bá Thanh cũng hết mực chăm lo cho công tác đào tạo trẻ của bóng đá Đà Nẵng. Từ điểm khởi đầu là phải đi mượn cầu thủ ở các địa phương khác về đá giải U, bóng đá Đà Nẵng đã có đầy đủ các tuyến trẻ và trở thành một trong những trung tâm đào tạo tốt nhất của bóng đá Việt Nam.

Sự quan tâm của ông Nguyễn Bá Thanh không chỉ dừng lại ở mức độ thượng tầng bằng chủ trương và chính sách, ông còn hết sức lưu ý từ những điều nhỏ nhặt nhất liên quan đến bữa ăn, giấc ngủ của từng cầu thủ. Chủ tịch CLB Đà Nẵng, ông Bùi Xuân Hòa nguyên là Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng kể lại câu chuyện cảm động. Dạo đó khu huấn luyện Tuyên Sơn vừa xây xong chưa có đủ kinh phí để đầu tư hoàn thiện. Một lần Bí thư Nguyễn Bá Thanh đến thăm vận động viên đã tự bỏ tiền túi của mình để mắc điều hòa, đặt thêm đệm và trang bị cho mỗi phòng một tủ lạnh. Khi chưa có nhà tài trợ, có bận kinh phí thiếu thốn, ông Nguyễn Bá Thanh lại tự ứng tiền túi 20 triệu đồng để trang trải cho các nhu cầu cấp thiết của cầu thủ.

Hình ảnh của ông Nguyễn Bá Thanh đã đi sâu vào tình cảm của người dân và các cổ động viên bóng đá Đà Nẵng.
Hình ảnh của ông Nguyễn Bá Thanh đã đi sâu vào tình cảm của người dân và các
cổ động viên bóng đá Đà Nẵng.

Đối với nhiều khán giả Đà Nẵng, hình ảnh thể hiện rõ nhất sự quan tâm của ông Nguyễn Bá Thanh chính là việc ông hiếm khi vắng mặt trong những trận đấu của đội chủ sân Chi Lăng để động viên cầu thủ thi đấu. Điều ông luôn tâm niệm và quán triệt tới từng thành viên CLB Đà Nẵng không phải là thắng hay bại mà là phải luôn hết mình, đá để người dân và khán giả Đà Nẵng luôn tin tưởng và thương yêu đội bóng.

Năm 2005, Đà Nẵng để thua TMN.Cảng Sài Gòn khiến dư luận nổi sóng nghi ngờ. Ông Nguyễn Bá Thanh thể hiện sự phân tích tinh tường bằng chuyên môn rằng đấy không phải trận đấu bị bán độ. Nhưng ông phê bình thái độ thi đấu của các cầu thủ: “Vắng mấy anh trụ cột còn đối phương thì đá sống chết để tránh tụt hạng, thua cũng bình thường. Nhưng rõ ràng là mình không đá hết sức. Đá hết sức mà thua người dân họ mới thông cảm được”.

Triết lý của cuộc đời và phong cách làm việc của ông Nguyễn Bá Thanh cũng thế: luôn hết mình, tận tụy. Thế nên ông không chấp nhận sự hời hợt và thiếu trách nhiệm ở bất cứ lĩnh vực nào.

Vị lãnh đạo mẫu mực được người dân vô cùng yên mến, tin tưởng đã ra đi, nhưng những bài học ông để lại cho bóng đá Đà Nẵng thì vẫn còn sáng mãi, cho hôm nay và mai sau.        

Theo Trí Thức

Tin tức mới nhất