Đội lặn nhân đạo: 'Mong giúp gia đình chị Huyền bớt đau xót'

Thầy trò của trường trung cấp nghề Giao thông Vận tải Thăng Long quần mình dưới lòng sông Hồng, mong tìm thấy xác chị Huyền càng sớm càng tốt bởi chị đã nằm quá lâu nơi lạnh lẽo.

Đã gần một tuần kể từ khi dừng việc tìm kiếm thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền, người bị bác sĩ viện thẩm mỹ Cát Tường ném xác xuống sông, đội thợ lặn gồm các thầy giáo và học viên của trường trung cấp nghề Giao thông Vận tải Thăng Long vẫn cảm thấy sốt ruột như chính người thân của mình gặp nạn.

Suốt ngày 25/10, từ sáng sớm tới tối mịt, quần quật dưới lòng sông Hồng, các giảng viên bộ môn Lặn (khoa Công trình) nhiều lần tưởng đã có kết quả. Với họ, tham gia tìm kiếm nạn nhân Huyền là việc làm nhân văn nên các thành viên tình nguyện làm mà không nhận tiền công.

Các thợ lặn phải đối mặt nhiều khó khăn khi tham gia tìm xác nạn nhân ở khu vực sông Hồng nước đục ngầu. Ảnh: Quý Đoàn.
Các thợ lặn đối mặt nhiều khó khăn khi tham gia tìm xác nạn nhân ở
khu vực sông Hồng nước đục ngầu. Ảnh: Quý Đoàn.

Đều là thợ lặn chuyên nghiệp, từng tham gia nhiều công trình dưới biển khó khăn, nguy hiểm nhưng hoạt động lần mò vớt xác nạn nhân hôm 25/10 để lại trong mỗi thành viên những ấn tượng khó quên. Ít tuổi nhất đội, anh Phạm Văn Quyến (31 tuổi) nhớ mãi cảm giác giật mình lúc trực tiếp xuống nước và chạm phải vật nghi ngờ là xác.

Đang là thợ lặn của một công ty ở Hải Phòng, Quyến được cử đi học nâng cao nghiệp vụ tại trường trung cấp nghề Giao thông Vận tải Thăng Long được hai tháng nay. Hôm tìm thi thể nạn nhân Huyền là lần đầu tiên chàng trai quê Ninh Bình này lặn vớt xác người. Biết các thầy đi làm nhiệm vụ, Quyến xin đi theo vì mong được trải nghiệm thêm về nghề và cũng muốn giúp gia đình nạn nhân tìm được xác.

"Chúng tôi cũng mong chị ấy lên càng sớm càng tốt sau cả một thời gian dài nằm dưới sông lạnh lẽo để người nhà bớt đau xót. Bởi vậy, thầy trò trong đội ai cũng cố gắng làm hết sức, hết khả năng, không phải qua loa. Gia đình yêu cầu tìm ở đâu, nhà ngoại cảm quăng tiêu vị trí nào, các thợ lặn đều lùng sục rất kỹ", Quyến chia sẻ.

Khó khăn lớn nhất với các thợ lặn hôm đó là không biết chính xác vị trí nạn nhân bị ném từ trên cầu xuống, bởi vậy họ lặn theo nguyện vọng của gia đình và các nhà ngoại cảm. Sông rộng, ở dưới nguy hiểm, nước đục và chảy mạnh khiến các thợ lặn không nhìn thấy gì.

5-5303-1383206178.jpg
Đội lặn chuyên nghiệp của trường trung cấp nghề Giao thông Vận
tải Thăng Long tình nguyện tham gia. Ảnh: Bá Đô.

Để dò tìm, họ áp dụng biện pháp thi công ngầm là khảo sát theo dây (rà theo dây để tìm). Từ trên tàu, thợ lặn thả quả dọi xuống đáy làm tâm và buộc một sợi dây. Theo sợi dây này, họ di chuyển theo trục giống như cần gạt nước ôtô. Cứ đi được khoảng 1 m dây, thợ lặn thắt một cái nút. Sau đó, họ nới tiếp thêm 1 m dây nữa và di chuyển tương tự. Thả 30 m dây, thợ lặn phải đi đến điểm nút cuối cùng.

Theo Quyến, mỗi đội lặn tối thiểu có 5 người, riêng hôm ấy đội có tất cả 16 người tham gia (4 người điều khiển thuyền). 10 người trực tiếp xuống lặn, 2 thành viên còn lại ở trên thuyền làm nhiệm vụ giám sát. Bác sĩ cũng lặn theo để đề phòng có sự cố xảy ra.

Thiết bị của thợ lặn gồm có bộ dây truyền sinh được cấp hơi từ máy nén khí, máy cấp hơi, quần áo lặn… Do nước sông quá đục nên hôm đó nhiều thiết bị hỗ trợ lặn hiện đại được đội mang theo như camera, mặt nạ không có cơ hội sử dụng. Dùng phương pháp lặn khảo sát nên thầy trò Quyến sử dụng thiết bị của lặn solo là dây truyền sinh cho nhanh và cơ động. Nếu gặp chướng ngại vật, họ sẽ dễ dàng xử lý mà không vướng víu các thiết bị khác.

