45 năm sống trên đời chưa từng được tặng quà 8/3

“45 năm sống trên đời, có ai bảo với tôi là có ngày dành riêng cho phụ nữ đâu. À, hình như có ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 thì phải” - bà Hợi vừa nói vừa mải miết tìm những vỏ lon lẫn trong đống rác.


Những bó hoa giá vài trăm nghìn là điều không tưởng
đối với những nữ cửu vạn thành Vinh

Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, các ngả đường thành phố Vinh (Nghệ An) ngập tràn trong sắc hoa. Những lẵng hoa có giá từ 100.000 đồng đến cả triệu đồng. Đó là con số quá sức tưởng tượng đối với những người phụ nữ nghèo đang oằn lưng mưu sinh.

Lục lọi những túi bóng chất trên chiếc xe rác để kiếm mấy chiếc lon bia hay hộp giấy, bà Nguyễn Thị Hợi (xóm 10, xã Nghi Kim, TP Vinh) đứng lặng một lúc trước khi bật ra câu trả lời: “Mùng 8 tháng 3 à. Hình như ngày của các thầy cô giáo”. Rồi khi biết đó là ngày Quốc tế phụ nữ, bà cười: “45 năm sống trên đời, có ai bảo với tôi là có ngày dành riêng cho phụ nữ đâu. À, hình như có ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 thì phải”.


45 năm sống trên đời, bà Hợi chưa một lần được nhận quà 8/3

Quá lứa lỡ thì, bà Hợi đành ở vậy. Trước đây, bà Hợi chạy chợ kiếm sống. Gọi là chạy chợ cho oai nhưng thực ra là bòn mót rau muống ngoài hồ, trồng ít luống rau trong vườn rồi mang ra chợ bán kiếm lời. 3 năm nay sức khỏe kém, không thể đi chợ được, bà chuyển về nhà chăn nuôi. Vay mượn đủ tiền mua 5 con lợn giống thả chuồng, công việc của bà là ngày ngày đi lấy nước rác về cho lợn và nhặt nhạnh phế liệu bán kiếm thêm. Cố gắng thì ngày cũng kiếm được vài ba chục nghìn, đủ mua mớ cá hay bó rau ăn trong ngày.

Cả đời tôi chưa được tặng một bông hoa hay món quà nào nên cũng chẳng quan tâm tới ngày 8/3 là ngày gì”, bà Hợi tâm sự. “Thế ở xóm người ta không tổ chức gì trong ngày này à?”- tôi hỏi, bà Hợi thở dài: “Sáng mở mắt là đạp xe đi, trưa đảo qua nhà cho lợn ăn rồi lại đi nhặt phế liệu đến tối mịt. Về đến nhà, mệt quá chỉ kịp tắm rửa qua loa rồi leo lên giường, cũng không có thời gian mà để ý nữa”.


Với chị Hòa, ngày 8/3 không có ý nghĩa gì
khi gánh nặng cơm áo vẫn đè nặng trên vai


Cũng lấy nghề đồng nát mưu sinh nhưng chị Trần Thị Hòa (xã Nghi Thạch, Nghi Lộc) may mắn hơn bà Hợi. Hai vợ chồng chỉ có 8 thước ruộng và 4 sào lạc mùa được, mùa mất nên cuộc sống cũng khá khó khăn. Để có thêm đồng ra đồng vào, chồng chị đi làm “thợ tiện” (ai thuê gì làm nấy), còn chị mỗi ngày đạp hơn 20 cây số vào thành phố thu mua đồng nát. Gánh nặng học hành của 2 đứa con nhỏ đang học tiểu học và một đứa nữa sắp chào đời, chị cũng chẳng còn tâm trí nào mà nghĩ tới ngày dành riêng cho mình. Ngược lại, với chị, ngày lễ, đồng nghĩa với việc người ta ăn nhậu nhiều hơn, các quán bia, cửa hàng có nhiều đồng nát để bán. Và nếu may mắn, chị có thể mua với giá rẻ hơn thường ngày.

Với tôi, quan trọng là mỗi ngày kiếm được bao nhiêu tiền để lo cho các con ăn học và chuẩn bị cho đứa bé sắp chào đời. Nghỉ ngày nào thì thiếu hụt ngày đó. Ngày lễ, tết, nhiều khi chẳng muốn nghĩ đến vì nghĩ càng thêm chạnh lòng”, chị Hòa tâm sự.

Tay thoăn thoắt xúc cát vào chiếc xe rùa để chuẩn bị trộn hồ, chị Hồ Thị Mai (xã Hưng Hòa, Tp Vinh) cho biết, nhà ít ruộng, tranh thủ nông nhàn, vợ chồng chị vào thành phố làm thuê. Chồng làm thợ xây, vợ làm phụ hồ, mỗi ngày cũng được gần 300 nghìn đồng. “Một đứa đang học 12, đứa còn lại học 11, từng ấy tiền không thấm vô mô cả vì học chính, học thêm liên miên”, chị Mai cho biết.


Đối với chị Mai, không có món quà nào ý nghĩa hơn vợ chồng yêu thương nhau

Hỏi chị về ngày 8/3, chị chỉ cười “Ở nông thôn, chẳng mấy ai quan trọng ngày 8/3 hay 20/10. Mấy chục năm sống với nhau nhưng chồng tôi cũng chưa bao giờ mua một bó hoa tặng vợ. Mà cái ấy cũng chẳng quan trọng gì. Cái quan trọng là hai vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau là được rồi”.

Có lẽ hơn 10 năm nay, chị Lê Thị Lài (Hưng Tây, Hưng Nguyên) gắn bó với cái nghề cực nhọc này - nghề gánh gạch vào lò. Ngày rét, công việc đỡ vất vả nhưng đến hè, dưới cái nắng như thiêu như đốt của mặt trời và cái nóng hầm hập của gạch mới nung thì cái nghề gánh gạch vào lò mới thực sự khổ cực. Vất vả, cực nhọc như vậy nhưng mỗi ngày chị Lài chỉ kiếm được hơn 100 nghìn đồng.


Không có ngày nghỉ nào, dù là ngày 8/3 nhưng niềm hạnh phúc nhất của chị Lài
là từ những gánh gạch này chị đã nuôi được các con ăn học nên người

Tiền học phí, sinh hoạt phí của đứa út đang học đại học trông chờ vào từng đó thôi. Chỉ có ngày mưa không thể làm được hoặc ốm đau mới dám nghỉ chứ ngày 8/3 hay lễ lạt gì cũng thế thôi. Nghỉ thì lấy đâu ra tiền mà nuôi con ăn học”, chị Lài cho biết.

Vất vả là vậy nhưng điều hạnh phúc lớn nhất của chị là cô con gái thứ 2 đã ra trường và có công việc ổn định ở Sài Gòn. Cô con gái út hiện đang học năm cuối một trường ĐH danh tiếng ở Hà Nội. “Nhà nông, việc được chồng tặng hoa, tặng quà nhân ngày 8/3 hay 20/10 gần như không bao giờ xảy ra. Ngày này, niềm vui của tôi là nhận được những cuộc điện thoại gọi về chúc mừng của các con. Thấy các con thành đạt, học hành tấn tới là vui lắm rồi, chẳng mơ ước gì hơn nữa”.

Theo Dân Trí

Tin tức mới nhất