Cầu nghìn tỷ ở Hà Nội thành "công viên tình yêu"

Hàng tối, “teen” ở Hà Nội lũ lượt kéo nhau lên cầu Vĩnh Tuy hóng gió, “tâm sự” bất chấp sự rình rập, bủa vây của “thần chết”.

Tính tới thời điểm hiện tại, cầu Vĩnh Tuy (Long Biên, Hà Nội) không chỉ là cây cầu rộng nhất Việt Nam, mà còn giành nhiều kỷ lục khác như: cây cầu hiện đại vào loại bậc nhất Việt Nam, có kết cấu chuỗi nhịp chính vượt sông lớn nhất là tám nhịp liên tục, đúc hẫng dài và chiều dài cầu chính, cầu dẫn bằng bê tông và bê tông cốt thép dự ứng lực dài nhất...

Kể từ khi được đưa vào sử dụng, cầu Vĩnh Tuy đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn, góp phần tăng cường giao lưu và phát triển kinh tế giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong khu vực kinh tế trọng điểm.

Cảnh nam thanh nữ tú "tâm sự" trên cầu Vĩnh Tuy.

Ngoài ra, nó còn góp phần giải quyết ách tắc giao thông ở cửa ngõ phía Đông Bắc Thủ đô, làm giảm áp lực giao thông cho cầu Chương Dương và đáp ứng nhu cầu vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc và Nam vào Thủ đô Hà Nội.

Thế nhưng, từ nhiều tháng nay, hàng tối, từ khoảng sau 8h, người dân ở thủ đô thường lũ lượt kéo nhau lên cầu để tập thể dục, hóng gió bất chấp sự “lộng hành” của các hung thần container.

Trong khi đó hàng trăm xe tải có tải trọng lớn, vượt xa giới hạn cho phép ngày đêm “quần đảo” trên cây cầu này chính là nguyên nhân khiến gần đây trên cầu xuất hiện nhiều vết sụt, nứt.

Theo quan sát của chúng tôi, nhóm người thường xuyên tụ tập hóng gió trên cầu chủ yếu là các bạn trẻ. Thỉnh thoảng, ngoài các “cặp đôi”, nam thanh nữ tú, chúng tôi còn bắt gặp cả những gia đình có con nhỏ dừng chân ở giữa thân cầu khiến khung cảnh nơi đây trở nên nhếch nhác.

Họ dừng xe ngay sát chân cầu để chụp ảnh và tâm sự như thể đây là công viên tình yêu bất chấp ánh nhìn ái ngại của dòng người đang lưu thông trên cây cầu nghìn tỷ này. Nhiều bạn trẻ còn mạo hiểm thò chân qua lan can, ngồi vắt vẻo trên thành cầu hoặc ôm cột quảng cáo trên cây cầu để chụp ảnh.

Nhiều bạn trẻ lên cầu ngồi vắt vẻo trên thành cầu để chụp ảnh.

Chị Thảo (24 tuổi, Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Đã có không biết bao nhiêu tai nạn thương tâm trên cây cầu này rồi chẳng lẽ người ta chưa từng chứng kiến hay nghe nói tới? Các bạn trẻ ấy đang quá mạo hiểm, xem thường tính mạng của mình. Và tôi càng ngạc nhiên hơn khi điều đó đã trở thành chuyện thường ngày ở phố huyện mà không thấy ai nhắc nhở, cảnh báo...”.

Trong khi đó, ở đầu cầu bên kia, hướng đi Minh Khai, các dịch vụ “ăn theo” trào lưu này nở rộ. Thậm chí còn có hẳn bàn trà, quán nước, dịch vụ cho thuê chiếu... phục vụ các bạn trẻ này. Vào giờ cao điểm, lưu lượng giao thông lớn hay khi xảy ra sự cố, khu vực này thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài.

Cùng tâm trạng như chị Thảo, anh Ân (hiện đang ở trọ tại phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội) nói: “Toàn những người trẻ tuổi, học rộng, trình độ cao mà họ tha đủ thứ lên cầu để ăn rồi xả rác bừa bãi. Có lần tôi ngang qua thấy họ hò hét, nô đùa, đuổi nhau chạy dọc thân cầu như đang ở chốn không người, trong khi xe tải lớn vẫn ầm ầm phi bên cạnh”.

Những hành động như trên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho chính những người đi hóng mát và người, phương tiện khi lưu thông trên cầu. Thực tế đã có người thức khuya hóng mát trên cầu bị cảm lạnh, trúng gió, thậm chí đột tử hoặc do bất cẩn nên đã xảy ra tai nạn.

Theo VTC

Tin tức mới nhất