Vì sao 'mỹ nhân' sẵn sàng làm lố và nghe chửi trước ma lực thảm đỏ?

Giám đốc sáng tạo Hoàng Anh cho rằng ngành giải trí quốc tế hay Việt Nam đều có những người thực lực và người chỉ phụ thuộc vào tiêu chí ảo để nổi tiếng.

Không phải đến khi Tiêu Châu Như Quỳnh xuất hiện trên thảm đỏ Tuần lễ thời trang Quốc tế Việt Nam 2018 trong trang phục đuôi cá, người ta mới nhìn thấy sức hút của thảm đỏ với giới sao. Từ lâu, thảm đỏ vốn là nơi để các người đẹp, diễn viên, ca sĩ, người mẫu chưng diện và "khoe" những gì họ muốn "khoe".

Vì sao thảm đỏ là nơi để làm lố, khoe thân? 

Chỉ cần người đẹp bước lên, hàng trăm ống kính máy ảnh cùng ánh đèn flash hướng vào. Ngoài kia, hàng nghìn, hàng triệu khán giả cũng tò mò hôm nay cô A, cô B mặc gì. Ngay sau đó, hình ảnh các ngôi sao lần lượt xuất hiện khắp các mặt báo, được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Một cơ hội "hâm nóng" tên tuổi tốt như vậy, ai nỡ chối từ?

Như một xu thế tất yếu, hiện nay đa số sao Hollywood đều thuê stylist riêng cùng ê-kíp chuyên nghiệp, hùng hậu. Mỗi lần lên thảm đỏ, dàn mỹ nhân đều chỉn chu từ bộ váy, đôi giày hàng hiệu, cho đến kiểu tóc, phong cách make-up. Bản thân các nhà mốt, nhãn hàng thời trang cũng hiểu rõ sức mạnh của thảm đỏ đến công chúng ra sao, nên sẵn sàng chi hàng trăm nghìn USD để người nổi tiếng diện bộ đồ của họ, như một cách quảng bá thương hiệu khôn ngoan.
 


"Cuộc chiến" thảm đỏ không của riêng ai. Trong ảnh là Rihanna tại sự kiện Met Gala. Ảnh: Getty. 
 

Khi ai nấy đều đẹp và lộng lẫy, "cuộc đua" thảm đỏ lại trở nên khốc liệt hơn, người ta bắt đầu nghĩ đến chuyện làm sao để đặc biệt và độc đáo nhất? Trào lưu váy áo xuyên thấu lên ngôi có lẽ cũng bắt nguồn từ đây. 

Người hâm mộ trên khắp thế giới từng chứng kiến Rihanna khoác bộ đầm màu vàng chói, dài kỷ lục đến sự kiện Met Gala 2015 hay Kendall Jenner, Beyonce, Kim Kardashian... diện đầm trong suốt mỏng tang, được ví mặc như không mặc.

Ngay cả những ngôi sao đình đám còn đau đầu với suy nghĩ làm sao chiếm spotlight, thì chuyện các sao hạng B, ít tên tuổi tìm mọi chiêu trò để gây chú ý, được nhắc tên (hay nói ngắn gọn là làm lố) cũng là điều dễ hiểu.

Chịu đựng chỉ trích để được bừng sáng sau một đêm

Nhận định về sức hút thảm đỏ tại các sự kiện giải trí, giám đốc sáng tạo Hoàng Anh chia sẻ: "Quốc tế hay Việt Nam đều có ngôi sao thực lực, tài năng và cả những ngôi sao chỉ phụ thuộc vào tiêu chí ảo, công chúng muốn điều gì thì họ sẽ làm như vậy.
 


Giám đốc sáng tạo Nguyễn Hoàng Anh. Ảnh: Bobby Nguyễn.
 

Mà công chúng hiện nay đặc biệt quan tâm mạng xã hội, đó là nơi người ta chia sẻ những gì hot, những gì sốc nhất. Cái gì càng trái tự nhiên, thậm chí trái chuẩn mực đạo đức, họ càng chia sẻ nhiều, nên càng dễ viral. Nắm bắt được xu hướng đó, ai muốn tạo scandal để nổi tiếng, họ sẽ làm theo".

