Tin nóng trong ngày 7/8: Đi đẻ, con chết ngạt trong bụng vì vướng đường lầy lội

Trên đường đến trạm xá sinh con, do không thể vượt qua được con đường lầy lội, con chị Lầu Thị Sáng đã chết ngạt trong bụng mẹ.

6h sáng, tiếng chuông điện thoại liên tục réo. Phía bên kia đầu dây, tiếng trưởng bản Tráng A Dơ (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) hớt hải và đau đớn: “Sáng nay một sản phụ không tìm được đường ra trạm y tế xã nên đứa con đã chết ngạt trong bụng. Đau xót lắm chú ơi! Từ năm ngoái đến nay gần chục đứa trẻ trong bản chết oan vì con đường đau khổ này rồi”.

Để hiểu rõ vấn đề, chúng tôi vượt gần 100 km từ thị xã Gia Nghĩa về bản Đoàn Kết, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức. Sau hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới tìm được đến nhà sản phụ Lầu Thị Sáng (SN 1999). Từ đầu ngõ, hàng chục người đã vây kín căn nhà gỗ của Sáng, bên trong tiếng khóc của người già, người trẻ cứ nối tiếp nhau vang lên.

Ngồi thất thần trước cửa với gương mặt tuyệt vọng đau đớn, ông Lầu Sau Vừ (bố chồng Sáng) kể lại: “Con dâu tôi trở dạ nên được người nhà đưa lên trạm y tế xã để sinh.

Tuy nhiên, vừa đi được khoảng 30 phút thì phải quay trở lại vì cả xe máy lẫn xe công nông đều không thể đi qua được con đường lầy lội dẫn lên xã. Vừa quay về đến nhà thì nó sinh. Tuy nhiên, cháu trai chưa kịp cất tiếng khóc chào đời thì đã chết trong bụng mẹ”.

Tin nóng trong ngày 7/8:  Đi đẻ, con chết ngạt trong bụng vì vướng đường lầy lội-1
Lầu Sau Lùng (chồng Sáng) đau đớn trước sự việc

Bên trong nhà, Sáng dường như vẫn chưa dám tin đứa con trai đầu lòng của mình đã mất, cô chỉ nằm bất động trên giường, thi thoảng ú ớ một vài tiếng. Ngồi bên cạnh, Lầu Sau Sùng (chồng của Sáng) giọng mếu máo và trách than: “Giá như có con đường thì con tôi đã sống rồi!”.

Được biết, trường hợp của sản phụ Sáng không phải là duy nhất ở bản này. Theo trưởng bản Dơ, mỗi năm có khoảng 10 trường hợp tử vong do không đưa kịp đến cơ sở y tế để cấp cứu, trong đó phần lớn là trẻ em dưới 6 tuổi.

“Ngoài nguyên nhân là khi bệnh nặng thì người nhà nạn nhân mới đưa đến bệnh viện thì con đường lầy lội dẫn đến xã cũng là một phần gây ra những sự cố đáng tiếc trên”.

Bé trai bị bạo hành đã qua cơn nguy kịch

Sáng nay, một số tờ báo thông tin về sức khoẻ của bé trai 1 tuổi bị bạo hành (đã thông tin trước đó) bắt đầu chuyển xấu. Bé nôn nhiều, tri giác lơ mơ, có cơn co giật, sốt cao, hôn mê, phải thở oxy.

Tuy nhiên, đến trưa nay 7/8, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết kết quả thăm khám, xét nghiệp của cháu Tiến A đã có tiến triển. Các chức năng tuần hoàn bình thường, tri giác lơ mơ, tuy nhiên cháu có phản ứng (mở mắt) khi được thăm khám, cháu không còn tình trạng co giật, không nôn.

Theo các bác sĩ, tình trạng sức khoẻ cháu Tiến A trong tiên lượng ngắn thì ổn định.

Tin nóng trong ngày 7/8:  Đi đẻ, con chết ngạt trong bụng vì vướng đường lầy lội-2
Hình ảnh bé trai bị đánh bầm tím cơ thể

Trước đó, các bác sĩ cho biết, cháu bị chấn thương sọ não, xuất huyết não khá nặng. Bệnh viện đang huy động các điều kiện tốt nhất để cứu chữa cho cháu. Sau khi được công an báo tin, hiện bà ngoại của bé đã vào viện để hỗ trợ chăm cháu. Được biết, bé tên T.T.A (sinh ngày 23/8/2016) chứ không phải 14 tháng tuổi như Nguyễn Thanh Hằng - người đưa cháu bé vào bệnh viện khai.

Tin tức được đưa trước đó, bé là con thứ 5 của Đinh Lan H. (34 tuổi, trú tại Hàng Bông, Hà Nội). Chồng H. đi tù nhiều năm nay, 3 con đầu của H. đưa về cho mẹ chăm sóc. Bản thân H. nhiều năm nay cũng không về thăm con nên gia đình không hề hay biết có thêm cháu.


