Vụ clip tiêu cực thi tốt nghiệp ở Hà Nội: Lỗi do giám thị

"Tôi vẫn nói trước hết ở đây là lỗi của người lớn, của giám thị trực tiếp coi thi, nhưng không nói là không xử lý học sinh", ý kiến của PGĐ Sở GD-ĐT Hà Nội về vụ clip tiêu cực ở trường Quang Trung.

Sau khi clip phản ánh tiêu cực thi tại trường THPT Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Chiều 13/6, đại diện Sở GD – ĐT Hà Nội, ông Nguyễn Hiệp Thống (Phó giám đốc) đã có những trả lời chính thức về vụ việc này.


Ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội.

- Trong thông báo Dự kiến xử lý vi phạm Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại Hội đồng coi thi tốt nghiệp THPT Quang Trung - Hà Đông cho rằng hiện tượng học sinh trao đổi, đọc đáp án thậm chí đưa bài cho bạn qua mặt giám thị chỉ là “một số thí sinh mất trật tự, trao đổi với nhau” và không xử lý thí sinh. Ông giải thích như thế nào về kết luận này?

- Theo tường trình của giám thị coi thi tại phòng số 35 trong cả hai buổi thi Toán và Ngoại ngữ, phần lớn thời gian các em đã hoàn thành bài làm. Vài phút cuối giờ các em mất trật tự,  chỉ còn 1-2 bạn trao đổi với nhau gây nên hình ảnh phản cảm như vậy.

Khi xem những đoạn clip này, điều khiến chúng tôi không hài lòng chính là các giám thị đã làm trái với trách nhiệm của mình.

Nếu các giám thị làm hết trách nhiệm, thì không có một cơ hội nào cho các em quay sang nói chuyện riêng và chuyển thông tin cho nhau.

Hơn nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng là một kỳ sát hạch về kiến thức sau 12 năm học để từ đó đánh giá được việc dạy của thầy và việc học của trò. Chúng tôi không coi đó là những thước đo cứng nhắc.

Tôi vẫn nói trước hết ở đây là lỗi của người lớn, nhưng không nói là không xử lý học sinh.

Nếu có hiện tượng bài làm giống nhau hàng loạt, chắc chắn chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo của Hội đồng chấm thi vẫn chưa có dấu hiệu gì bất thường.


Hình ảnh học sinh truyền bài làm qua mặt giám thị tại phòng thi
số 35 trường THPT Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh: Vietnamnet)

- Chỉ có 4 giám thị coi thi bị cảnh cáo trong khi những người khác có trách nhiệm rất lớn như chủ tịch hội đồng thi, thanh tra chỉ bị khiển trách. Liệu với những người đó thì mức kỷ luật như vậy có thỏa đáng?


- Trước đây chủ tịch đi làm nhiệm vụ thi thì đều mang theo đội ngũ giáo viên của trường mình. Tuy nhiên, hai năm nay, chúng tôi đã  giao cho chủ tịch hội đồng và thư ký sang một trường mới với những giáo viên mới để đảm bảo tính khách quan.

Trong báo cáo, có giám thị coi thi tại phòng số 35 không đảm bảo sức khỏe nên dù họ rất trách nhiệm nhưng vẫn phải đi ra ngoài nhiều. Chủ tịch hội đồng không thể nắm bắt được những sự việc như vậy.

Về hình thức kỷ luật, theo quy chế những đồng chí trực tiếp trong phòng thi bị cảnh cáo. Những trường hợp còn lại tùy mức độ liên quan sẽ có hướng xử lý phù hợp.

- Ngay sau khi kỳ thi kết thúc, clip tiêu cực thi cử đã được gửi lên Bộ GD-ĐT và nhanh chóng chuyển cho Sở nhưng đến nay mới được  công khai. Ông có ý kiến gì khi nhiều người cho rằng cơ quan chức năng phản ứng chậm trễ đối với việc phản ánh tiêu cực?

- Sở GD - ĐT đã tiếp nhận thông tin ngay sau khi vụ việc xảy ra. Tuy nhiên, việc xác minh phải có quá trình. Chúng tôi phải phối hợp với công an để xác minh tính xác thực của clip, phải qua nhiều cuộc họp đối chất với các cán bộ liên quan để lấy tường trình, kiểm điểm và đưa ra kết luận thanh tra làm cơ sở kiến nghị xử lý kỷ luật.

