Bố xích con trai vào xe máy rồi kéo về nhà vì tội... mê game

Một đoạn clip ghi lại hình ảnh ông bố vô cùng bực tức khi phát hiện đứa con trai của mình đang chơi game ở tiệm internet.

Người bố này đã dùng một sợi dây xích, một đầu xích vào cổ tay cậu bé, đầu kia cài vào xe máy rồi nổ máy, kéo theo cậu phía sau.

Đoạn clip được ghi lại vào chiều ngày 29/10 tại Phú Bình, Thái Nguyên đang được cư dân mạng truyền tay và chia sẻ với tốc độ chóng mặt.

Được biết, cậu bé trong clip này đi chơi nhiều hôm không về nhà. Khi tìm được con đang chơi game tại quán điện tử, ông bố đã vô cùng tức giận. Ngay lập tức, người bố này dùng một sợi dây xích để xích tay cậu bé vào thành xe rồi nổ máy, kéo theo cậu bé phía sau. 

3-72c61
Người bố phát hiện con ở quán điện tử. Ảnh cắt từ clip.

5-72c61
Sợi dây xích được buộc vào cổ tay cậu bé. Ảnh cắt từ clip.

6-72c61
Bố và anh chạy xe máy đi trước, cậu bé lững thững vừa đi vừa chạy theo sau. Ảnh cắt từ clip. 

Theo dõi đoạn clip, người bố đã đi với tốc độ khá chậm để tránh khiến cho cậu bé bị ngã. Sau khi được người đi đường khuyên giải, dù vẫn rất tức giận, ông bố đã để cậu bé lên xe trở về nhà.

7-72c61
Cậu bé được ngồi lên xe để đi về dù người bố vẫn còn rất tức giận. Ảnh cắt từ clip.

Ngay sau khi được chia sẻ, đoạn clip đã được lan truyền chóng mặt và thu hút nhiều sự quan tâm của cư dân mạng. Đa số người dùng bình luận rằng người bố trong đoạn clip đã dạy con sai cách, làm như vậy khiến đứa bé sẽ cảm thấy rất xấu hổ với người đi đường. Hơn nữa nếu tình huống xấu xảy ra, cậu bé có thể bị vấp ngã và vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, có những ý kiến lại cho rằng, vì người bố quá nóng nảy nên đã hành động như vậy. Dù có sai nhưng ông bố vẫn rất thương con, điều này thể hiện qua việc đi xe chậm và đồng ý cho con lên xe chỉ sau một quãng đường rất ngắn.

"Trẻ con ai cũng ham chơi và nghịch ngợm. Ở lứa tuổi này, những trò chơi điện tử thường rất cuốn hút khiến cho những đứa trẻ mải mê không thoát ra được. Hơn nữa, vì không được sự cho phép của gia đình nên mới xảy ra sự việc này. Dù cậu bé có sai nhưng hành động của người bố là không thể chấp nhận được", một người dùng mạng chia sẻ.

"Theo mình, cách làm này chỉ khiến thỏa lòng bực tức của người bố chứ cậu bé thì vô cùng xấu hổ, hiện giờ ai cũng biết chuyện thì cậu bé này sau này sẽ ra sao khi đến trường lớp bị các bạn đem ra trêu cười, người bố làm vậy mà không nghĩ đến hậu quả sâu xa", một người dùng khác cho biết.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều bình luận ủng hộ về thái độ của người bố là phải biết dạy bảo con cái. Họ có cách dạy con riêng của họ, chỉ cần không làm quá nặng nề. Hơn nữa, dù có tức giận tới đâu thì bố vẫn luôn thương con, sau khi cho con chạy một đoạn để dằn mặt thì ông bố này vẫn cho con trai của mình được ngồi lên xe về nhà. 

Cách đây không lâu, trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện một câu chuyện tương tự. Người bố trong lúc nóng giận đã cởi bỏ quần áo của cậu con trai tầm 10 - 12 tuổi và bắt cậu bé hát to "Chưa có hôm nào đẹp như hôm nay" trước sự châm chọc, cười đùa của đám bạn. Đã có rất nhiều luồng ý kiến trái chiều sau khi sự việc xảy ra nhưng đa phần mọi người đều không đồng tình với cách dạy con của ông bố trong đoạn clip.

Theo PGS. TS Huỳnh Văn Sơn (Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) thì không thể cảm thông cho việc giáo dục con cái theo cách này. "Nếu xét ở góc độ pháp luật và giáo dục, đây được xem là một nguy cơ cho nạn bảo hành trẻ em xuất hiện sau này. Song song đó, việc làm này là biểu hiện của sự xúc phạm đến danh dự và nhân cách của trẻ. Những tổn thương tâm lý, ấn tượng tiêu cực sẽ tồn tại sâu sắc trong suy nghĩ của trẻ suốt một thời gian dài".

Theo TS, những ảnh hưởng tâm lý mà cậu bé trong clip có thể gặp phải đó là cậu bé sẽ mặc cảm và xấu hổ ngay trong thời điểm ấy. Sau đó sẽ cảm thấy thương tổn về tâm hồn, mất tự tin trước mặt bạn bè, có nguy cơ trầm cảm hay thậm chí là bị sang chấn tâm lý. Nguy hiểm hơn, những đứa trẻ bị răn đe theo cách làm như ông bố trong clip kể trên sẽ có cái nhìn lệch lạc về chuyện giáo dục giữa người lớn và trẻ nhỏ, có nguy cơ hành xử thiếu tôn trọng người khác về sau. 

"Nếu trẻ lớn lên trong môi trường giáo dục như vậy quá lâu thì chỉ trong một thời gian ngắn sẽ dễ dàng có những hành vi lệch chuẩn xã hội, lệch chuẩn với chính người thân của mình", TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.

 
Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất