Hot face chuyển giới: Trên là nữ, dưới là nam, mỗi ngày 1 viên tránh thai, ăn 1 bữa cơm

Sống trong hình hài nữ giới được 1 năm nhưng Khánh An chỉ mới nâng ngực, còn lại vẫn như một người con trai.

Sở hữu hơn 60 ngàn lượt theo dõi trên trang cá nhân, Khánh An (tên thật Hoàng Trung Hậu, 18 tuổi, quê Đồng Nai) nhận được tin nhắn làm quen của rất nhiều bạn nam, gần như mỗi ngày. "Nói chuyện được khoảng 2 tuần, thấy nhiều người muốn đẩy nhanh mối quan hệ, mình thừa nhận bản thân là người chuyển giới chưa hoàn thiện, chỉ mới phẫu thuật nâng ngực. 60% trong số này tìm cách rút lui từ từ, số còn lại thì 'lật mặt' ngay lập tức" - An kể.


Một ngày của hot face chuyển giới Khánh An 


Khánh An là 'cô gái' chuyển giới chưa hoàn thiện, đã phẫu thuật nâng ngực.

1 năm làm rẫy vẫn không bớt nữ tính

Là con trai cả trong gia đình, từ bé An đã được ba mẹ đặt khá nhiều kỳ vọng. Vào tiểu học, thay vì mê siêu nhân, đá banh như hội con trai thì Khánh An lại thích búp bê. Giấu gia đình, An mua được vài bé búp bê, sau đó đưa chị họ giữ hộ, chiều chiều chị em lại lén gia đình mở đại tiệc may vá, chơi đồ hàng.

Suốt những năm cấp 2, An chỉ kết thân với các bạn nữ. Đến lớp thấy bạn nam chơi đá bóng hoặc những trò nghịch ngợm, An thu mình lại một góc, sợ hãi. "Các bạn nữ thời đó đã biết điệu, nào đánh son, nào kẻ mắt, tóc giả đi học,… mình cũng thử làm hết. Cuối cùng bị nhà trường mời phụ huynh vì nam không ra nam, nữ không ra nữ" - An nhớ lại.


An là con trai cả trong gia đình. Ảnh: NVCC

Không muốn nhìn thấy con trai ẻo lả, nữ tính, gia đình vẫn thường nhờ An bưng bê chậu cây hay bình nước 20 lít. Tuy nhiên, mười lần như một, An đều ăn gậy vì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Hết năm lớp 9, An nghỉ học.

Mong muốn kéo con về đúng với giới tính sinh học nam giới, ba của An đã cho cậu lên rẫy làm những công việc nặng nhọc như phun thuốc, nhổ cỏ, bắt ốc, bón phân,… Dù không thích nhưng An không thể nào phản kháng.

An kể về 1 năm đầy ám ảnh khi lên rẫy phụ giúp gia đình

"Trong 1 năm, mình làm việc từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối, không điện thoại, không giao lưu bạn bè. Da dẻ đen sạm vì cháy nắng, mặt đầy mụn, tóc tai thì ngắn,…" - An miêu tả bản thân lúc đó.

Mong muốn thoát khỏi cảnh lao động chân tay nặng nhọc, An xin ba mẹ học nghề tóc và trang điểm. Nghĩ rằng "con trai" đã định hướng được tương lai, gia đình đồng ý. Không ngờ rằng, chỉ nửa tháng sau khi học tóc, An lại tô son, đánh phấn, kẻ mắt. Trong bộ dạng và trang phục của một chàng trai vào tuổi dậy thì, An nhận lại vô số lời miệt thị, dèm pha.


Thời điểm đó, mỗi tuần An nhuộm một màu tóc, hình hài con trai nhưng tính cách ẻo lả và chưng diện như con gái. Ảnh: NVCC.

2 lần bỏ nhà ra đi, giấu gia đình tiêm hóc-môn nữ

Đầu năm 2016, cảm thấy quá áp lực và thất vọng vì ba mẹ không hiểu cho những bất thường trong tâm sinh lý của mình, An nói dối sang nhà ngoại ăn đám giỗ rồi bỏ theo bạn lên Sài Gòn. Xa gia đình được một tháng, An không liên lạc với bất kỳ ai, trừ bà ngoại. "Lúc này, ngoại có động viên và nói mình quay về, ba của mình sẽ không đánh mắng gì nữa. Mình tin điều đó và bắt xe về nhà. Mình lại đi học tóc và trang điểm" - An kể.

Thời gian này, An đã bắt đầu nhận trang điểm cho khách đi tiệc hay dự đám cưới ở quê, mỗi mặt khoảng 120 ngàn, đến tận nhà làm. Cuối tuần nào cũng có khách đặt lịch. Trung bình mỗi tuần, An đều có khoảng 1 đến 2 triệu tiền trang điểm dạo.

Tự kiếm được tiền lo cho bản thân nhưng gia đình vẫn chưa thật sự chấp nhận. "Cô gái" kể lại: "Lâu lâu, ba vẫn mắng khi thấy mình trang điểm, tô son, đội tóc giả. Mình cũng buồn và nuôi ý định bỏ trốn lần nữa".


Buồn vì gia đình không hiểu được mình, An đã 2 lần bỏ nhà ra đi, không nói một lời.

Lần thứ 2 bỏ nhà ra đi, An chỉ có vài triệu dắt túi. Lên đến Sài Gòn, An ở nhờ nhà một người bạn. Biết An có ý định chuyển giới, người bạn này làm cầu nối đế An có thể nhận được sự tư vấn của những người cùng hoàn cảnh. An tuyệt nhiên không liên lạc hay hỏi thăm người thân trong gia đình.

Mẹ của An nhiều lần gọi điện gọi"'con gái" về. Khi tranh thủ về thăm nhà được vài ngày, An nhận thấy thái độ tích cực của ba. "Lần này ba như một người khác, không còn mắng hay nặng lời với mình nữa. Ba cũng không ý kiến chuyện mình giả gái. Sau hôm đó mình đi nối tóc và ăn mặc như một cô gái trong gia đình- An nói.


An sống và sinh hoạt như một cô gái hơn 1 năm nay.

An tiêm mũi hóc-môn đầu tiên vào tháng 2/2017, mọi thứ chưa có gì thay đổi ngoài sự mệt mỏi, uể oải. Sau mũi thứ 3, An nhận thấy những biến chuyển rõ rệt bên ngoài cơ thể: da dẻ mịn màng, trái cổ không nổi lên, cử chỉ nữ tính hơn, chân tay mềm mại hơn,…

Cách 10 ngày, An lại tiêm hóc-môn nữ một lần, trong suốt thời gian tiêm, mỗi ngày, "cô gái" sẽ uống một viên thuốc tránh thai. An hí hửng khoe rằng, trong suốt 1 năm vừa qua, An chưa bỏ mũi tiêm nào. Chi phí mua và tiêm hóc-môn được trích từ tiền trang điểm dạo.

Buồn khi cha mẹ gọi bằng "thằng", bạn bè chọc "trên nữ dưới nam"

Sau thời gian tìm hiểu về người chuyển giới, tháng 4/2017, An quyết định phẫu thuật nâng ngực. An nói, "cô bạn" nhận được sự hỗ trợ 50% từ bệnh viện và chỉ phải trả 30 triệu đồng cho toàn bộ ca làm ngực của mình. Số tiền này, An xin ba mẹ.

"Sau 2 tiếng phẫu thuật, thuốc mê cũng hết tác dụng. Mình cảm thấy vô cùng đau đớn, tưởng như chết đi sống lại. Ngực lúc đó cứ như bị cắt ra rồi nhét thứ gì vào, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. 3 ngày nằm trên giường, không gội đầu, không tắm, đi vệ sinh tại chỗ. Khi ra viện thì về nhà có ba mẹ chăm sóc. Hơn 1 tháng sau đó, mọi thứ mới trở lại bình thường" - An hoảng hốt nhớ lại.


An đau đớn như chết đi sống lại sau ca phẫu thuật nâng ngực.

Tháng 1/2018, An xin gia đình lên sống hẳn tại Sài Gòn. Từ đó đến nay, An ở chung với nhóm bạn thuộc giới tính thứ 3 như mình. Nhờ gương mặt ưa nhìn sau khi nâng mũi, An nhận được khá nhiều sự quan tâm của thành viên mạng. An chăm chỉ make up, xây dựng hình ảnh thiếu nữ và được nhiều người đặt hàng quảng cáo sản phẩm.

"Lên Sài Gòn, người ta ít thuê mình trang điểm lắm, nhưng quảng cáo thì nhiều, thường là chụp hình và livestream sản phẩm. Tháng ít cũng được 6 triệu, tháng nhiều thì khoảng 10 triệu. Đóng tiền nhà, mua hóc-môn, quần áo, xăng xe đi lại cũng vừa hết nhẵn" - An nhẩm tính.

Mỗi ngày, An thức dậy vào giữa trưa. Không ăn uống, An lên mạng đăng hình quảng cáo cho khách, sau đó đắp nằm đắp mặt nạ, tự làm đẹp cho bản thân. Tối đói bụng qua sẽ chạy ra tiệm ăn tạm dĩa cơm.


Cuộc sống mỗi ngày của An gắn liền với chiếc điện thoại.

Từ ngày sống và sinh hoạt như một cô gái, An cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, không ít lần bố mẹ vẫn buồn khi bố mẹ gọi là "thằng Hậu" hay "thằng ranh con". An nói, "cô bạn" phải chỉnh cho từng người để không được gọi cô bằng tên khai sinh hay bằng "thằng" nữa.

Mỗi lần ra đường, An sẽ chọn đi vệ sinh ở phòng nữ. Việc chưa thể trở thành một cô gái hoàn thiện không quá ảnh hưởng đến cuộc sống và suy nghĩ của An. An tâm sự: "Người ta nói mình 'trên nữ dưới nam' , 'đi vệ sinh như nam giới', mình cũng có chút buồn bã. Tuy nhiên mình chấp nhận điều đó, mình lạc quan vì mình có cơ hội trở thành một cô gái thật sự. Những lời chọc ghẹo đó càng khiến mình có động lực phẫu thuật phần dưới trong thời gian ngắn sắp tới".


An mong muốn được đại phẫu phần dưới cơ thể để trở thành một cô gái hoàn thiện.

Dù có khá nhiều chàng trai theo đuổi nhưng việc chuyển giới chưa hoàn thiện khiến An cảm thấy tự ti, không dám nhận lời yêu một ai. "Nhiều khi nghĩ đến cảnh ôm nhau nằm ngủ mà phần dưới của mình vẫn là nam, mình buồn lắm. Dù mình có xinh đẹp đến đâu, vẫn cảm thấy thua kém các bạn nữ vì mình không thể sinh con. Một người đàn ông liệu có chấp nhận yêu và cưới một người như mình?" - An tự đặt câu hỏi, mắt nhìn xuống đất, chực khóc.


Theo Báo Đất Việt


người chuyển giới cộng đồng LGBT

Tin tức mới nhất