Theo anh, việc các nghệ sĩ đầu tư chi phí thuê stylist là hợp lý và cần thiết. Họ có thể cạnh tranh, thậm chí "chặt chém" nhau trên thảm đỏ, miễn sao mặc đẹp và mặc đúng tính chất của chương trình. Ai lố quá, phản cảm quá đương nhiên sẽ bị công chúng lên án.

Cụ thể, với trường hợp của Tiêu Châu Như Quỳnh gần đây, Hoàng Anh thẳng thắn cho rằng đó là sự học đòi: "Không thể nói là cá tính. Việc lột đồ trên thảm đỏ dù bao biện thế nào cũng không phù hợp trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam.

Tuần lễ thời trang có cả sự tham gia của nhà thiết kế quốc tế. Tôi tin rằng khi nhìn vào họ sẽ thấy đó là hình ảnh phản cảm, chứ không có chuyện thời trang Việt đang tiến gần đến thế giới. Đó là lễ hội Halloween chứ đâu phải tuần lễ thời trang".


Cũng theo vị giám đốc sáng tạo này, việc "được" dư luận chỉ trích, thậm chí mắng chửi nằm trong kế hoạch của những người sử dụng chiêu trò. Nếu chịu đựng được, có thể họ cũng thành công ở một khía cạnh nào đó, theo cách nghĩ của chính họ. Nhưng hình ảnh xấu sẽ lưu lại mãi trên mạng, sẽ đi theo người đó suốt con đường sự nghiệp. 
 


Váy chăn con công từng "gây bão" mạng xã hội của Trương Hinh Dư. Ảnh: Getty.
 

"Xét cho cùng, nổi tiếng hay tai tiếng trong thời buổi hiện nay đều có lợi, bởi có nhãn hàng lại thích mời những người càng tai tiếng, càng scandal càng tốt. Đó là mặt trái nhưng lại cũng là điều bình thường trong xã hội.

Chúng ta phải chấp nhận nhưng chúng ta sẽ lên án, chứ không cổ súy. Tôi gọi đó là cách thu hút truyền thông không sạch sẽ, không đàng hoàng. Ngay cả thảm đỏ quốc tế danh giá như Cannes, Met Gala có nhiều người mặc hở hang để gây chú ý",
anh nêu quan điểm.

Còn nhớ, năm 2015, nữ diễn viên Hoa ngữ Trương Hinh Dư trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều trên các trang mạng xã hội sau khi khoác bộ đầm chăn con công lòe loẹt đến thảm đỏ Cannes. Bộ cánh lạ mắt khiến cô phải đón nhận không ít ý kiến trái chiều, thậm chí bị liệt kê vào danh sách thảm họa thời trang.

Nhưng ngược lại Trương Hinh Dư tỏ ra tự hào vì đã bừng sáng chỉ sau một đêm, cô gọi đó là thời thượng. Nữ diễn viên cho rằng việc một số kênh truyền thông đưa hình ảnh của cô nhưng không kèm theo tên cũng là điều bình thường: "Tôi không nghĩ mình nổi tiếng đến mức ai cũng biết".
 


Nhiều chân dài vô danh đến thảm đỏ chỉ để gây sốc. 
 

Sau Trương Hinh Dư, loạt sao hạng B Trung Quốc khác như Lam Yến, Từ Đại Bảo tiếp tục bị chỉ trích vì cố tình làm lố tại LHP Cannes 2017. Từ Đại Bảo thậm chí còn bị tẩy chay sau khi mặc váy in hình quốc kỳ với chi tiết cắt khoét hở hang. Trước làn sóng phản đối dữ dội, cô buộc phải lên tiếng giải thích, gửi lời xin lỗi trên trang cá nhân.

Và còn nhiều gương mặt vô danh, những nhân vật ít được biết đến khác hàng năm vẫn xuất hiện trên thảm đỏ Cannes, Grammy, Quả cầu vàng... trong những trang phục kỳ quái, không thể gây sốc hơn, hoặc hở bạo, hớ hênh nội y.

Họ chấp nhận bị gắn mác thảm họa, bị chỉ trích thậm tệ để làm điều mình muốn, như giám đốc sáng tạo Hoàng Anh kết luận: "Với những tên tuổi chưa đủ lớn, chưa đủ thực lực, họ phải tìm mọi cách, sử dụng chiêu trò để nổi bật lên giữa rừng sao". 

Theo Zing.vn


Tiêu Châu Như Quỳnh thảm đỏ

Tin tức mới nhất