Viêm loét dạ dày: Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi

Hiện nay, ngày càng có nhiều người bị viêm loét dạ dày vào mùa hè. Đây là căn bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và nếu không chữa trị sẽ tăng nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày.

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm loét dạ dày

Theo BS Ngô Thị Kim Xuân, Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa, dạ dày là một bộ phận quan trọng trong hệ tiêu hóa của con người. Chúng thực hiện những chức năng chính như nghiền thức ăn và sử dụng các enzym tiêu hóa trong dịch vị nhằm phân hủy thức ăn…

Triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày biểu sớm nhất đó là đau bụng. Cơn đau thường biểu hiện giữa bụng trên rốn, cũng có thể lan hoặc không lan ra sau lưng. Đau dạ dày thường xuất hiện ngay sau khi ăn khoảng 2-3 tiếng, hoặc khi đang đói mà ăn vào sẽ đau ngay, có khi cơn đau hành hạ vào lúc nửa đêm. Cảm giác đau có thể khác nhau: đau âm ỉ, đau bỏng rát, đau tức bụng, đau quặn từng cơn, cơn đau nặng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể, bạn có thể sẽ cảm thấy tức ngực, đau lưng...

Bệnh nhân khi mắc bệnh viêm loét dạ dày thường có cảm giác muốn nôn, ói. Triệu chứng này thường gặp lúc đang tiêu hóa thức ăn, khi bị đau nhiều gây co bóp dạ dày phản xạ trong bệnh loét dạ dày cấp tính. Kể cả ở thời kỳ cuối cùng của bệnh loét dạ dày chúng ta cũng gặp những cơn đau do đóng sẹo làm hẹp môn vị, thức ăn bị ứ đọng lại trong dạ dày không qua được môn vị để xuống tá tràng.

Trong thời kỳ đầu phát triển của bệnh này thường thấy dịch vị có độ chua cao. Chính vì thế, đa số những người bị loét dạ dày đều có triệu chứng ợ chua trong thời kỳ đầu của bệnh.

Vì dạ dày của bệnh nhân bị viêm loét, nên quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra ở dạ dày bị gián đoạn đáng kể, việc tiêu hóa và hấp thu các chất đi nuôi cơ thể nên người bị bệnh dạ dày thấy sụt giảm cân nhanh mà không rõ nguyên nhân.

phòng bệnh viêm loét dạ dày mùa hè
Viêm loét dạ dày là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và tăng nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày. Ảnh minh họa

Loét dạ dày cũng gây ra ung thư

Bác sĩ Xuân cho biết, đôi khi loét dạ dày cũng gây ra biến chứng dẫn đến ung thư dạ dày. Đặc biệt là những trường hợp viêm, loét bờ cong nhỏ, môn vị và viêm loét hang vị, nhiễm vi khuẩn HP cũng làm tăng 2-6 lần nguy cơ gây ung thư dạ dày.

Ung thư dạ dày một căn bệnh nguy hiểm gây tỷ lệ tử vong cao nhất trong những người tử vong do bệnh tật.

Nguyên nhân gây nên ung thư dạ dày thường xuất phát từ biến chứng do các bệnh dạ dày gây ra như: Viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, viêm xung huyết dạ dày... Và một số người có nguy cơ mắc phải ung thư dạ dày cao do thói quen, lối sống sinh hoạt không khoa học. Những người lạm dụng rượu bia, theo một số nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ bị mắc ung thư dạ dày cao cũng sảy ra ở những người nghiện rượu do cồn có thể phá hủy thành dạ dày gây nên bệnh dạ dày và ung thư dạ dày cao…

Cũng có rất nhiều nguyên nhân gây nên viêm loét dạ dày như người bị căng thẳng, phải suy nghĩ nhiều, thức khuya sẽ ảnh hưởng đến tiết dịch dạ dày. Khi thần kinh bị căng thẳng kéo dài sẽ làm dạ dày có nguy cơ viêm loét.

Một yếu tố nữa dễ bị loét dạ dày là uống cà phê. Cà phê kích thích sự tiết axit trong dạ dày khiến vết loét càng nặng.

Ngoài ra thời tiết mùa hè nắng nóng khó chịu, khiến  sức đề kháng kém càng dễ làm cho bệnh viêm loét dạ dày tái phát và trở nên trầm trọng hơn.

Với đặc tính nắng nóng trong mùa hè, khi lao động, tập luyện, đi lại... mồ hôi ra nhiều làm cho chúng ta rất khát nước. Vừa nóng vừa khát nên ai cũng thích những thức uống lạnh vì nghĩ là sẽ mát và đỡ khát. Tuy nhiên với những người bị bệnh về tiêu hóa như viêm loét dạ dày cấp tính, viêm đường ruột cấp tính… nếu uống đồ uống lạnh sẽ làm cho các vi mạch máu trong dạ dày, ruột co thắt lại, dẫn đến niêm mạc thiếu máu, từ đó làm giảm chức năng tiêu hóa và khả năng sát khuẩn của dạ dày, sẽ dẫn đến các bệnh về đau dạ dày. Hơn nữa, vào mùa hè, các loại trái cây rất phong phú, trong đó có nhiều loại trái cây có vị chua như cam, chanh, sấu, xoài xanh… Nếu người dân không kiềm chế mà ăn quá nhiều những thực phẩm có tính axit cao, vitamin C này thì cũng là mối đe dọa đối với dạ dày.

Phòng bệnh viêm loét dạ dày cần ăn uống hợp lý

BS Xuân chia sẻ, với những người mắc bệnh viêm loét dạ dày cần đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên bạn không nên ăn quá nhiều, không nên ăn quá no và tuyệt đối không được bỏ bữa.

Thực phẩm có chứa nhiều axit như cam, chanh, cóc, xoài xanh, dưa muối,các loại đồ uống chứa chất kích thích và chất axit… cũng không phù hợp với những người bị bệnh viêm loét dạ dày.

Không dùng một số thuốc ảnh hưởng tới dạ dày như vitamin C, axít folic điều trị thiếu máu, các thuốc dạng sủi bọt, thuốc giảm đau kháng viêm… Khi cần thiết phải dùng thuốc thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng.
 
Ngoài ra, căng thẳng, stress, áp lực chính cũng một trong những nguyên nhân làm tăng sản sinh axi dạ dày và tiêu hóa chậm, gây rối loạn dạ dày lâu dần gây nên các chứng bệnh viêm loét dạ dày và rất nhiều chứng bệnh khác.

Chính vì vậy để hạn chế bệnh viêm loét dạ dày bạn cần chế độ sinh hoạt phù hợp, nên có kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng tháng.

Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất