Bác đề nghị cấm xuất cảnh với siêu mẫu Ngọc Thúy

Biết Ngọc Thúy đang ở Việt Nam, chồng cũ của siêu mẫu yêu cầu tòa triệu tập bị đơn để giải quyết dứt điểm vụ kiện. Tuy nhiên, yêu cầu này bị tòa từ chối. Vụ án đã thụ lý 3 năm đến nay vẫn chưa được xét xử.

TAND TPHCM gửi giấy triệu tập đương sự Nguyễn Đức An (Việt kiều Mỹ, chồng cũ của siêu mẫu Ngọc Thúy) là nguyên đơn vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu tài sản với vợ cũ đến trụ sở tòa để thực hiện việc đối chất vào ngày 9/8.

Ông An cho biết, đã trình diện, hợp tác với tòa. Tuy nhiên, người đại diện của bà Phạm Thị Ngọc Thúy (SN 1980, tức siêu mẫu Ngọc Thúy) - bị đơn chưa một lần đối chất với ông tại tòa để vụ án được sớm đưa ra xét xử.

Những ngày qua, siêu mẫu Ngọc Thúy về Việt Nam. Với mong muốn vụ án sớm được đưa ra xét xử sau 3 năm tòa thụ lý, tránh tình trạng kéo dài, phức tạp, ông Nguyễn Đức An đã đề nghị TAND TPHCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không cho Ngọc Thúy xuất cảnh để hợp tác giải quyết vụ kiện nhanh chóng. Ông An cũng cam kết với tòa sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà Ngọc Thúy nếu quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa gây ra thiệt hại cho bị đơn.
 
Ngọc Thúy - Đức An ngày còn mặn nồng.

Tuy nhiên, yêu cầu này của ông Đức An bị tòa từ chối. Tại văn bản số 972/TATP-TDS, thẩm phán thụ lý vụ kiện nêu lý do không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì: “Bị đơn (Ngọc Thúy) có xuất cảnh hay không xuất cảnh không ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án vì bị đơn đã ủy quyền cho bà Đào Lệ Thu tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật và tài sản tranh chấp thì đang tọa lạc tại Việt Nam. Vậy nên việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn việc xuất cảnh của bị đơn – bà Phạm Thị Ngọc Thúy là không cần thiết”.

Cầm văn bản trả lời của tòa, ông An tỏ ra thất vọng khi cho rằng, số tài sản tranh chấp đã bị tẩu tán gần hết. Nguyên đơn thắc mắc, tòa khẳng định có người đại diện của bị đơn nhưng sao vẫn không đưa vụ án ra xét xử?. “Trong 3 năm qua, bị đơn nhiều lần về Việt Nam nhưng cũng chẳng lo ngại phải hầu tòa và không có ý hợp tác với tòa để giải quyết. Bị đơn cứ xem như chẳng có chuyện gì xảy ra và chẳng cần trả lời bất cứ ai” - ông An bức xúc.

Trước đó, vụ án này đã được TAND quận 1 thụ lý và chuẩn bị lên lịch xét xử. Tuy nhiên, phía bị đơn nhất quyết đòi chuyển hồ sơ lên TAND TPHCM. Tuy nhiên, từ khi TAND quận 1 quyết định chuyển hồ sơ vụ án dân sự này lên cấp trên (theo quyết định số 47/2011/QĐST-DS, ngày 16/9/2011) đến nay, vụ án lại “án binh bất động”.

Một diễn biến khác, trong đơn tường trình gửi đến TAND TPHCM, bà Trương Thị Bê, mẹ ruột của siêu mẫu Ngọc Thúy cũng thừa nhận, danh mục tài sản tranh chấp bao gồm hàng chục căn hộ cao cấp, villa biệt thự ở quận 1 (TPHCM), Phan Thiết, Đà Nẵng, đất ở Quận 2 (TPHCM), TP Vũng Tàu, cổ phần tại công ty Sao Mai, xe ô tô, xe máy Vespa… tất cả thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Đức An.
 
Ông Đức An cho biết, ông muốn lấy lại toàn bộ tài sản
đang tranh chấp để dành cho 2 con gái.

“Tài sản này mua bằng chính tiền cá nhân của ông An có được trước khi kết hôn cùng cô Thúy. Sau khi kết hôn, ông An đã nhờ Thúy đứng tên toàn bộ số tài sản vì ông An không phải là công dân Việt Nam. Cô Thúy hoàn toàn không có sự đóng góp về tiền cùng ông An để mua số tài sản đang bị tranh chấp. Những tài sản này, ông An mua với mục đích muốn để lại cho 2 con gái là Angelina Dior Nguyễn và Valentina Dior Nguyễn”, bản tường trình bà Bê ghi.

Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn, ông An và bà Thúy kết hôn vào năm 2006 nhưng đến ngày 26/9/2007 lại nộp đơn ly hôn tại tòa án California, hạt Orange, Hoa Kỳ. Trong khoảng thời gian còn nghĩa vợ chồng (tức năm 2007 đến đầu năm 2008), do ông An không có quốc tịch Việt Nam nên đã dùng tài sản tạo lập trước khi kết hôn để mua bất động sản, xe cộ, lập các tài khoản ngân hàng, cổ phiếu… tại Việt Nam và nhờ vợ mình (Ngọc Thúy, vẫn mang quốc tịch Việt Nam) đứng tên trên giấy tờ sở hữu, sử dụng tài sản đó.

Khi giải quyết vụ án ly hôn giữa siêu mẫu Ngọc Thúy và chồng, tòa thượng thẩm California, Hoa Kỳ đã tuyên: Cấp quyền giữ lại làm tài sản riêng, không có tài sản chung mà các bên có được trong hôn nhân. Nghĩa là, các dự án bất động sản, căn hộ, biệt thự, tài khoản và xe cộ mà ông An nhờ bà Thúy đứng tên ở Việt Nam đều thuộc tài sản độc quyền của ông An, bà Thúy phải trả lại cho ông An sau khi ly hôn.

Theo Dân Trí

Tin tức mới nhất