Chàng trai nhường áo phao đã cứu 4 người trước khi chết

Hiệp mặc áo phao nên đã căng mình vớt được 4 người lên thuyền. Thấy một người phụ nữ đang mang bầu, yếu ớt bám vào thân cano, anh cởi áo phao nhường lại. Đuối sức, Hiệp bị sóng đánh dạt ra xa.

Như tin đã đưa, khoảng 21h ngày 2/8, một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trên sông Soài Rạp (đoạn chảy qua xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) làm 9 người mất tích. Hiện tất cả đã được tìm thấy thi thể, bàn giao cho gia đình tổ chức lễ mai táng.

Giây phút đón hung tin

Trong số 9 nạn nhân tử vong, có một trường hợp vì muốn cứu sống người khác nên đã bị nước cuốn trôi và tử vong, đó là anh Trần Hữu Hiệp (SN 1988, trú thôn 4, xã Thạch Long, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa). Theo thông tin từ những người sống sót, anh Hiệp trước khi chết đã cứu sống được 5 người, trong đó có 1 thai phụ.


Di ảnh anh Hiệp.

Chúng tôi về gia đình anh Hiệp sau 3 ngày xảy ra tai nạn nghiêm trọng trên, đúng lúc gia đình chuẩn bị đón thi thể anh, dự kiến về đến quê vào lúc rạng sáng ngày mai (6/8). Cả gia đình ông Trần Hữu Trọng (SN 1957, bố đẻ anh Hiệp) như chết lặng sau khi nhận hung tin và kiệt quệ tinh thần từ hôm đó đến nay.

Gạt dòng nước mắt lăn dài, ông Trọng mở lời: “Cháu Hiệp là con út, là đứa hiền lành, biết sống nhất nhà”.


Ông Trọng và vợ (giữa) đau buồn chờ đợi người thân đưa thi thể anh Hiệp về nhà.

Vợ chồng ông Trọng sinh được 3 người con, tất cả đều được ông bà nuôi ăn học tử tế, sống hiền lành. Trong đó, anh Hiệp là con trai út trong gia đình nên được ông bà Trọng yêu chiều và quan tâm nhất.
 
Sau khi học hết lớp 12, anh Hiệp thi đỗ rồi theo học trường cao đẳng hóa chất Phú Thọ. Năm 2008, anh tốt nghiệp với tấm bằng khá. Trước khi vào Nam làm công nhân cơ khí, anh Hiệp có thời gian lặn lội ở nhiều tỉnh thành phía Bắc làm công nhân kiếm tiền phụ giúp gia đình. “Đi đâu Hiệp cũng được mọi người quý mến”, một người dân nói.

“Lúc còn đi học, cháu cũng đã tranh thủ đi làm thêm kiếm tiền tự trang trải cuộc sống sinh viên nên gia đình tôi cũng đỡ vất đi nhiều. Ra trường, nghĩ thương bố mẹ, cháu không quản công việc nặng nhọc, lăn lội nhiều nơi rồi cũng kiếm cho mình một công việc với mức thu nhập khá, hằng tháng cháu vẫn gửi tiền về đỡ đần cho gia đình”, ông Trọng kể.

Kể lại giây phút nhận hung tin, ông Trọng nhớ lại, khoảng 13h ngày 3/8, vợ chồng ông Trọng vừa ăn cơm xong, đang ngồi nghỉ trưa thì nhận được cú điện thoại từ công ty nơi anh Hiệp làm việc. “Lúc đó tôi thấy số máy bàn mã tỉnh trong Nam, cứ nghĩ đầu giây bên kia là Hiệp về nên rất phấn khởi. Ai ngờ họ báo rằng, con tôi đã mất tích ngoài biển trong một chuyến đi du lịch cùng anh em công ty”.


Cô Hoạt kể lại giây phút đón nhận thi thể anh Hiệp.

Nhận tin, ông Trọng vẫn không dám tin điều đó là sự thật, ông cúp máy rồi chạy ra kể lại với người vợ là bà Nguyễn Thị Thìn (SN 1957). Bà Thìn nghe thế rồi cùng ông chạy vào, gọi vào số máy anh Hiệp nhưng không liên lạc được, ít phút trấn tĩnh tinh thần, ông bà Trọng nhờ người gọi lại xác minh.