Nhớ lại hôm tham gia tìm xác nạn nhân, Quyến cho biết thêm, nước chảy mạnh, sông bên lở bên bồi. Ban đầu đội lặn phía bờ Bắc cạn hơn và có đá nhưng không thấy gì. Gần trưa có nhà ngoại cảm tung một cái phao ra giữa sông bảo là nạn nhân đang nằm ở bờ Nam chỗ hút cát. 10 thành viên của đội sau đó thay nhau mò nhưng cũng không có kết quả.

Cơm trưa xong, hơn 13h, cả đội ra lặn tiếp vẫn theo chỉ dẫn của các nhà ngoại cảm. "Lúc chúng tôi đang lặn, có nhà ngoại cảm bị nhập hồn bảo là chị Huyền đang nằm dưới trụ đèn 51 nhưng tìm kiếm một hồi ở vị trí ấy mà chẳng thấy đâu. Họ bảo là nạn nhân bị cát vùi nhưng dưới đấy toàn đá làm gì có cát", Quyến nhớ lại.

Đến lượt mình xuống nước, Quyến đi theo dây và rà ngang vì chỉ cần thả tay khỏi dây, người sẽ trôi đi mất. Đúng lúc hết dây, chân quặp xuống, Quyến đụng phải vật gì mềm mềm. Nghĩ đã gặp xác chị Huyền, Quyến lên thuyền để dịch điểm tới vị trí ấy. Tưởng lần này đã có thể mang được thi thể nạn nhân lên bờ, trước khi xuống vớt, Quyến bắt tay với chỉ huy đội lặn cũng là thầy giáo trong trường. Tuy nhiên, lúc xuống đến nơi, Quyến phát hiện ra vật mềm mềm ấy là cái bao tải bên trong chất đầy cây sậy và một cái quần.

Nguyên tâm trạng hồi hộp, Quyến tâm sự: "Rất tiếc là không thấy. Lúc lặn, tôi nghĩ nạn nhân cũng như người nhà mình nên nhập lòng với gia đình họ để chia sẻ nỗi đau".

Để chắc chắn không bỏ sót một vị trí nào như yêu cầu của gia đình và nhà ngoại cảm, buổi sáng hôm 25/10, thợ lặn thay nhau mỗi người mò 3 lượt, đến chiều là 2 lượt. Từng có kinh nghiệm lặn 20 năm, giảng viên Nguyễn Văn Mạnh (44 tuổi) là người xuống khảo sát đầu tiên và lên cuối cùng.

Thân hình vạm vỡ, nước da đen sạm khỏe khoắn, đội trưởng đội lặn trông đầy vẻ cương nghị. Anh Mạnh tâm sự, các anh được đào tạo không phải đi mò xác nhưng muốn làm việc có đức và giúp gia đình nạn nhân. Anh Mạnh cho hay nhiều năm làm việc dưới nước đã rèn luyện cho anh bản lĩnh cùng kinh nghiệm để không bị căng thẳng.

Khác với những lần thi công dưới biển, nước trong có thể nhìn thấy rõ mọi thứ, lần này, anh cùng đồng nghiệp "tác nghiệp" dưới lòng sông đục ngầu. Vì vậy, họ làm việc hoàn toàn dựa vào giác quan thứ sáu. Bằng cảm nhận từ đôi tay, lúc gặp phải vật nghi ngờ, họ đều mong đó là thi thể nạn nhân. 

tho-lan-1-1899-1383206178.jpg
Thầy giáo Nguyễn Văn Mạnh từng có 20 năm kinh nghiệm lặn khảo sát, thi công công
trình dưới nước. Ảnh: Website trường trung cấp nghề Giao thông Vận tải Thăng Long.

Theo anh Mạnh, mò được bộ quần áo cũ, lúc là mớ rác, có khi lại là tấm tôn nặng trịch ôm lên từ dưới sông... dù là thứ gì chăng nữa, anh vẫn phải đưa lên làm vật chứng với người nhà. Chiều hôm đó, một nhà ngoại cảm ở rất xa gọi điện nói là 17h, chị Huyền nổi lên. Đúng thời gian này, anh Mạnh lặn xuống và ôm lên một tấm tôn. Sợ tấm tôn đè vào tay nạn nhân, nhà ngoại cảm lại yêu cầu tìm bên dưới nhưng bới mãi, anh Mạnh mang lên một nắm rác.

Ngoài tìm theo chỉ dẫn của nhà ngoại cảm, các thợ lặn trong đội anh Mạnh cũng lùng sục khắp các trụ cầu, tìm kiếm vách đá xem liệu quần áo của nạn nhân có mắc vào không. Gia đình nghi ngờ điểm nào, các thợ lặn phải xuống mò xem có đúng như những gì nhà ngoại cảm nói. Trực tiếp lặn mò, họ chỉ thấy đá, bê tông, rác mà không có hố sâu hay bùn như những nhà gọi là ngoại cảm phán.

Ông Doãn Quốc Hưng, phó hiệu trưởng nhà trường, chỉ huy trực tiếp tại hiện trường, cho hay việc xác định điểm tìm kiếm căn cứ theo dòng chảy và cả yếu tố tâm linh của gia đình nạn nhân. Sau một ngày "lục tung" lòng sông mà không có kết quả, chiều tối 25/10, cả đội đã tạm dừng. Tuy nhiên, ông Hưng cho biết, đội vẫn giữ liên lạc với chồng nạn nhân và nếu gia đình vẫn muốn nhờ các thầy giáo giúp, đội vẫn sẵn sàng.

Theo Ngôi Sao

Tin tức mới nhất