Chủ đầu tư chung cư Xa La "lờ" yêu cầu phòng cháy, chỉ tập trung bán căn hộ"

Lãnh đạo Sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho rằng, chủ đầu tư "thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn PCCC, thay vào đó chỉ tập trung vào việc bán căn hộ."

Liên quan đến vụ cháy nghiêm trọng tại 2 tòa nhà CT4 (Khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội) khiến khoảng 100 cư dân mắc kẹt, thiệt hại nhiều tài sản, chúng tôi đã có buổi trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội (Công an thành phố Hà Nội) để làm rõ thông tin liên quan đến trách nhiệm và sai phạm của chủ đầu tư trong công tác phòng cháy chữa cháy, cũng như đưa ra khuyến cáo cho người dân hiện đang sinh sống trong các tòa nhà cao tầng.
 
Chủ đầu tư có biểu hiện chống đối
 
Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết, qua kiểm tra các công trình do Xí nghiệp xây dựng tư nhân Số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư, lực lượng chức năng phát hiện đơn vị này còn tồn tại nhiều thiếu sót trong quá trình xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, việc tiếp thu những kiến nghị của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy của đơn vị này không được tốt, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, thay vào đó chỉ tập trung vào việc bán căn hộ.

“Những kiến nghị chúng tôi đưa ra không được đơn vị này thực hiện nghiêm túc, có biểu hiện chống đối”- Đại tá Sơn nhấn mạnh.

vnp_dai ta son 1-dd548
Đại tá Nguyễn Văn Sơn đưa ra nhận định về những sai phạm trong vụ cháy tòa CT4. 

Theo Phó giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, đơn cử như 3 tòa nhà CT1 (Hà Đông) là nhà cao tầng do Xí nghiệp xây dựng Số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư, dù đã được cấp thẩm duyệt Phòng cháy chữa cháy, tuy nhiên, khi chưa có nghiệm thu, tòa nhà này đã cho người vào ở. Qua kiểm tra, cửa chống cháy chưa có cơ cấu tự động, chưa lắp đặt quạt tăng áp tầng thang và các tầng thang bộ.

“Hay như tòa nhà CT4 mới xảy ra cháy hôm qua cùng các tòa CT6, chúng tôi đã thành lập đội kiểm tra liên ngành và xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy cho tòa nhà từ tháng 11/2014, tuy nhiên, chủ đầu tư chưa thực hiện các kiến nghị tại thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy. 

Cụ thể: thiết kế buồng thang kín, cửa chống cháy chịu lửa trên 45 phút, không có giải pháp chống tránh lan theo chiều thẳng đứng… ngoài ra,  xe thang tiếp cận công trình rất khó khăn, gây nhiều trở ngại cho công tác chữa cháy”, Đại tá Sơn nêu rõ.

Sau khi kiểm tra, xác định 4 lỗi vi phạm của chủ đầu tư gồm: đưa nhà công trình vào hoạt động khi chưa nghiệm thu về Phòng cháy chữa cháy; không tổ chức theo văn bản chỉ đạo hướng dẫn Phòng cháy chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền; thi công lắp đặt không đúng thiết kế Phòng cháy chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền duyệt; không trình hồ sơ để thẩm duyệt lại khi thay đổi, cải tạo lại, thay đổi mục đích sử dụng (CT6).

“Với 4 lỗi trên, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội xử lý vi phạm hành chính số tiền 133 triệu đồng, đồng thời đề nghị không cấp phép xây dựng dự án mới nếu không thực hiện các yêu cầu của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy”, Phó giám đốc Sở cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho hay.
 
Phòng cháy tốt từ đầu thì công tác chữa cháy đã dễ hơn nhiều
 
Sau vụ cháy, dư luận đặt ra câu hỏi về việc chiếc xe thang của lực lượng Phòng cháy chữa cháy có chiều cao quá thấp, không đủ vươn lên cứu hộ tại các tầng cao. Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho rằng, xe thang vốn để phục vụ việc vận chuyển cho nhanh và vận chuyển những đối tượng khó di chuyển, cần giúp đỡ như người già, người khuyết tật, người bệnh.

“Thực tế, trên thế giới, không có nước nào dùng thang chữa cháy để cứu hộ, chỉ dùng cho chữa cháy là chính. Nếu bảo xe thang thấp, có cao lên thêm, với các công trình cao hơn nữa thì lấy đâu ra thang, cái cao nhất 75 mét ở TP. HCM rất khó di chuyển, dễ gây sụt lún” - Đại tá Sơn chia sẻ.

Nói thêm về vấn đề này, lãnh đạo Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy khẳng định: “Nếu phòng cháy tối từ đầu, chữa cháy đã dễ hơn nhiều, cụ thể là thực hiện các quy định nghiêm túc từ đầu, các thang bộ đều thoát nạn, có điều áp, có hệ thống hút khói, thì người dân có thể yên tâm di chuyển từ tầng cao nhất xuống chỉ mất 10 phút. Ngoài ra, khâu bảo trì bảo dưỡng cũng vô cùng quan trọng. Theo tôi, trách nhiệm chính vẫn là thuộc về chủ đầu tư”.

DSCF9280-63faa
Tòa nhà CT4 sau vụ cháy tối 11/10. 

Bên cạnh quy trách nhiệm cho chủ đầu tư, Đại tá Nguyễn Văn Sơn cũng đưa ra một số khuyến cáo tới người dân đã, đang và sẽ sinh sống tại các tòa nhà chung cư.

Thứ nhất, người dân trước khi về sống cần tìm hiểu xem tòa nhà đã được nghiệm thu Phòng cháy chữa cháy chưa. “Tâm lý người dân thường nóng ruột, mong cho mau chóng được vào ở”.

Thứ hai, người dân cần phải tuân thủ các nội quy, quy định của Ban quản lý tòa nhà về công tác Phòng cháy chữa cháy.

Tiếp theo, người dân cần nghiên cứu bố trí tòa nhà, vị trí thang thoát nạn cũng như các trang thiết bị phương tiện Phòng cháy chữa cháy được trang bị ở đâu, có đẩy đủ hay không.

Thứ tư, người dân cần tham gia các lớp do ban quản lý tổ chức liên quan đến Phòng cháy chữa cháy. “Thực tế tuyên truyền, các buổi chúng tôi tuyên truyền, số người tham gia rất ít, thậm chí có nhà còn để cho người giúp việc tham gia cho có”, đại tá Sơn nói.

Cuối cùng, Đại tá Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: “Người dân phải làm chủ trong lĩnh vực Phòng cháy chữa cháy, cần biết xem ban quản lý có thực hiện đúng chức năng, thiết bị có đầy đủ hay không”.

Theo Trí thức trẻ

Tin tức mới nhất