Tiểu thuyết lịch sử đoạt giải bị phản ứng vì cảnh sex dung tục

Tiểu thuyết lịch sử đoạt giải C hạng mục sách hay trong lễ trao giải sách quốc gia 2018, "Chim ưng và chàng đan sọt" có đoạn tả cảnh ân ái giữa nhân vật Trần Khánh Dư với công chúa Thiên Thụy bị dư luận phản ứng.

Cuốn tiểu thuyết lịch sử Chim ưng và chàng đan sọt của tác giả Bùi Việt Sỹ viết về nhân vật chính Phạm Ngũ Lão, người xuất thân nông dân trở thành anh hùng. Bên cạnh đó, cuốn tiểu thuyết còn khắc họa chân dung của Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.

Trong cuốn sách có đoạn mô tả cảnh quan hệ ân ái giữa nhân vật Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy, vợ của Hưng Võ Vương Trần Quốc Nghiễm (con trai cả Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn). Đoạn tả cảnh quan hệ tình dục này bị nhiều độc giả phản ứng, cho rằng tác phẩm đã dùng nhiều từ ngữ dung tục, suồng sã.

Một số phụ huynh còn thể hiện sự lo ngại, cuốn tiểu thuyết lịch sử sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các độc giả nhỏ tuổi. Thậm chí, có ý kiến muốn tẩy chay, thu hồi cuốn sách...


Cuốn tiểu thuyết lịch sử vừa đoạt Giải thưởng sách quốc gia đã bị phản ứng.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương bày tỏ: “Với người lớn, sex là thứ gì đó quen thuộc, có phần hấp dẫn và cuốn hút. Tuy nhiên, cũng là sex, mỗi tác giả lại có 1 cách đề cập khác nhau.

Cũng như cùng bộ phận sinh dục nam nữ, nhưng có hàng chục đến hàng trăm tên gọi. Mỗi tên gọi ngoài việc định nghĩa còn mang nét đặc trưng gì đó như: dung tục, gợi cảm, hấp dẫn, gợi mở, quyến rũ...

Với một tác phẩm lịch sử, nên chăng chúng ta nên sử dụng cách thể hiện gợi mở, đóng nhưng mà mở, dung dị nhưng không dung tục, hấp dẫn nhưng không phô bày.

Như vậy, cách miêu tả sẽ sát với hiện thực thời đại của lịch sử dân tộc vốn rất kín đáo và ý nhị. Cách thể hiện của tác phẩm này có chút gì đó quá hiện đại và hơi suồng sã. Đó chính là lý do người đọc không dễ dàng thẩm thấu phân đoạn đó của tác phẩm”.

Chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương cũng khuyến cáo: “Riêng với trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ nên đọc trước tác phẩm và rất không nên cho con tham khảo. Hình ảnh và câu chữ trong phân đoạn miêu tả hình ảnh tình dục trong này hoàn toàn không phù hợp với trẻ nhỏ”.

Điều đáng nói, cuốn Chim ưng và chàng đan sọt vừa đoạt giải C hạng mục sách hay trong lễ trao giải sách quốc gia lần thứ nhất tại Hà Nội. Hội đồng gồm 22 thành viên, có đại diện Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, trưởng các tiểu ban chấm giải chuyên ngành...

Trước đó, cuốn tiểu thuyết lịch sử này cũng đoạt giải B (không có giải A) cuộc thi viết tiểu thuyết giai đoạn 2011 - 2015 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.


Chi tiết gây tranh cãi trong cuốn tiểu thuyết (Ảnh: FB Nguyễn Đình Bổn).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhà văn Nguyễn Phan Hách - trưởng tiểu ban sách văn học của Giải thưởng sách quốc gia 2018 cho biết: “Cuốn sách của tác giả Bùi Việt Sỹ viết về cuộc kháng chiến Nguyên Mông khoáng đạt, có sức hấp dẫn. 'Chim ưng và chàng đan sọt' viết đúng, không sai về mặt chính trị. Có một vài chi tiết nếu nhìn nhận khắt khe thì phản ứng vì cho rằng yếu tố nhạy cảm chưa phù hợp.

Nhưng theo tôi, một vài chi tiết miêu tả cảnh ân ái không ảnh hưởng đến nội dung tổng thể của cuốn sách. Hội đồng chấm giải gồm nhiều người đã xem xét kỹ lưỡng, nghiêm túc mới quyết định trao giải. Trước đó, cuốn sách đã từng đoạt giải B của Hội Nhà văn Việt Nam, như thế nội dung được lựa chọn cũng kỹ càng rồi…”

Về phía tác giả Bùi Việt Sỹ, ông cho biết cuốn tiểu thuyết được xuất bản năm 2016. "Từ đó đến nay không ai có ý kiến gì, vậy mà sau khi cuốn sách đoạt giải C hạng mục sách hay thì lại có những ý kiến trái chiều", tác giả thắc mắc.

Theo ông Bùi Việt Sỹ, cảnh ân ái trong cuốn tiểu thuyết không mang tính kích dục. Yếu tố tình cảm nam nữ chỉ điểm xuyết ở một vài trang, chứ không phải nội dung chính thể hiện chủ đề, tư tưởng tác phẩm.

“Tác phẩm không hề dung tục. Những chi tiết miêu tả chân thực chỉ muốn lột tả sự mạnh mẽ của nhân vật Trần Khánh Dư. Hãy đọc và cảm nhận toàn bộ tác phẩm thay vì chỉ tập trung vào một vài chi tiết nhỏ. Nếu chỉ săm soi một vài chi tiết thì theo tôi không thể cảm nhận đầy đủ, chẳng khác nào: thầy bói xem voi!”, nhà văn Bùi Việt Sỹ nói.

Theo Dân Trí


tin tức Mạng xã hội

Tin tức mới nhất