Cơ quan công an quyết định khởi tố vụ việc

Liên tiếp từ sau khi sinh T.A, H. đã 3 lần bị bắt vì tội buôn bán trái phép chất ma tuý nhưng đều được tại ngoại do đang nuôi con nhỏ, đợt gần nhất là vào tháng 7 vừa qua. Khi bị bắt, H. đã gửi bé cho một người bạn trông hộ, người này lại giao tiếp cho Nguyễn Thanh Hằng (Yên Phụ, Hà Nội) chăm.

Đến sáng 4/8, Hằng đưa bé đến bệnh viện trong tình trạng chấn thương sọ não, cơ thể có nhiều vết thâm tím, bộ phận sinh dục bị xước đỏ nghi bị bạo hành. Công an TP Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án.

Video cận cảnh xông lưu huỳnh, tẩm thuốc tẩy lông chân để sản xuất đũa ăn một lần 

Không khó để tìm đũa ăn dùng 1 lần  ở bất cứ cửa hàng, kiốt bán đồ gia dụng hay các chợ lớn nhỏ. Mọi người dễ dàng mua đũa dùng một lần với giá rất rẻ, từ 12.000-15.000 đồng/bó 50 đôi. Sản phẩm dựng trong các bao nilon in sơ sài bằng loại mực rẻ tiền. 

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Đài Loan mới đây đã phát hiện sản phẩm đũa dùng một lần của Việt Nam có chứa chất độc hại và yêu cầu thu hồi toàn bộ để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. 

250 mẫu đũa tại 170 cửa hàng lớn nhỏ buôn bán các bộ đồ ăn dùng một lần bị thu phát hiện có một mẫu chứa chất biphenyl và ba mẫu khác có chứa chất hydrogen peroxide. Chất phá hủy phổi, dạ dày và tuyến tụy.


Clip ghi lại cảnh sản xuất đũa dùng 1 lần có sử dụng lưu huỳnh

Đây là 2 chất tẩy trắng được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp. Việc tiếp xúc với hai loại chất này có thể gây ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe người dùng.

Đặc biệt, biphenyl có nguy cơ tiềm ẩn là phá hủy phổi, dạ dày và tuyến tụy. Ở liều lượng thấp trong thời gian ngắn có thể gây hại cho gan, tuyến giáp, tiếp xúc lâu dài nguy cơ dẫn đến ung thư gan và các khối u ác tính.

Trước đó, loại đũa ăn một lần này cũng đã từng bị phản ánh bị “ngậm” lưu huỳnh. Để tẩy trắng và chống nấm mốc đũa ăn một lần, người ta sử dụng SO2, chất tẩy trắng và nấm mốc công nghiệp như sulfite, sulfite natri.

Tin nóng trong ngày 7/8:  Đi đẻ, con chết ngạt trong bụng vì vướng đường lầy lội-3
Tác hại khôn lường của đũa ăn 1 lần

Đây là những chất chứa độc tố lớn, tác dụng tẩy trắng, khử khuẩn rất tốt nhưng chỉ được sử dụng trong công nghiệp. Nếu dùng trong thực phẩm sẽ nguy hại sức khỏe.

Ngoài ra để làm đẹp, đũa ăn một lần được đưa qua nước ôxy già. Đây là loại nước có tính tẩy rất mạnh. Được biết, ôxy già khi ở nồng độ rất thấp (dưới 5%) được sử dụng phổ biến để tẩy tóc người. Với nồng độ cao hơn nó có thể làm cháy da khi tiếp xúc.

Ở nồng độ thấp hơn được sử dụng trong y học để rửa vết thương và loại bỏ các mô chết. Bột tan được sử dụng trong khâu đánh bóng, lâu ngày tích tụ trong người sẽ gây ra bệnh sỏi mật.

Tiến sĩ Trần Quang Tùng, Viện Kỹ thuật hóa học (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, ngày xưa đũa thường được làm từ loại tre già ngâm trong nước nên ít bị mốc. Nhưng ngày nay người sản xuất dùng loại tre non, dễ bị nấm mốc nên để tránh đũa nấm mốc họ thường dùng cách như sấy khô, sử dụng hóa chất.

Chất hydrogen peroxide (H2O2) chính là nước ôxy già. Vai trò của nó dùng để sát trùng vết thương vì có tính ôxy hóa mạnh làm diệt vi khuẩn. Ngoài ra H2O2 có tính tẩy màu mà nhiều bạn nữ có lông tay lông chân dài đen họ còn bôi H2O2 (có nồng độ thấp dưới 5%) nên nhằm làm mờ lông đen hoặc người ta còn dùng nó để tẩy tóc trước khi nhuộm hoặc làm trắng răng.

Tuy nhiên, vì H2O2 có tính ôxy hóa mạnh nên nó có thể phá hủy các mô tế bào cho nên các chuyên gia khuyến cáo nên cẩn thận khi sử dụng H2O2, đặc biệt khi nồng độ H2O2 cao có thể gây ra cháy da khi tiếp xúc. 

N.L
Theo Vietnamnet


Tin Nóng Trong Ngày bạo hành trẻ em

Tin tức mới nhất