"Bông Hồng Lửa" có thai và bí mật kinh hãi của tử tù

Đối diện án tử mỗi ngày sự trừng phạt còn lớn hơn cả cái chết. Đó cũng là một phần để hiểu tại sao, trong chốn lao tù, lại có một tử tù mang thai…




Công an Quảng Ninh cho biết tình trạng quá tải bị án tử hình chính là điều kiện đầu tiên để phát sinh sự việc hy hữu: có thai qua túi ni lông.

Trại giam QN hiện có 80 người bị án tử hình, trong đó có 12 là nữ nên tử tội Nguyễn Thị Huệ không giam trong khu biệt giam mà giam xen kẽ với các phòng giam khác.

Tình trạng đó cũng có thể đang diễn ra ở các trại tạm giam khác.

Phạm nhân Nguyễn Tuấn Hưng, 27 tuổi được Huệ hứa hẹn sẽ cho 50 triệu, Hưng cho tinh trùng vào túi ni-lông, nhét qua khe hở vách tường khu vệ sinh khi lao động tự giác cùng với bơm tiêm.

Huệ đã “tự xử” và đậu thai. Khi trại tạm giam phát hiện, cái thai của Nguyễn Thị Huệ đã 4, 5 tháng tuổi. Theo luật, Nguyễn Thị Huệ thoát án tử hình.

Tất nhiên đây chỉ là lời khai ban đầu.

Bông Hồng Lửa

Là biệt danh lừng lẫy của Nguyễn Thị Huệ ở vùng biên ải, đàn chị của thế giới ngầm, bà trùm thuốc lắc, tay chơi sành điệu sở hữu nhiều con siêu xe và hàng hiệu đắt tiền.

Lý lịch trích ngang của bị án khá xinh đẹp 42 tuổi nghe qua đã lạnh mình. Nguyễn Thị Huệ ( sinh năm 1974) quê huyện Cao Lộc - Lạng Sơn bị Công an Lạng Sơn truy nã tội buôn ma túy.

Năm 2006, Huệ ra đầu thú và bị TAND Lạng Sơn tuyên 48 tháng tù. Ra tù, Huệ tụ tập hàng trăm đàn em bảo kê hàng hóa xuất nhập khẩu ở Lạng Sơn.

Đầu tiên, Huệ tập hợp những tay chơi dữ dằn nhất, chu cấp hoành tráng, huấn luyện bài bản và ra quân càn quét những băng nhóm bảo kê tại chỗ cũng như từ Hà Nội và Hải Phòng “viễn chinh” lên biên ải.

Các băng nhóm buôn lậu cầu viện các “lính đánh thuê” dữ dằn nhất ở Hải Phòng nhưng đều bị từ chối vì “bà chị” quá “khét”.

Những băng cắc ké “yếu mà ra gió” đều bị Bông Hồng Lửa quét sạch khi vừa đặt chân đến khu vực “nhạy cảm” vùng biên giới.

Vì cầm chịch cửa ngõ sinh tử này nên các đường dây ma túy phải quỳ mọp trước bà trùm để xin được bảo kê và chia lãi theo dạng “công ty”.

Thời gian này, anh em chơi ô tô biết nhiều đến Huệ khi bà trùm sở hữu 5,6 con siêu xe tiền tỉ, nổi nhất là chiếc Lexus đỏ mang biển 1111.

Trở lại con đường ma túy, Huệ thiết lập một mạng lưới buôn heroin và thuốc lắc từ Trung Quốc về Việt Nam với số lượng lớn.

Huệ bị bắt vào tháng 4.2012, qua hai cấp xét xử năm 2014, Huệ đều bị tuyên án tử hình!

Chỉ tính theo phép tính sỉ, đường dây này đã mang 32.000 bánh heroin vào Việt Nam, tổng cộng 29 bị cáo bị tuyên án tử.

Đối diện án tử: nỗi ám ảnh của tử tù

Sức “ảnh hưởng” của bà trùm Nguyễn Thị Huệ là rất lớn, kể cả khi vào trại giam nên việc có thể liên lạc với các phạm nhân khác là điều dễ hiểu dù người bình thường nghe có vẻ vô lý.

Những phạm nhân lâu năm, đặc biệt là tử tội có rất nhiều cách để liên lạc với nhau, qua giả tiếng chim hót, “đánh đài” (ký hiệu chữ cái bằng tay), gõ tường, tiếng hú, tiếng họ, vỗ tay…

Bị án tử hình hầu như không ngủ, họ nói chuyện rì rầm cả đêm, hoặc hát, hoặc đọc kinh, hoặc rao lô tô…

Chỉ khi nào tiếng kẻng báo thức họ mới biết mình được sống thêm một ngày và chờ cán bộ quản giáo điểm danh xong rồi ngủ mê mệt, luôn là giấc chiêm bao đang tung tăng ngoài đời.

Tử tội Châu Phát Lai Em rao lô tô suốt đêm:

“Tôi bốc con cờ ra

Cờ ra con mấy

Con mấy gì đây

Con vượn bồng con

Lên non hái trái…

…người ta cho em tám chỉ

Còn tôi cho em nhẫn cỏ

Thì em có bận tâm gì…

Một tử tội cách mấy buồng phạm tội giết người thì thút thít khóc suốt đêm vì ám ảnh, cậu ta chỉ muốn thi hành án thật nhanh, vì cái chết xem ra còn dễ chịu hơn sự cắn rứt lương tâm.

Kỳ lạ là những tử tội nữ lại có sự chịu đựng gan lỳ hơn, ít khi thấy họ khóc.

Những phạm nhân tự giác từng ở chung với Sáu H, bị án tử hình giết người trên xe tốc hành kể rằng bà này bản lĩnh lắm, suốt ngày khuyên họ cải tạo tốt để mau về đời:

- Về rồi thì tu luôn nha, ở tù mình khổ thì ít mà làm khổ gia đình, người thân thì nhiều.

Nhưng thật ra cái vẻ cứng cỏi chỉ là vỏ bọc bề ngoài, những đêm có chim cú rúc hoặc tiếng quạ kêu…thì bà Sáu H hoảng loạn la hét như bị ma ám cho là những oan hồn đòi mạng:

-Lạy mấy người, đi đi, tôi không cố tình giết mấy người…

Nhiều tử tội điều có chung ám ảnh còn kinh khủng hơn cái chết, họ sợ nhất là con cái sẽ đi theo vết xe đổ của mình!

Biết làm sao được,những đứa trẻ có cha hoặc mẹ là người bị kết án tử hình sẽ sống trưởng thành như thế nào: “phải chi hồi đó mình đừng ham tiền”…luôn là như vậy.

Sự tỉnh thức về lương tâm là cần thiết, giúp họ ra đi về thế giới bên kia như một người biết “quay đầu”.

Trong giờ phút đối diện với cái chết và với chính mình, con người mới thấy giá trị của cuộc sống và điều lương thiện. Điều mà lẽ ra họ phải nhận thức từ lâu để không có kết quả như vậy!

Theo Soha/ trí thức trẻ


Tin tức mới nhất