Trợ lý của HLV Miura cũng phải chạy như cầu thủ

Nếu không đủ thể lực để chạy mỗi lần khoảng 10 vòng quanh sân cùng các cầu thủ, hãy bỏ ngay ý nghĩ trở thành trợ lý của nhà cầm quân người Nhật Bản.

HLV Miura chưa bao giờ giải thích lý do tại sao ông lại yêu cầu các trợ lý của mình phải tham gia chạy bền cùng các cầu thủ. Nhưng nhà cầm quân người Nhật Bản luôn tham gia vào cuộc đua sức ấy và tất nhiên, các trợ lý không thể đứng ngoài khoanh tay đứng nhìn. Từ đội tuyển Olympic tham dự Asian Games 17 cho đến đội tuyển Việt Nam tham dự AFF Cup 2014 và đội tuyển Olympic chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á lần này cũng vậy.

HLV Miura luôn tham gia chạy bền cùng các cầu thủ. Ảnh: Hoàng Minh
HLV Miura luôn tham gia chạy bền cùng các cầu thủ. Ảnh: Hoàng Minh

Chạy bền cùng các cầu thủ có vẻ là một nét quen thuộc trong phong cách huấn luyện của bóng đá Nhật Bản. Trong những ngày đội tuyển U19 Nhật Bản tham dự giải U19 ĐNA mở rộng ở Mỹ Đình hồi tháng 9/2014, ban huấn luyện của đội bóng này cũng thực hiện giống hệt những điều HLV Miura đang áp dụng đối với đội ngũ trợ lý của ông.

Điều đó có thể được hiểu là một cách duy trì và nâng cao thể lực để phục vụ tốt hơn cho công việc. Nhưng có lẽ sâu xa hơn là triết lý của một vị HLV đến từ nền bóng đá luôn đề cao tinh thần đoàn kết và hết mình trong công việc. Khi các cầu thủ tập luyện cật lực thì HLV trưởng cùng các trợ lý, với tư cách là những thực thể tham gia cấu thành nên đội bóng, không thể đứng khoanh tay. Với ông Miura nó được hiểu như một nguyên tắc.

Đấy là điều không hề dễ thực hiện. Vì không phải trợ lý nào của nhà cầm quân người Nhật Bản cũng duy trì được thói quen mỗi ngày chạy bền vài km như vị “sếp” của họ, người có tác phong sinh hoạt không khác gì cầu thủ chuyên nghiệp.

Mặt khác, một hình ảnh khá quen thuộc trên sân cỏ Việt Nam là trong khi các cầu thủ luyện tập, đội ngũ trợ lý hầu như chỉ đóng vai trò quan sát, thỉnh thoảng nhắc nhở, tiếp nước hoặc… nhặt bóng khi nó bay ra ngoài.

Thế nên khi làm việc cùng HLV Miura ở cấp độ đội tuyển, tất cả các trợ lý của nhà cầm quân người Nhật Bản đều phải nỗ lực tối đa bắt đầu từ yêu cầu đơn giản nhất là chạy. Sau đó là những đòi hỏi cao hơn về tính chuyên nghiệp, chẳng hạn luôn phải ra sân tập sớm hơn cầu thủ, và lĩnh hội một cách tương đối thuần thục các ý tưởng về giáo án hay lối chơi mà HLV Miura muốn truyền đạt.

HLV Miura nổi cáu trên sân tập sáng 25/2 vì các trợ lý không thực hiện đúng chỉ đạo
 của ông. Ảnh: Tùng Lê

So với AFF Cup 2014, đội ngũ trợ lý của HLV Miura đã được thay mới hoàn toàn khi tập trung đội tuyển Olympic chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á. Ngay từ buổi tập đầu tiên, không chỉ các cầu thủ lần đầu được làm việc với nhà cầm quân người Nhật Bản, chính các trợ lý của HLV Miura cũng có dấu hiệu bị “ngợp” với cường độ luyện tập rất cao. Ở màn chạy bền, vài người đã tụt lại khá xa so với nhóm dẫn đầu.

Một người đề cao tính chuyên nghiệp như HLV trưởng đội tuyển Olympic Việt Nam hẳn nhiên không hài lòng về điều đó. Thế nên khi các trợ lý của ông mắc thêm sai sót trong việc sắp xếp dụng cụ luyện tập vào buổi sáng 25/2, HLV Miura đã nổi cáu.

Trong phát biểu mới nhất của mình, nhà cầm quân người Nhật Bản tuyên bố ông muốn giành vé tham dự vòng chung kết U23 châu Á. Trên hành trình đó, hẳn nhiên không có chỗ cho bất cứ sự lơ là nào dù là nhỏ nhất. Làm trợ lý cho HLV Miura là một vinh dự nhưng đi kèm theo đó là những trách nhiệm và yêu cầu không hề đơn giản chút nào! 

Theo Trí Thức

Tin tức mới nhất