Từ bữa ăn của U-19 Việt Nam…

Các cầu thủ trẻ U-19 phần lớn của “lò” HA Gia Lai lạ khẩu vị trên đất Malaysia thì lập tức có cả chục đầu bếp giỏi bay sang phục vụ.

Sự kiện các đầu bếp và chuyên gia dinh dưỡng của Nutifood lặn lội sang Malaysia tư vấn lẫn chế biến thức ăn cho cầu thủ U-19 Việt Nam bảo đảm sức khỏe đá giải như một chuyện lạ có thật của làng bóng. Nhân việc này, rất nhiều người đã đặt câu hỏi nếu đội tuyển U-19 Việt Nam thuần túy do VFF quản lý thì không biết có sự kiện này không, hay chỉ đơn giản là cầu thủ phải “tự xử” bằng mì gói như đã từng.

Cần biết là các đội tuyển Việt Nam lâu nay du đấu quốc tế thường thủ sẵn “lương khô” riêng cho mình như mì gói, xúc xích, chà bông,… để dằn bụng khi đói hoặc gặp lúc đồ ăn không hợp khẩu vị. Cùng lắm là nếu cầu thủ không thể tiêu hóa nổi thức ăn trên đất khách, đại diện VFF sẽ góp ý với ban tổ chức chủ nhà theo kiểu được chăng hay chớ.

Ở vòng chung kết U-19 châu Á lần này bỗng dưng không có chuyện người ta cho gì ăn nấy khi các học trò Guillaume đã quen với chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt theo giáo trình của Arsenal. Chúng tôi đã từng ngồi ăn chung bữa ăn hằng ngày ở Trung tâm huấn luyện Hàm Rồng cũng thế, tất cả đều phải theo thực đơn có đầy đủ chất lượng phục vụ cho nhu cầu phát triển về thể chất cho cầu thủ.


Bữa ăn “tư” của tuyển thủ U-19 Việt Nam với các đầu bếp riêng và những chiến thắng
vang dội giúp họ “có giá” hơn trong mắt nhà tài trợ. Ảnh: NHƯ NGUYỆN

Chuyện bữa ăn của cầu thủ U-19 tưởng nhỏ mà chẳng nhỏ chút nào. Bởi các đội tuyển khác từ trước đến nay đều phải tự luyện cho mình khả năng thích nghi hoặc chấp nhận thay đổi thói quen dù biết là không có lợi cho sức khỏe.

Chuyện lớn hơn ở các đội tuyển thông thường còn là việc VFF đặt đâu thì ngồi đấy trong các chuyến tập huấn, đặc biệt khi đội do thầy nội dẫn dắt. Cái sự tuân thủ vô điều kiện mà dân bóng đá hay gọi là bụt chùa nhà không thiêng rồi kèm theo một thái độ ban ơn.

Nếu không phải thế thì HLV Hoàng Văn Phúc của đội U-23 Việt Nam chép miệng tiếc nuối chuyến tập huấn tại Hungary chỉ đá với bốn đội hạng nhì, ba và U-21 của các CLB mà không phải các đối thủ xứng tầm? Thêm hai trận cọ xát cùng hai đội bóng có cái tên rất kêu là Garatasaray và Santos có khác gì chơi với “Tây ba lô” để thắng lấy tinh thần không biết là hên hay xui?

Đội tuyển quốc gia mỗi giai đoạn lại có một thầy khác, thành phần khác, một lối chơi dĩ nhiên khác mà chỉ có chung một chỉ tiêu đá cho tròn nghĩa vụ thì lấy đâu ra bản sắc.

U-19 Việt Nam may mắn có bầu Đức chịu chơi và chịu chi bởi ông đã nhìn ra một tương lai mới không giống với bất cứ mô hình nào của tổ chức VFF. Ông dễ dàng hợp tác cho cầu thủ đi tập huấn châu Âu, đá giải Sanix Cup chất lượng ở Nhật Bản để rèn luyện chứ không phải xin hoặc đền ơn đáp nghĩa ai cả.

Bầu Đức sẵn sàng phá rừng cao su để dựng lên những phòng ở tiện ích phục vụ cho lợi ích nuôi trồng tài năng bóng đá, khác hẳn với VFF xây nên một trung tâm đào tạo trẻ theo tiêu chuẩn FIFA với mục đích kinh doanh là chính.

Hóa ra giữa các đội bóng “công” và một đội bóng “tư” có nhiều độ chênh rất lớn ngay từ bữa ăn cho đến những giải đấu thử lửa, từ phương tiện, hành vi cho đến tính mục đích đều khác nhau.

Theo Pháp Luật Thành Phố

Tin tức mới nhất