- Có ý kiến cho rằng, lãnh đạo Sở GD – ĐT đã biết trước thông tin đoàn thanh tra đột xuất của Bộ sẽ về hội đồng thi trường THPT Quang Trung , vì vậy đã có cán bộ ra đón. Tại sao lại có sự trùng hợp này?

- Tôi xin được giải thích là Bộ GD - ĐT về thanh tra hoàn toàn không thông báo gì với Sở. Đây không phải lần đầu tiên mà nhiều năm các đồng chí về  cơ sở trường học thanh tra đều không báo trước.

Đương nhiên, khi lãnh đạo Bộ GD – ĐT về kiểm tra, cán bộ Sở phụ trách điểm trường nào phải có mặt để trả lời chất vấn và nghe chỉ đạo. Đây không có một chút gì sắp đặt.

- Trong clip góc quay được đặt ở ngoài, phải chăng việc này đã được dàn xếp?

- Tôi chưa nghĩ đến tình huống này. Sự thực về cơ sở vật chất của trường rất đáng buồn vì còn nhiều hộ gia đình ở trong trường học. Chúng tôi cũng đã cảnh báo với những phòng thi gần nhà dân, để đảm bảo trật tự yên tĩnh trong lúc làm bài thì phải đóng cửa nhưng với thời tiết nắng nóng nếu phòng đóng cửa kín rất tội cho các em.

- Như vậy, phải chăng Sở GD – ĐT Hà Nội đã hối hận khi đặt hội đồng thi tại trường THPT Quang Trung?

- Tôi không nghĩ như vậy. Trường THPT Quang Trung đủ điều kiện cơ sở vật chất cho kỳ thi này.

- Việc giáp nhà dân rõ ràng không ảnh hưởng tới không khí làm bài của các em mà chỉ giúp cho ngành giáo dục phát hiện tiêu cực dễ dàng hơn?

- Việc phòng thi gần nhà dân có ảnh hưởng đến quá trình làm bài của các thí sinh. Nếu các bạn xem clip đều biết khi các em làm bài thì tiếng chuông, tiếng xe máy đi lại, tiếng của nhà bên cạnh, thậm chí còn có tiếng rao hàng.

Đối với nhiều trường học có tình trạng ở sát nhà dân, chúng tôi đặc biệt lưu ý về an ninh vòng ngoài bởi rất có thể sẽ có hiện tượng ném bài vào trong khu vực thi, hay các em có thể nghe loa từ bên nhà dân để giải bài. Vì vậy tốt nhất khu vực thi phải đặt xa khu dân cư.

Tuy nhiên, việc làm này không phải để chống lại tình trạng phản ánh tiêu cực. Chúng ta đồng tình với nhau rằng tiêu cực không chỉ riêng ở ngành giáo dục. Đối với bất cứ tiêu cực ở lĩnh vực nào chúng ta cũng phải chung tay chống lại. Nhưng nếu phòng thi ở gần nhà dân chắc chắn sẽ làm các em phân tán tư tưởng.

- Ông có nghĩ cần một cơ chế giám sát đặc biệt đối với các hội đồng thi hay không khi mà hiện nay các hội đồng thi như là những ốc đảo riêng biệt?

- Không chỉ riêng việc thi cử, nếu tất cả các công việc của chúng ta có sự giám sát xã hội đều rất tốt. Rất tiếc là có những giám thị đó vẫn chưa làm hết trách nhiệm của mình. Đó là lý do vì sao cơ chế quy định kỷ luật nếu giám thị buông lỏng trách nhiệm.

Trước hết tôi phải nói rằng, không chỉ có các đồng chí giám thị trong các phòng thi mà hội đồng thi còn có các đồng chí thanh tra ở những trường khác.Ở đây thanh tra cũng đã không hoàn thành nhiệm vụ.

Bộ GD - ĐT cho học sinh mang các thiết bị quay vào phòng thi cũng là một cách để giám sát quá trình thi.

Việc chống tiêu cực chúng ta cần ủng hộ. Tuy nhiên, nếu ở mỗi phòng thi phải có một camera riêng để quan sát các phòng thi thì điều kiện của chúng ta chưa thể đáp ứng một khoản kinh phí lớn.

Trong điều kiện hiện nay, học sinh được quyền thực hiện nhiệm vụ của mình là được học, được thi và nếu có tiêu cực thì được quyền được phản ánh. Nếu giám thị và thanh tra thực hiện hết quyền của mình thì theo tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì xảy ra.

Theo Infonet

Tin tức mới nhất