Bến Tre: người đàn ông 10 năm chịu xích giữa rừng dừa

Đó là hoàn cảnh đáng thương của ông Lê Văn Mới Anh tại ấp 3, xã Thạnh Phú Đồng, Giồng Trôm, Bến Tre. Ông bị bệnh tâm thần đã nhiều năm.

Căn bệnh tâm thần quái ác

Ông Mới Anh năm nay 50 tuổi, trước đây ông từng tham gia cuộc chiến tranh biên giới Tây - Nam. Hết chiến tranh, ông Mới Anh trở về quê và cưới vợ, nhưng chỉ được hai năm thì ông bắt đầu có triệu chứng tâm thần bất ổn. Ông hay lảm nhảm một mình và đánh chửi vợ.

Gia đình đưa ông Mới Anh tới bệnh viện tỉnh khám, tại đây bệnh viện kết luận ông mắc bệnh tâm thần. Sau 6 tháng điều trị tại bệnh viện tâm thần, thấy bệnh tình ông có phần thuyên giảm nên gia đình đã đón ông về lại nhà. Thế nhưng chỉ được một thời gian, bệnh tình của ông Mới Anh lại tái phát và có tính tình có phần hung hăng hơn trước. Ông thường xuyên đánh vợ, thậm chí vác dao đuổi chém. Đau lòng hơn, ông đã vật chết chính đứa con ruột mới hơn 1 tuổi của mình.


Vì căn bệnh quái ác, ông Mới Anh đã hại chết chính con ruột mình.

Thấy hành vi của ông Mới Anh ngày càng khó kiểm soát, gia đình muốn ông trở lại bệnh viện tâm thần nhưng không được bởi không ai có thể chạm vào ông nếu ông không muốn. Đã nhiều lần gia đình cố đưa ông lên xe nhưng ông vùng vẫy quá mạnh nên không có phương tiện nào chở được. Mà hễ ông nổi giận, dù nhiều người cũng không đủ sức khống chế được ông.

Về phần vợ ông Mới Anh, sau cái chết của con, bà cũng lâm vào khủng hoảng, không còn đủ sức lực, tâm trí chăm sóc ông nữa nên trở về nhà mẹ ruột để sống.

Dù rất đau lòng nhưng lo lắng về việc không kiểm soát được ông Mới Anh, trong khi trẻ em trong xóm rất đông nên gia đình đành dựng một căn nhà ngoài vườn, cách biệt rất xa với đường chính và xích ông ở đó. Ông đã chịu xích ở đây hơn 10 năm.


Ông Mới Anh đã chịu xích trong căn nhà này, tách biệt với mọi người hơn 10 năm nay.

Một người bệnh, cả xã cùng lo

Trước đây, ông Mới Em - em trai ông là người đưa cơm nước và thi thoảng giúp ông cắt tóc, thay đồ. Nhưng hiện ông Mới Em và vợ phải đi làm xa, lâu lâu mới về một lần nên nhiệm vụ này được chuyển cho anh Một - con trai ông.  Anh Một kể: “Có vài lần ông cũng bứt được xích và đi xăm xăm về ngôi nhà cũ để tìm mẹ.

Nhưng bà tôi đã mất lâu rồi. Mỗi khi như thế, phải nhờ các cô, chú là người mà ông quen và nhớ mặt, giúp giữ ông lại. Chứ như tôi, khi ông bệnh tôi còn rất nhỏ, ông không nhận ra và không nghe lời”. Được biết, ông Mới Anh trước đây chịu nghe lời mẹ, nhưng bà đã mất vì tuổi già.


Nơi giữ chân ông nằm giữa những lùm cây.

Một người hàng xóm cho biết: “Mỗi đêm ông Mới hay hú hét, ca hát, chửi bới, đôi khi bằng tiếng Việt đôi khi bằng thứ tiếng gì không rõ. Chúng tôi sống gần, nên đêm nào cũng nghe văng vẳng, nhiều khi thấy tội, nhiều khi thấy sợ”.

Chúng tôi đến thăm ông vào một ngày mưa. Không biết từ khi nào, ông cứ áp mắt vào vách như thể rình rập điều gì ở bên kia bức tường - dù bức tường không có lỗ thủng. Khi thấy chúng tôi ông nhìn lạnh lùng rồi nhắm mắt lại và cứ giữ nguyên tư thế áp mặt lúc nãy.


Bàn chân ông đã không còn như chân người bình thường nữa.


Móng tay ông đã thành móng vuốt dài.

Được biết chính quyền xã đã xây cho ông một căn nhà tình thương kiên cố, nhưng ông cũng không chịu ở lại đó. Ông luôn xé hết mùng mền và đập phá bàn ghế, thế nên hiện nay, căn nhà của ông chỉ là ba vách tường bao quanh, trên lợp tôn. Ông cứ ngủ trơ trọi, chịu muỗi đốt, gió lạnh từ năm này qua năm khác.

Ngoài việc xây căn nhà tình thương, chính quyền xã còn vận động từ thiện từ một công ty trên TP.HCM tặng 200.000 đồng/tháng và Ban thương binh - xã hội xã cũng hỗ trợ cho gia đình ông Mới 270.000 đồng mỗi tháng.  


Nơi giữ chân ông đang bị dột mưa, một phần do chính ông đập phá.
 Quanh căn nhà này, mùi hôi tanh bốc lên rất nồng.



Chỗ ngủ ẩm ướt.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Phan Văn Phết (chủ tịch xã) và chị Trang (Ban Thương binh - xã hội xã) cho biết: “Mỗi khi gia đình ông Mới thông báo tình hình khó khăn, chúng tôi đều cho người xuống giúp đỡ. Nếu nay mái tôn hư nữa, chúng tôi sẽ tiếp tục đến hỗ trợ lợp lại”. Anh Một cho biết thêm: “Chính quyền địa phương vẫn hay đến xem xét, giúp đỡ, nhưng rất khó tiếp cận và khuyên được ông”.

Theo Tri Thức Trẻ

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao