“Gọi tôi là Á hậu Điếc không phải miệt thị mà là tôn trọng”

“Việc gọi tôi là Á hậu Điếc không phải miệt thị mà chính là tôn trọng tôi nói riêng và cộng đồng người Điếc nói chung”, đó là chia sẻ của Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Điếc Quốc tế 2016 Bùi Thị Lan Anh.

Lan Anh (Ngoài cùng bên trái) giành giải Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Điếc Quốc tế 2016.

Lan Anh gửi lời chào các khán giả ở quê nhà sau thời khắc đăng quang ngôi vị Á hậu 2.


Một mình đi thi trên đất Mỹ


Trở thành Á hậu 2 Miss and Mister Deaf International 2016, cảm xúc của Lan Anh lúc này như thế nào?


Đối với tôi, khi giành được ngôi vị Á Hậu 2 tại cuộc thi Miss and Mister Deaf International 2016, tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc với kết quả đã đạt được sau 2 tháng cố gắng luyện tập.

Trong thời điểm lúc đăng quang, tôi đã nghĩ đến bố mẹ, những người đã ủng hộ tôi hết mình cho dù bố mẹ còn rất lo lắng trước khi tôi tham gia cuộc thi.

Lan Anh trong vòng tay gia đình sau khi về tới sân bay Nội Bài (Hà Nội).

Trong suốt thời gian Lan Anh dự thi tại Mỹ, bạn có ê-kip hỗ trợ mình không?


Tôi đã đến Mỹ một mình để tham gia cuộc thi mà không có người hỗ trợ. Đây là lí do khiến bố mẹ tôi rất lo lắng nhưng tôi may mắn vì đã được trang bị các kĩ năng trang điểm, làm tóc từ các chuyên gia trong nước, được hỗ trợ mượn trang phục của NTK (nhà thiết kế) nổi tiếng trước khi lên đường dự thi.

Nhờ sự trợ giúp từ anh chị phiên dịch nên tôi có thể học hỏi các bài học quý giá từ các chuyên gia trang điểm, nhà tạo mẫu tóc. Chính những sự giúp sức đó khiến tôi vững tâm hơn khi đi thi một mình trên đất Mỹ.

Bạn phải trải qua những phần thi gì?


Cũng giống như những cuộc thi nhan sắc khác, tôi đã trải qua 5 phần thi: Phỏng vấn, tài năng, trình diễn bikini, trang phục truyền thống và trang phục dạ hội.

Sử dụng thành thạo ngôn ngữ kí hiệu Quốc tế

Tham gia cuộc thi đã giúp Lan Anh trưởng thành hơn và sử dụng thành thạo hơn
 ngôn ngữ kí hiệu Quốc tế.


Lan Anh có kỉ niệm đặc biệt gì trong quá trình dự thi tại đấu trường nhan sắc quốc tế?


Kỉ niệm đặc biệt nhất đối với tôi, đó là tôi cùng các thí sinh đã được tham gia bữa tiệc mừng Ngày Độc lập của nước Mỹ (ngày 4/7). Trong bữa tiệc, mọi người đã nói về truyền thống khác nhau của mỗi đất nước, rất hay và thú vị. Tôi cảm thấy bản thân học được nhiều kiến thức bổ ích.

Lan Anh học được điều gì khi tiếp xúc với những đại diện nhan sắc người điếc đến từ các quốc gia khác trên thế giới?


Khi được tiếp xúc với những đại diện nhan sắc khác nhau từ các quốc gia trên thế giới, tôi được tiếp xúc với văn hóa truyền thống của các nước khác, nghe chia sẻ về cộng đồng điếc ở các nước khác. Nhờ đó ngôn ngữ kí hiệu Quốc tế của tôi cũng trở nên tốt hơn.

Dù một mình dự thi tại Mỹ nhưng Lan Anh vẫn tự tin thể hiện mình với những
 kĩ năng đã được hỗ trợ trước đó từ trong nước.


Muốn chứng minh người điếc cũng không kém gì người nghe nói


Ban đầu, đâu là lí do khiến Lan Anh dự thi cuộc thi Hoa khôi Điếc tại Việt Nam?


Tôi quyết định tham dự vì đây là cuộc thi hoàn toàn mới dành cho người điếc, là cuộc thi mà câu lạc bộ người điếc tổ chức để dần chứng minh năng lực của người điếc có thể tham gia các cuộc thi giống như người nghe nói.

Cảm nhận của Lan Anh như thế nào khi công chúng tranh luận về hai khái niệm điếc và khiếm thính và đến giờ vẫn còn rất nhiều người nhầm lẫn giữa hai khái niệm này?