“Vài tuần trước cháu còn gọi điện về bảo là tranh thủ kiếm tiền để cuối năm về dự đám cưới anh trai, thế mà nay cháu đã vĩnh viễn rời xa chúng tôi”, bà Thìn khóc nức nở.

Cứu 4 người trước khi nhường áo phao

Cô Tào Thị Hoạt (trú quận 7, thành phố Hồ Chí Minh), là mợ ruột của anh Hiệp kể lại: “Nhà tôi ở cách đó gần 120km. Tôi nhận tin lúc hơn 13h chiều rồi bắt xe chạy một mạch xuống biển, đúng lúc đội cứu hộ đang cố hết sức tìm kiếm các thi thể, trong đó có Hiệp. Đến 17h, thi thể cháu đã được tìm thấy, đưa lên bờ”.

Cô Hoạt xúc động kể chuyện đã tiếp xúc với một số người đi cùng đoàn với anh Hiệp nhưng may mắn thoát chết. Họ cho biết, anh Hiệp đã cứu được tổng cộng 5 người, trong đó có một phụ nữ đang mang bầu. “Tôi nghe họ kể lại, lúc cano lật úp, Hiệp là thanh niên khỏe mạnh và đang mặc áo phao nên đã căng mình cứu vớt được 4 người đưa lên thuyền. Thấy một người phụ nữ đang mang bầu, yếu ớt bám vào thân cano, Hiệp đã không tiếc mạng sống cởi áo phao đưa lại cho người này. Do đã đuối sức, Hiệp bị sóng đánh dạt ra xa rồi mất tích. Mặc dù một số người được cứu tìm mọi cách giúp đỡ Hiệp nhưng tất cả đều bất lực”, cô Hoạt kể lại.
 

Đông đảo người dân đến chia buồn cùng gia đình ông Trọng.

Ông Lê Đức Thủy, Trưởng thôn 4, xã Thạch Long nhận xét, anh Hiệp là một thanh niên sống hiền lành, tử tế và thường xuyên giúp đỡ người gặp nguy nan. “Bản thân anh Hiệp xưa nay sống rất hiền lành, đoàn kết, có lòng thương người”, ông Thủy nhận xét thêm.

Ông Lê Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Long cho biết, sau khi nhận được thông tin trên, chính quyền xã Thạch Long đang tích cực phối hợp cùng gia đình ông Trọng để tiếp nhận và tổ chức lễ mai táng trang trọng cho anh Hiệp. “Việc anh Hiệp qua đời là một tổn thất to lớn không chỉ vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó mà anh còn là một thanh niên sống rất có tinh thần trách nhiệm, thường xuyên giúp đỡ mọi người”, ông Thủy nói.

Được biết, suốt nhiều năm nay ông Trọng, bà Thìn bệnh nặng nên anh Hiệp làm ra bao nhiêu tiền thì đều gửi về phụ giúp gia đình. “Cháu mới đi làm được vài năm. Bản thân vợ chồng tôi đau ốm quanh năm nên cháu Hiệp là trụ cột chính trong gia đình, giờ cơ sự ập xuống thế này, chúng tôi không biết phải sống thế nào”, ông Trọng nói.

“Trong cơn hoạn nạn, anh Trần Hữu Hiệp đã tự nguyện nhường lại chiếc áo phao đang mang trên người cho một phụ nữ đang chới với dưới dòng nước”.

“Nhường xong chiếc áo, anh Hiệp bám vào thành tàu nhưng liên tục bị nhiều cơn sóng khác đánh dạt ra. Nhiều con sóng khác lại ập vào, anh Hiệp lúc này đã kiệt sức lại trôi ra xa, chúng tôi cố gắng níu giữ anh Hiệp. Tuy nhiên lúc này anh đã quá kiệt sức, không thở được nữa" - anh Nguyễn Văn Dương, nạn nhân trên chuyến tàu định mệnh kể lại.

Theo Infonet

Tin tức mới nhất