Bé sinh non 500g có nguy cơ phải "bỏ viện" về nhà

Người mẹ trẻ ốm yếu tội nghiệp đã sinh non đứa con của mình khi bé chỉ nặng có 500g. Cậu bé may mắn thoát khỏi cơn nguy kịch sau 28 ngày tuổi.

Thế nhưng, bé đang đối diện nguy cơ phải đưa về nhà khi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Vậy là sau những lo lắng của các y bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cậu bé sinh ra chỉ nặng 500g đã sống sót kỳ diệu cho đến nay. 28 ngày tuổi, bé Lê Sỹ Cường đã thoát khỏi những chiếc máy thở, đã tăng được 300g và ăn được 70mm sữa/h.

Ngày đầu tiên sinh ra bé chỉ nặng 500g, cánh tay chỉ lớn hơn chiếc bút bi một chút
Ngày đầu tiên sinh ra bé chỉ nặng 500g,
 cánh tay chỉ lớn hơn chiếc bút bi một chút

 Chúng tôi đến thăm bé khi sức khỏe của bé đã tạm ổn định. Nằm trong chiếc lồng kính, nghe những tiếng thở đều đều của bé, có ai biết được rằng bé vừa chiến đấu với tử thần khi mới chỉ trong bụng mẹ 22 tuần tuổi đã được sinh ra.

 Chỉ có bà nội ở trong bệnh viện, mẹ cậu bé đang ốm nên phải về nhà còn bố thì đi làm thuê xa. Nhìn bé nằm trong lồng kính côi cút tội nghiệp mà thương đến đứt ruột. Ngồi vạ vật trong góc hiên của bệnh viện, bà Nguyễn Thị Thông, (thôn 2, xã Hoằng Long, thành phố Thanh Hóa), bà nội của bé Cường với khuôn mặt khắc khổ cho biết: “Con dâu tôi mới về hôm qua, nó yếu quá, chỉ nặng 36 hay 37 kg gì đó thôi. Mấy hôm nay trông cháu ở đây nên ốm, tôi phải nói mãi nó mới về để tôi trông đỡ cho vài ngày”.

 “Lúc sinh cháu ra, gia đình cứ tưởng cháu không qua được. Nhưng may được các y bác sĩ ở bệnh viện cứu sống. Ngày hai mẹ con nó lên viện cấp cứu ở nhà phải bán vội đi những bì lúa vừa thu hoạch phơi còn chưa ráo hạt mới có tiền. Một tháng trời ở trên này, mọi chi phí ăn ở đi lại đều vay mượn bà con hàng xóm. Giờ các bác sĩ bảo cháu còn phải ở viện vài tháng nữa, nhiều thứ phí bảo hiểm không trả rồi tiền ăn ở đây không biết lấy đâu. Hai vợ chồng nó quanh năm làm thuê làm mướn mà cũng chẳng đủ ăn. Mẹ cháu và đứa con đầu thì quanh năm ốm đau” – bà Thông sụt sùi kể, đôi mắt người bà cứ nhìn xa xăm như cầu cứu pha lẫn sự bất lực. Thương con, thương cháu nhưng bà chẳng thể làm gì được. Những bó rau bán rong mỗi ngày của bà cũng chỉ đủ mưu sinh qua ngày thôi.

Ngồi vạ vật ở hiên bệnh viện, đôi mắt người bà nhìn xa xăm như cầu cứu pha lẫn sự bất lực
Ngồi vạ vật ở hiên bệnh viện, đôi mắt người bà
 nhìn xa xăm như cầu cứu pha lẫn sự bất lực

 Từ ngày nhập viện đến giờ, không ai trong khoa cấp cứu sơ sinh là không biết có một  người mẹ trẻ gầy gò, ốm yếu suốt ngày loanh quanh trong bệnh viện để chăm con. Nhìn chị, những bệnh nhân cũng như các y bác sĩ đều ái ngại, thương cảm. Người mẹ đau ốm và gia cảnh quá khó khăn giờ sao chăm nổi bé? Nghe những người ở đây kể đến ngay cả sữa cho con chị cũng phải nhờ sự cưu mang từ lòng tốt của những người trong bệnh viện thì tôi tự hỏi liệu cuộc đời của bé rồi đây sẽ ra sao? Rồi thấy thắt lòng khi nghĩ đến những gian nan mà bé phải đối mặt ở phía trước.

Bé dũng cảm vượt qua cơn nguy kịch cho đến nay đã được 28 ngày tuổi
Bé dũng cảm vượt qua cơn nguy kịch cho
 đến nay đã được 28 ngày tuổi

 Bác sĩ Lê Xuân Trung, Trưởng Khoa Cấp cứu sơ sinh băn khoăn: “Mặc dù bảo hiểm đã chi trả hầu hết các phí tuy nhiên để can thiệp tích cực cho bệnh nhân như thế này, bệnh viện đang áp dụng longline kéo dài vào tĩnh mạch (catheter dành cho trẻ sinh cực non, giá từ 1,5 triệu đến 1,8 triệu và 3- 5 ngày phải thay một lần. Đây là phí không có trong danh sách bảo hiểm chi trả. Trong khi đó để chắc chắn cháu bé sống khỏe mạnh phải ở lại bệnh viện ít nhất 2 đến 3 tháng”.

 “Đây là một trường hợp đặc biệt, cháu bé là ca đầu tiên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa gặp khi sinh non chỉ nặng 500g. Không ai nghĩ cháu có thể sống sót kỳ diệu đến như vậy. Cháu bé lúc chuyển từ Bệnh viện Phụ sản sang đây ở trong tình trạng bị màng trong độ 4 (là mức độ nặng nhất của bệnh phổi chưa trưởng thành ở trẻ đẻ non). Tuy nhiên, chúng tôi đã cố gắng hết sức để cứu sống cháu bé. Cho đến bây giờ khi cháu mới chỉ qua cơn nguy kịch thì gia đình lại quá khó khăn và có ý định xin cho cháu về để chăm sóc. Những trẻ đẻ non như thế này rất dễ nhiễm trùng nếu không được chăm sóc đặc biệt. Vì thế nếu đưa cháu về, không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra. Chúng tôi đang tìm mọi cách để có thể để cháu ở lại”- bác sĩ Trung chia sẻ.

Sự sống của bé vẫn trông chờ ở sự may rủi
Sự sống của bé vẫn trông chờ ở sự may rủi

 Trong chiếc lồng kính chật hẹp kia, cậu bé vẫn đang ngủ, những tiếng thở đều đều, bình yên. Nghĩ về sự sống và cái chết của bé vẫn đang trông chờ ở sự may rủi, tôi thấy tim mình như bị ai đó bóp nghẹt. Có lẽ nào bé đã kiên cường vượt qua cơn nguy kịch nhưng lại đầu hàng số phận khi hoàn cảnh bố mẹ quá éo le?

Theo Dân trí

Tin tức mới nhất