Vì cộng đồng người nghe nói vẫn chưa hiểu rõ hai khái niệm điếc và khiếm thính nên sự nhầm lẫn là không tránh khỏi nhưng tôi hi vọng cộng đồng người nghe nói có thể phân biệt được hai khái niệm này để không bị nhầm lẫn nữa.

Khiếm thính là khả năng nghe kém và có thể hỗ trợ bằng máy trợ thính để cải thiện khả năng nghe, còn điếc là mất khả năng tiếp nhận âm thanh, không thể sử dụng máy trợ thính để hỗ trợ khả năng nghe được.

Vẻ đẹp dịu dàng, thuần Việt của Á hậu Lan Anh.

Nhiều người cho rằng gọi Á hậu Điếc là miệt thị và thiếu tôn trọng, Lan Anh có cho là vậy không?

Việc gọi tôi là Á hậu Điếc không phải là miệt thị và thiếu tôn trọng mà chính là việc tôn trọng tôi nói riêng và cộng đồng người điếc nói chung.

Việc này cũng giống như khi rất nhiều người quen tôi nhưng không ai gọi tên tôi đúng, điều đó thật đáng buồn, nhưng nếu mọi người gọi tên tôi đúng thì tôi cảm nhận sự quan tâm của mọi người, sự tôn trọng của mọi người với tôi. Việc gọi người điếc đúng như tên gọi mới chính là tôn trọng người điếc.

“Ngôn ngữ kí hiệu thay đổi cuộc đời tôi”

Lan Anh ước mơ trở thành cô giáo để dạy các trẻ em điếc.

Ngày bé, có bao giờ Lan Anh cảm thấy tủi thân khi mình không may mắn có khả năng nghe, nói trọn vẹn như nhiều người khác. Và bạn đã vượt qua điều đó như thế nào?

Ngày còn bé, ban đầu tôi nghĩ mọi người cũng giống tôi. Nhưng khi tôi thấy mẹ gọi chị gái và chị có phản ứng lại với âm thanh, tôi đã nhận ra rằng mình không giống với mọi người trong gia đình điều đó làm tôi rất buồn và tủi thân. Khi tôi lên 8 tuổi, mẹ đã cho tôi đi học ở Trung tâm bảo trợ ở thành phố Việt Trì.

Ở đây tôi được học ngôn ngữ kí hiệu. Các cô giáo đã dạy chúng tôi với lòng kiên nhẫn và tận tình. Để học kí hiệu nhanh, tôi thường nói chuyện với các anh chị và các bạn có kí hiệu tốt, nhờ đó tôi học kí hiệu nhanh hơn.

Có thể nói ngôn ngữ kí hiệu đã giúp tôi giao tiếp được với mọi người, xóa đi mặc cảm của bản thân.

Ước mơ trở thành cô giáo


Hiện tại chuyên ngành Lan Anh đang theo học trường gì?

Hiện tại tôi đang học cấp Trung học Điếc tại trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương.

Với danh hiệu mà Lan Anh vừa đạt được, bạn có nghĩ đây là cơ hội đổi đời của mình không?

Với danh hiệu vừa đạt được, tôi không nghĩ đây là cơ hội đổi đời vì tôi tham gia cuộc thi với tinh thần giao lưu, học hỏi, muốn tìm hiểu về sự phát triển của cộng đồng điếc trên thế giới.

Lan Anh trẻ trung trong những khoảnh khắc đời thường.


Bạn kì vọng mình sẽ làm được gì cho cộng đồng người điếc Việt Nam?


Tôi hi vọng mình có thể góp phần vào việc giúp cộng đồng điếc phát triển hơn để có thể hòa nhập với xã hội tốt hơn, để làm được điều này cộng đồng điếc chúng tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa.

Bạn có thể chia sẻ một chút về ước mơ của mình?


Tôi muốn trở thành một cô giáo để có thể dạy cho các học sinh điếc.

So với nhiều cuộc thi nhan sắc khác, bạn đi thi và trở về có phần lặng lẽ hơn dù đạt giải cao?

Ở Việt Nam, những cuộc thi dành cho người điếc như thế này rất mới mẻ nên vẫn còn ít được biết đến, nhưng tôi tin rằng với sự nỗ lực của cộng đồng điếc và với sự lãnh đạo của Chi hội người Điếc thì những cuộc thi dành cho người điếc sẽ được xã hội quan tâm hơn.

Tôi cũng hi vọng các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng người điếc nói riêng và cộng đồng người khuyết tật nói chung có điều kiện phát triển hơn trong tương lai.

Theo Dân Trí

Tin tức mới nhất